| Hotline: 0983.970.780

Dự án VnSAT tiếp sức các hợp tác xã đi vào hoạt động chiều sâu

Thứ Hai 09/05/2022 , 07:15 (GMT+7)

AN GIANG Dự án VnSAT góp phần thay đổi tư duy quản lý của lãnh đạo các HTX, từ đây nhiều ý tưởng kinh doanh mới ra đời, đưa hoạt động HTX đi vào chiều sâu.

Nhiều ý tưởng kinh doanh ra đời

Trong giai đoạn 2 của Dự án VnSAT, tỉnh An Giang tiếp tục đầu tư 7 tiểu dự án tại các huyện Thoại Sơn, Tịnh Biên, Châu Phú. Là một trong những địa phương được Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh lựa chọn đầu tư, xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên có hơn 2.700ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, với 650 nông hộ tham gia trên diện tích hơn 1.300ha.

Được sự giới thiệu của Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh, phóng viên có dịp ghé thăm HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập (HTX Tân Lập). Đây là đơn vị điển hình của tỉnh phát huy tốt nguồn lực hỗ trợ của Dự án VnSAT để phát triển thị trường tiêu thụ lúa gạo.

HTX được Dự án VnSAT đầu tư về cơ sở hạ tầng máy cấy, các tuyến đường giao thông kết nối vùng nguyên liệu lúa gạo, cống điều tiết nước cho bà con trong vùng với tổng nguồn vốn hơn 20 tỷ đồng. Qua trò chuyện với ông Trần Văn Xuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc HTX Tân Lập, phóng viên nhận ra sự phấn khởi cũng như tư duy sản xuất nông nghiệp của cá nhân ông Xuân có nhiều thay đổi từ sau khi tiếp cận được tiếp cận với Dự án VnSAT.

Thông qua các lớp tập huấn của Dự án VnSAT, ban lãnh đạo các HTX đã có nhiều thay đổi, biết nắm bắt thông tin, liên kết với doanh nghiệp bền chặt hơn. Ảnh: Kim Anh.

Thông qua các lớp tập huấn của Dự án VnSAT, ban lãnh đạo các HTX đã có nhiều thay đổi, biết nắm bắt thông tin, liên kết với doanh nghiệp bền chặt hơn. Ảnh: Kim Anh.

Ông Xuân chia sẻ, mục đích sản xuất của HTX trong giai đoạn đầu thành lập chỉ đơn thuần là để làm ăn, chia sẻ lợi nhuận với bà con xã viên. Từ năm 2016, được Dự án VnSAT đầu tư, tổ chức các lớp tập huấn, nông dân thay đổi nhanh hơn. Chính sự thay đổi này đã mang đến nhiều ý tưởng phát triển mô hình kinh doanh của HTX, từ làm lúa thịt chuyển sang lúa giống, rồi từ sản xuất kinh doanh lúa giống nâng lên thành tổ sản xuất giống.

“Hồi trước chưa có Dự án hỗ trợ, HTX chủ yếu thành lập để phục vụ cho địa phương, sau này được Dự án VnSAT tập huấn nhận thức nâng cao lên, tôi cũng biết nắm bắt thông tin, hợp đồng liên kết với doanh nghiệp trở nên mau lẹ hơn”, ông Xuân bộc bạch.

Đặc biệt, HTX liên kết tiêu thụ cùng mua bán chung, chia sẻ lợi nhuận, nên tính công khai minh bạch được HTX đặt lên hàng đầu. “Đã làm phải tâm huyết để chia sẻ với nông dân, cùng hưởng lợi, nếu làm ra không có cái tâm thì không thành công”, ông Xuân quan niệm.

Trong đợt dịch Covid-19 năm 2021, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX Tân Lập trở thành đầu mối quan trọng tiêu thụ toàn bộ lúa cho bà con nông dân trong vùng. Ông Xuân thông tin thêm: “Để tạo đầu ra sản phẩm cho bà con, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp uy tín như: Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương để thực hiện liên kết bao tiêu lúa cho nông dân với sản lượng tăng đều qua các năm. Nếu như năm 2019, HTX liên kết được 870ha thì đến năm 2020 đã tăng lên hơn 2.093ha. Nông dân rất phấn khởi, uy tín của HTX với xã viên cũng được nâng cao hơn”.

Tại huyện Thoại Sơn, chính sự đầu tư vững chắc về cơ sở hạ tầng cho các HTX cũng tạo nền móng vững chắc cho các HTX lên kế hoạch phát triển nhiều mô hình kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc HTX Tây Phú cho biết, từ sự hỗ trợ của Dự án VnSAT như: Xây dựng nhà kho sức chứa từ 8 - 10 ngàn tấn, tuyến đường nhựa đài 4km, lò sấy công suất 10 tấn lúa giống thành phẩm/ngày, máy tách hạt..., HTX đã có thêm điều kiện phát triển thêm một số ngành nghề dịch vụ cung ứng giống cho bà con nông dân.

Các HTX trong vùng Dự án VnSAT tỉnh An Giang mạnh dạn đầu tư thêm máy móc hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Trọng Linh.

Các HTX trong vùng Dự án VnSAT tỉnh An Giang mạnh dạn đầu tư thêm máy móc hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Trọng Linh.

Hiện nay, HTX đang sản xuất, cung ứng 3 loại giống chủ lực, phổ biến trên thị trường là giống Đài Thơm, OM5451 và vụ mùa tới tiếp tục triển khai giống OM18. “Khi được Dự án VnSAT hỗ trợ, có được nền tảng, cơ sở hạ tầng, thiết bị, đòi hỏi HTX phải năng nổ vận dụng để phát huy thế mạnh của nó, thay đổi tư duy, tính toán làm sao sử dụng sự đầu tư đúng mục đích”, ông Hiệp phấn khởi cho biết.

HTX Tây Phú thành lập vào năm 2015 với vốn điều lệ ban đầu là 1 tỷ 380 triệu đồng, vốn lưu động cũng tăng lên hàng năm, đến thời điểm này trên dưới khoảng trên 10 tỷ đồng.

Thay đổi tư duy lãnh đạo HTX

Ông Đặng Ngọc Thiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú, huyện Thoại Sơn cho biết, Dự án VnSAT thực hiện trên địa bàn của xã, đầu tư cơ sở hạ tầng cho HTX, mở các lớp tập huấn cho giám đốc, chủ tịch HĐQT mở rộng kiến thức về quản lý HTX. Qua đó, ý thức của ban lãnh đạo các HTX đang đi đúng hướng theo Luật HTX 2012, tình hình hoạt động rất khả quan.

“Trước đây, ban lãnh đạo HTX chủ yếu là những nông dân đam mê liên kết trong nông nghiệp, thời điểm đó cũng chưa có hiểu biết nhiều về hoạt động, từ chủ nhiệm rồi giám đốc cũng chưa am hiểu. Thông qua các lớp tập huấn của Dự án VnSAT, ban lãnh đạo HTX được mở mang kiến thức, hoạt động như thế nào, nằm trong khuôn khổ ra sao. Cách thức hoạt động của HTX bây giờ cũng đã có định hướng hơn”, ông Thiệp cho hay.

Theo thông tin từ các HTX, sau khi tham gia các khóa tập huấn về nâng cao năng lực cho ban lãnh đạo HTX, cơ cấu tổ chức trong các đơn vị đã được sắp xếp lại bài bản, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng chức danh như: Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc, ban kiểm soát, phó giám đốc, kế toán, thủ quỹ... không để chồng chéo công việc, hoạt động đều tay hơn.

Cánh đồng lớn nằm trong vùng Dự án VnSAT tỉnh An Giang. Ảnh: Kim Anh.

Cánh đồng lớn nằm trong vùng Dự án VnSAT tỉnh An Giang. Ảnh: Kim Anh.

Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh An Giang đánh giá: Từ khi Dự án VnSAT được triển khai đến bà con nông dân trong tỉnh, tại vùng hưởng lợi của Dự án đã phát triển thêm 11 HTX và 19 tổ hợp tác, có 179 cán bộ HTX, tổ hợp tác được tập huấn về quản lý và phát triển HTX. Từ đó, hoạt động các HTX khởi sắc, đi vào bài bản hơn, quản lý tốt tài sản, các công trình được đầu tư. Đặc biệt, đội ngũ ban lãnh đạo HTX trở thành những nhân tố quan trọng góp phần liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm của bà con xã viên, nông dân với doanh nghiệp.

Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đang thúc đẩy bà con nông dân áp dụng kỹ thuật sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết sản xuất tiêu thụ với doanh nghiệp.

“Để phát triển hiệu quả Dự án mang lại, thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm tham gia Dự án, theo dõi hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác đã tham gia Dự án mở rộng hoạt động, quản lý, khai thác tốt các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng và nhân rộng thành quả đạt được trên vùng Dự án ra toàn tỉnh”, ông Phả cho biết.

Hiện nay, đa phần các HTX, tổ chức nông dân trong vùng hưởng lợi của Dự án VnSAT đã xây dựng thành công mô hình cánh đồng lớn với quy mô lớn hơn 500ha. Đặc biệt, đã có 26 doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm thông qua đầu mối là các HTX, tổ chức nông dân với diện tích khoảng 3.200 ha/vụ.

Để xây dựng mối liên kết bền vững, các doanh nghiệp cũng sẵn sàng ứng trước tiền hoặc vật tư đầu vào cho các hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm lúa. Từ đó, đảm bảo hài hòa lợi ích, tạo niềm tin giữa bà con nông dân, HTX và doanh nghiệp.

Lúa gạo được xem là ngành hàng chủ lực của tỉnh An Giang. Từ khi triển khai Dự án VnSAT trên địa bàn tỉnh, việc áp dụng kỹ thuật sản xuất bền vững “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” đã làm thay đổi nhận thức và thực hành canh tác của nông dân. Trong đó, giảm lượng giống gieo sạ, phân đạm, phun thuốc BVTV góp phần giảm tác động tiêu cực đến môi trường, đặc biệt là giảm nước tưới đã làm giảm khí phát thải nhà kính.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh An Giang, để nâng cao năng lực cho HTX, tổ chức nông dân, Dự án đã tổ chức 4 lớp đào tạo về vận hành, quản lý, phát triển HTX cho 179 học viên cán bộ quản lý HTX, tôt hợp tác và cả kỹ thuật viên, khuyến nông xã trên địa bàn Dự án để phối hợp, hỗ trợ. Ngoài ra, các cán bộ chủ chốt của HTX, tổ hợp tác cũng được tham gia các chuyến đi học tập kinh nghiệm để áp dụng trong thực tế công tác của mình.

Từ đó, năng lực quản lý cũng như khả năng xây dựng vùng nguyên liệu của HTX, tổ chức nông dân được nâng cao. Số lượng tổ chức nông dân và diện tích có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp tăng mạnh so với khi mới hình thành dự án. Năm 2016, 15 tổ chức nông dân có hợp đồng bao tiêu với 2.701ha, năm 2022 số lượng tổ chức nông dân có hợp đồng bao tiêu tăng lên con số 33 với diện tích 8.028ha.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 2] Hỗ trợ tái đàn lợn sau dịch

Dịch tả lợn Châu Phi tạm lắng, tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ người dân nhanh chóng tái đàn, sớm vực dậy ngành chăn nuôi vốn khánh kiệt khi dịch bệnh càn quét nhiều tháng qua.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.