| Hotline: 0983.970.780

Tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên nuôi cá lồng vượt qua bão giá

Thứ Sáu 22/04/2022 , 11:53 (GMT+7)

Anh Vũ Văn Khoa là tấm gương điển hình trong phát triển nuôi cá lồng bè cho thu nhập cao nhờ biết tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ tại hồ IaLy, Gia Lai.

Mô hình nuôi cá lồng bè của anh Vũ Văn Khoa được chính quyền Gia Lai đánh giá cao. Ảnh: Tuấn Anh.

Mô hình nuôi cá lồng bè của anh Vũ Văn Khoa được chính quyền Gia Lai đánh giá cao. Ảnh: Tuấn Anh.

Những năm qua, nhiều hộ dân đã biết tận dụng lòng hồ Thủy điện IaLy (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) để phát triển mô hình nuôi cá lồng bè. Trong đó, anh Vũ Văn Khoa ở xã Ia Khươl, huyện Chư Păh được xem là người trẻ tuổi nhất trong số những người nuôi cá lồng bè nhưng lại rất thành công với thu nhập ổn định.

Khoa bắt đầu đam mê và bén duyên với nghề nuôi cá lồng bè từ năm 25 tuổi. Lúc bấy giờ, anh nhận thấy mô hình nuôi cá nước ngọt từ người bác ruột của mình rất thành công nên đã quyết tâm theo đuổi. Được sự hỗ trợ từ gia đình, Khoa đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để đóng 12 lồng bè nuôi cá nước ngọt với diện tích 36m2/lồng.

Đam mê theo đuổi nghề nuôi cá nước ngọt, nhưng Khoa lại không thể lường trước được khó khăn do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, dẫn đến việc cá chết hàng loạt. Sau nhiều lần thất bại, thậm chí mất trắng, Khoa quyết đi tầm sư học đạo từ các bậc tiền bối, đồng thời lên mạng tìm hiểu kiến thức về nghề nuôi cá.

Khoa tâm sự: “Trước đây, em nghĩ nghề nuôi cá đơn giản, ai ngờ bắt tay vào làm thì không như mình nghĩ. Sau vài lần mất trắng, em mới rút ra được kinh nghiệm. Chỗ nào không biết, em gọi điện hỏi người có kinh nghiệm, thậm chí chụp hình, quay video gửi cho họ để chuẩn đoán cá bị bệnh gì, dùng thuốc như thế nào”.

Tận dụng nguồn cá tạp làm thức ăn cho cá, Khoa tiết kiệm được khoản chi phí đầu tư rất lớn. Ảnh: Tuấn Anh. 

Tận dụng nguồn cá tạp làm thức ăn cho cá, Khoa tiết kiệm được khoản chi phí đầu tư rất lớn. Ảnh: Tuấn Anh. 

Sau khi có chút kinh nghiệm về nuôi cá, Khoa lại không ít gặp khó khăn khi giải bài toán: Nuôi cá làm sao để có doanh thu, lợi nhuận trong thời điểm giá thức ăn thủy sản ngày một tăng cao. Nếu sử dụng thức ăn cám công nghiệp để nuôi cá lợi nhuận bị bào mòn, thậm chí chăm sóc không khéo có thể dẫn đến thua lỗ.

Từ những trăn trở đó, Khoa đã nảy ra ý tưởng về nguồn thức ăn tại chỗ nơi lòng hồ IaLy để dần thay thế nguồn thức ăn cám công nghiệp. “Hồ IaLy có nguồn cá tạp rất phong phú, chỉ cần bỏ chút công sức sẽ không phải lo đến vấn đề thức ăn và cũng không tốn chi phí”, Khoa chia sẻ.

Hàng ngày, bắt đầu từ 2 giờ sáng, Khoa cùng 2 người em của mình chèo thuyền đến vùng nước sâu thả, kéo lưới bắt cá tạp về làm thức ăn cho cá nuôi. Chỉ mất khoảng 3 tiếng, anh em Khoa đã có thể kéo về hơn 2 tạ cá tạp, đáp ứng đủ thức ăn cho cá lồng bè. Không những vậy, ngoài cá tạp Khoa còn kéo được chục cân tép đem bán cho thương lái kiếm vài trăm ngàn đồng mỗi ngày.

Theo tính toán của Khoa, nếu sử dụng cám công nghiệp, mỗi tháng phải mất hơn 30 triệu đồng. Tuy nhiên, kể từ khi dùng nguồn cá tạp làm thức ăn, khoản chi phí này đã được bù đắp vào phần lợi nhuận. Tuy cá có chậm lớn, nhưng thịt cá chắc lại bán được giá cao hơn thị trường vài ngàn đồng/kg. Với cách tính này, Khoa đã tiết kiệm được tối đa chi phí, nâng cao thu nhập mỗi vụ lên trên 200 triệu đồng.

Nuôi cá lồng bè trên cá lồng hồ ở Gia Lai rất tiềm năng. Ảnh: Tuấn Anh.

Nuôi cá lồng bè trên cá lồng hồ ở Gia Lai rất tiềm năng. Ảnh: Tuấn Anh.

Chúng tôi gặp Khoa khi bắt đầu cho vụ xuống giống với rất nhiều loại cá được nuôi thả như cá lăng đuôi đỏ, cá lóc, thát lát, diêu hồng. Dù mùa vụ năm nay chỉ thả hơn 10 tấn cá do phải cân nhắc nguồn thức ăn tại chỗ nhưng Khoa vẫn tự tin thu về lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.

Kinh tế ổn định, mô hình nuôi cá của Khoa được địa phương đánh giá rất cao. Thậm chí, Khoa cũng được UBND huyện Chư Păh mời làm chuyên gia tư vấn cho những người bắt đầu làm nghề nuôi trồng thuỷ sản lồng bè.

Ông Trịnh Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai cho biết, đối với mô hình nuôi cá lồng bè của thanh niên Vũ Văn Khoa được xem là thành công hơn cả nhờ cách làm rất mới của mình. Cụ thể, Khoa biết tận dụng nguồn cá tạp tại chỗ để làm thức ăn cho cá, qua đó tiết giảm được nguồn chi phí rất lớn.

Hiện nay, nguồn cám thức ăn phục vụ nuôi cá chiếm đến 70% giá thành sản xuất. Chính vì vậy, việc Khoa không bị phụ thuộc vào cám, tự chế biến ra nguồn thức ăn tại chỗ đã phát huy hiệu quả, cho thu nhập cao. Đây là mô hình nuôi cá lồng bè đáng để khuyến khích người dân học hỏi và nhân rộng.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.