| Hotline: 0983.970.780

Khấm khá từ nuôi cá lồng đặc sản trong núi

Thứ Năm 26/05/2022 , 08:10 (GMT+7)

Giá cá đặc sản từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng/kg giúp nhiều hộ nuôi cá lồng ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang có thu nhập ổn định và cuộc sống khấm khá.

Khu nuôi cá lồng trong núi của gia đình ông Nguyễn Văn Tùng mỗi năm cho thu về hằng trăm triệu đồng. Ảnh: Đào Thanh.

Khu nuôi cá lồng trong núi của gia đình ông Nguyễn Văn Tùng mỗi năm cho thu về hằng trăm triệu đồng. Ảnh: Đào Thanh.

Những người tiên phong

Căn nhà lều nhỏ của ông Nguyễn Văn Tùng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm nằm lọt thỏm giữa sông nước mênh mông và núi rừng ở huyện Lâm Bình. Khoảng 6 năm về trước, ông quyết định tạm rời xa thôn Nà Tông để vào vùng rừng núi này phát triển nghề nuôi cá lồng với hi vọng có cuộc sống khấm khá.

Gia đình ông Tùng vốn làm nghề đánh bắt cá trên sông Năng, sông Gâm từ lâu đời. Bởi vậy, những giống cá nào thịt ngon lạ được thương lái mua kịp thời ông đều nắm chắc. Nhưng nếu cứ mãi dựa vào nghề chài lưới, vừa vất vả thu nhập lại bấp bênh không ổn định khiến ông quyết tâm đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng.

Năm 2014, sau khi tham gia lớp tập huấn về nuôi cá lồng, nắm bắt được kỹ thuật cơ bản về nuôi cá, ông Tùng đã đầu tư thí điểm 2 lồng cá. Khi ấy chưa có nhiều vốn, ông lấy những thân cây gỗ tạp rồi quây kín làm lồng cá. Sau vài vụ cá đầu, ông Tùng thấy việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đem lại hiệu quả kinh tế cao và tiếp tục đầu tư mở rộng.

Đến năm 2017, ông Tùng đã huy động, vay mượn vốn để đầu tư trên 10 lồng nuôi cá. Lúc này nguồn vốn đã khá hơn, ông thuê người hàn lồng bằng sắt thép kiên cố. Mỗi lồng, ông Tùng nuôi một loại cá khác nhau, lồng nuôi cá bỗng, cá rô phi đơn tính, cá trắm, cá nheo, cá lăng… giúp gia đình ông một nguồn thu lớn và ổn định.

Ông Nguyễn Văn Tùng chia sẻ, hiện gia đình ông có 40 lồng cá, chủ yếu nuôi những giống cá đặc sản như lăng, bỗng, chiên. Những năm trước khi chưa bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ thuận lợi, giá thức ăn thuỷ sản chưa tăng cao, mỗi năm trừ chi phí ông lãi hơn 100 triệu đồng, năm cao điểm ông lãi 500 triệu đồng.

Nhờ nuôi cá lồng trên hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình giúp nhiều hộ dân nơi đây có nguồn thu ổn định. Ảnh: Đào Thanh.

Nhờ nuôi cá lồng trên hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình giúp nhiều hộ dân nơi đây có nguồn thu ổn định. Ảnh: Đào Thanh.

Cũng giống như gia đình ông Tùng, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Minh là một trong những hộ tiên phong vào hồ phát triển nghề nuôi cá lồng. Hiện gia đình ông Minh có hơn 100 lồng cá và là người sở hữu số lượng lồng cá lớn nhất huyện Lâm Bình.

Ông Minh cho biết, với điều kiện sinh thái lý tưởng của khu vực lòng hồ, cá nuôi phát triển nhanh, không bị bệnh, việc đầu tư nuôi cá lồng đã đem lại lợi nhuận cao. Hiện gia đình ông Minh đang tạo việc làm cho 5 lao động địa phương có thu nhập ổn định. Năm 2021, ông Minh xuất ra thị trường hơn 40 tấn cá các loại.

Nghề nuôi cá trên hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình thuận lợi lớn nhất là người nuôi không phải mất tiền thuê diện tích mặt nước, vì vậy cũng giống như gia đình ông Tùng, ông Minh tận dụng nguồn nước hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình với môi trường sống sạch, hàm lượng ô xy cao, nhiều hộ dân ở huyện Lâm Bình đã phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.

Ông Ma Công Khâm, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình cho biết, với xã Thượng Lâm, việc phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản là một trong những lợi thế của địa phương, sản lương trung bình hằng năm đến thời điểm này đạt trên 100 tấn. Phát triển nghề thuỷ sản cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ xã xác định góp phần làm tăng thu nhập cho người dân góp phần xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo.

Đồng hành cùng người nuôi cá lồng

Toàn huyện Lâm Bình có 3.569ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó ao hồ nhỏ hơn 69ha, còn lại là hồ sinh thái Lâm Bình. Đây là điều kiện thích hợp để phát triển nuôi các loài cá đặc sản như anh vũ, bỗng, chiên, lăng chấm, lăng đen... mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Khai thác lợi thế này, đến nay toàn huyện Lâm Bình có 1 tổ hợp tác và 56 hộ nuôi cá lồng với hơn 280 lồng cá. Tổng sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 300 tấn, trong đó có nhiều loài các đặc sản như lăng, bỗng, chiên… 

Thúc đẩy phát triển thuỷ sản, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chính sách hỗ trợ đồng hành cùng người nông dân. Ảnh: Đào Thanh.

Thúc đẩy phát triển thuỷ sản, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chính sách hỗ trợ đồng hành cùng người nông dân. Ảnh: Đào Thanh.

Ngoài nguồn nước tự nhiên ổn định, hợp vệ sinh thì người nuôi cá lồng ở Tuyên Quang cũng có nhiều thuận lợi khi được chính quyền địa phương tạo các điều kiện về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 12, Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh Tuyên Quang về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng vật nuôi trên địa bàn tỉnh, trong đó có các loại giống cá đặc sản nuôi trên hồ thủy điện sẽ tiếp tục mở ra cơ hội cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Lâm Bình, mở rộng quy mô chăn nuôi đẩy mạnh phát triển kinh kế nâng cao đời sống vật chất, qua đó góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Gia đình anh Hoả Văn Hoản, là hộ nghèo ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm. Qua nguồn vốn hỗ trợ 100% lãi xuất cho hộ nghèo thuộc Nghị quyết 12 của HĐND Tuyên Quang về khuyến khích hỗ trợ phát triển hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, anh Hoản được vay 50 triệu đồng đầu tư nuôi 4 lồng cá lăng, bỗng, rô phi.

Sau gần 2 năm nuôi, đến nay các lồng cá lăng của gia đình anh Hoản đã cho thu hoạch hơn 1 tấn cá. Với giá 85.000 đồng/kg cá lăng, trừ chi phí anh Hoản thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Gia đình anh còn lồng cá bỗng khoảng hơn 1 năm nữa sẽ cho thu hoạch.

Anh Hoản cho biết, từ các nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước là động lực quan trọng giúp những hộ nghèo như gia đình anh có điều kiện đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng, vươn liên thoát nghèo hiệu quả.

Đến nay, toàn huyện Lâm Bình có 19 sản phẩm nông sản đạt sao OCOP, trong đó có 3 sản phẩm cá đạt 3 sao OCOP. Đây cũng là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của ngành chăn nuôi thuỷ sản ở huyện Lâm Bình.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, phát triển nghề thuỷ sản, đặc biệt là cá đặc sản là tiềm năng lợi thế của huyện. Do đó, huyện đã thực hiện triển khai các chính sách của tỉnh để phát triển thuỷ sản trên lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Lợi thế của lòng hồ này là nguồn nước rất là sạch, cá ở đây thịt chắc, thơm ngon. Trên lòng hồ số lượng lồng cá mỗi năm một tăng. Trước đây chỉ có vài chục lồng hiện nay đã lên đến vài trăm lồng.

Cá lòng hồ Lâm Bình, Na Hang đã xuất về các thị trường, các siêu thị ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Thời gian tới huyện Lâm Bình sẽ tập trung cho việc xây dựng các chứng nhận OCOP, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý cho cá lòng hồ, đặc biệt là những loài cá đặc sản như rầm xanh, anh vũ, cá chiên, cá lăng…

Cùng với việc mang lại nguồn lợi từ nghề nuôi trồng thủy sản, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh kết hợp giữa phát triển thủy sản với du lịch bằng cách liên kết các nhà hàng với những hộ chăn nuôi để tiêu thụ sản phẩm; liên kết các tua tuyến du lịch trải nghiệm để du khách tham quan và trải nghiệm làm nông dân khi ghé thăm các lồng cá trên lòng hồ mênh mông.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.