| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác nuôi cá lồng trên sông Trà Khúc, lãi hơn 60%

Thứ Tư 08/06/2022 , 07:45 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Từ nuôi tự phát, thô sơ, Tổ hợp tác nuôi cá lồng xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã có điều kiện đầu tư, nâng cao kỹ thuật, lợi nhuận đạt hơn 65%.

Chuyển sang nuôi lồng inox kiên cố

Nhằm thay đổi phương thức sản xuất, phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Trà Khúc theo hướng hàng hóa, đem lại thu nhập cao, từ năm 2018, Tổ hợp tác nuôi cá lồng xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) được thành lập. Đến nay, Tổ hợp tác đã giúp người dân liên kết sản xuất, có bước phát triển khá hiệu quả.

Gia đình ông Đinh Quang Tiến ở thôn Tây, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh đã có 26 năm trong nghề nuôi cá lồng trên sông Trà Khúc. Cách đây hàng chục năm, gia đình ông chủ yếu nuôi cá lồng bè tự phát, thô sơ nên ông chỉ nuôi 2 lồng cá, lượng cá mỗi năm khoảng 200 con nên thu nhập không cao. Từ năm 2018 đến nay, khi tham gia vào Tổ hợp tác nuôi cá lồng trên sông, được hỗ trợ vay vốn, gia đình ông Tiến đã chuyển sang đóng lồng bằng inox chắc chắn.

Ông Đinh Quang Tiến, xã Tịnh Sơn thu nhập cao và ổn định nhờ nuôi cá lồng trên sông Trà Khúc. Ảnh: Thu Phượng.

Ông Đinh Quang Tiến, xã Tịnh Sơn thu nhập cao và ổn định nhờ nuôi cá lồng trên sông Trà Khúc. Ảnh: Thu Phượng.

Được hướng dẫn kỹ thuật chọn giống, chăm sóc nên ông Tiến đã phát triển nuôi 4 lồng cá được đóng bằng inox, số lượng nuôi tăng lên từ 450 đến 500 con. Mỗi năm, với giá cá trắm cỏ khoảng 120 ngàn đồng/kg, cá chình 600 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông thu về gần 100 triệu đồng.

Ông Tiến cho biết: “So với trồng lúa hay nuôi các con vật nuôi khác như bò, heo thì nuôi cá lồng trên sông cho thu nhập gấp nhiều lần. Nguồn giống cá chình tự mình khai thác trong thiên nhiên. Nuôi cá chỉ bỏ công làm lời, tận dụng cây cỏ, thức ăn tươi sống đánh bắt được, nên thu nhập rất cao”.

Hiện nay 4 lồng cá, ông nuôi khoảng 500 con cá, trong đó thả xen cá chình và cá trắm cỏ. Theo ông Tiến, tất cả có được là nhờ tham gia vào Tổ hợp tác nuôi cá lồng của xã. “Tham gia vào Tổ hợp tác, tôi được vay vốn, được hỗ trợ kỹ thuật, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh và được chia sẻ, giúp đỡ từ các thành viên trong Tổ về giống, kinh nghiệm, giữ gìn, hạn chế thiệt hại khi thời tiết bất ổn”, ông Tiến bộc bạch.

Ông Lê Tấn Kiều ở thôn Tây, xã Tịnh Sơn có 14 năm nuôi cá lồng trên sông Trà Khúc cũng phấn khởi cho biết: Từ khi tham gia vào Tổ hợp tác nuôi cá lồng đến nay, ông cũng phát triển từ 2 lồng cá lên 4 lồng cá, tất cả đều được làm bằng inox.

"Trước đây nuôi cá lồng đóng bằng tre, không chắc chắn nên thường xuyên bị thất thoát do bão lụt, thu nhập rất ít, giờ lồng nuôi chắc chắn, lại được hỗ trợ về kỹ thuật, chăm sóc, kinh nghiệm nuôi, cũng như những giúp đỡ, chia sẻ của các thành viên trong Tổ hợp tác nên thu nhập từ nuôi cá lồng trên sông của gia đình tôi ngày càng bền vững. Đầu ra sản phẩm phong phú nên lượng cá luôn tiêu thụ dễ dàng, ông Kiều cho biết.

Nuôi càng lâu, giá trị càng cao

Hiện nay, tại 4 lồng cá, ông Kiều nuôi cá chình, mỗi năm trừ chi phí, thu về từ 75 - 80 triệu đồng. Theo ông Kiều, cá chình là loài cá có sức đề kháng rất cao, ít bệnh, giá cả hợp lí nên nuôi cá lồng đối với gia đình ông cũng rất dễ, chỉ sử dụng thời gian lúc nhàn rỗi. Mỗi ngày ông chỉ dành thời gian buổi sáng trước khi đi làm thợ hồ và chiều tối khi đi làm về để chăm sóc, vệ sinh, cho cá ăn.

Ông Lê Tấn Kiều, thôn Tây, xã Tịnh Sơn vớt cá trong lồng nuôi. Ảnh: Thu Phượng.

Ông Lê Tấn Kiều, thôn Tây, xã Tịnh Sơn vớt cá trong lồng nuôi. Ảnh: Thu Phượng.

Thức ăn cho cá rất đơn giản, cá trắm cỏ thì ăn các loại cỏ, bắp, lá mì; còn cá chình thì ăn thêm thức ăn tươi sống như các loại cá con, cá rô phi. Nuôi cá thời gian càng lâu, thì giá trị càng lớn. Nếu muốn có thu nhập cao thì cá trắm cỏ nuôi từ 1 đến 2 năm, để có trọng lượng trên 2,5 kg/con; còn cá chình thì nuôi từ 2 đến 3 năm, để có trọng lượng từ 4 - 5kg/con trở lên, lúc đó xuất bán rất chạy.

Từ mô hình nuôi cá lồng trên sông có hiệu quả, hiện nay trên địa bàn xã Tịnh Sơn ngày càng xuất hiện nhiều hộ nuôi cá lồng. Hiện toàn xã có 52 hộ nuôi, với hơn 110 lồng cá. Từ năm 2018, để thay đổi phương thức sản xuất, phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng hàng hóa, Tổ hợp tác nuôi cá lồng xã Tịnh Sơn ra đời. Hiện nay, đã có 29 hộ/52 hộ nuôi cá lồng tham gia vào Tổ hợp tác.

Khi tham gia vào Tổ hợp tác, các thành viên được vay vốn, được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, quy trình nuôi cá lồng, cách chọn cá giống và cách làm lồng đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Ngoài ra, giữa các thành viên trong Tổ thường hỗ trợ nhau về vốn, về tiêu thụ sản phẩm, giúp đỡ, chia sẽ nhau về kinh nghiệm, giữ gìn lồng cá cho nhau khi thời tiết bất lợi.

Với số lượng 94 lồng cá của 29 thành viên tại Tổ hợp tác, mỗi năm doanh thu của Tổ hợp tác trên 2,6 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 1,7 tỷ đồng. Trung bình mỗi lao động nuôi cá lồng có thu nhập trên 1,4 triệu đồng/tháng. Thành viên chủ yếu sử dụng công lao động nhàn rỗi, vào lúc sáng sớm hay chiều muộn khi làm xong các việc chính trong ngày.

Ông Nguyễn Ngọc Khanh, Chủ tịch Hội nông dân xã Tịnh Sơn cho biết: Nhu cầu tiêu thụ rất lớn nên lượng cung cấp cá lồng ở Tổ hợp tác không bao giờ đủ, do vậy cá lồng trên sông Trà Khúc đã có thương hiệu, HTX Tịnh Sơn đã tiến hành làm nhãn hiệu bảo hộ cho nghề nuôi cá lồng của xã. Đây cũng là bước đầu để Tổ hợp tác có pháp lý tiếp cận thị trường rộng, các siêu thị để nâng cao giá trị hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho hội viên.

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.