| Hotline: 0983.970.780

HTX kiểu mới tiêu biểu: Hoạt động như doanh nghiệp

Thứ Tư 20/01/2016 , 14:03 (GMT+7)

“Lịch thời vụ xuống giống được họp bàn thống nhất từ trước, vật tư đầu vào, làm đất, bơm tưới, thu hoạch… đã có đội dịch vụ của HTX lo, nông sản làm ra được doanh nghiệp bao tiêu...

“Lịch thời vụ xuống giống được họp bàn thống nhất từ trước, vật tư đầu vào, làm đất, bơm tưới, thu hoạch… đã có đội dịch vụ của HTX lo, nông sản làm ra được doanh nghiệp bao tiêu theo hợp đồng, trả tiền vào tài khoản tại ngân hàng. Xã viên không phải lo lắng gì cả mà lợi nhuận lại cao”, Giám đốc HTX Tân Thuận Phát Phạm Minh Thành khái quát về quy trình làm ăn theo luật HTX mới.

Bỏ kinh doanh về làm HTX

Những ngày cuối năm, tôi có dịp về ấp Hòa Kháng, xã Hòa Thuận, Giồng Riềng, Kiên Giang, nơi đặt trụ sở của HTX Tân Thuận Phát. Không khí xuân đã tràn ngập con đường bê tông theo chuẩn nông thôn mới dẫn vào ấp.

Hai bên đường, các chậu hoa vạn thọ, hoa cúc chuẩn bị tung ra bán tết đã he hé nở. Những cây mai trước sân nhà đều được vặt trụi lá chuẩn bị nẩy lộc, đơm hoa. Sau nhà những ruộng lúa cao sản đang ôm đòng, xanh tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Tôi dừng xe ghé vào trụ sở HTX, Giám đốc Phạm Minh Thành đang ngồi trước màn hình vi tính, trước mặt là chồng sổ sách. Anh mời ly trà nóng, rồi nói như thanh minh cho việc chậm trễ ra tiếp khách: “Mới đi họp ở UBND xã về, tranh thủ lên mạng xem ít thông tin, coi lại sổ sách xem anh em làm xong chưa, cuối năm nhiều việc quá”.

14-38-41_1-gim-doc-phm-minh-thnh-dng-xu-ly-cong-viec
Giám đốc Phạm Minh Thành đang tìm kiếm thông tin trên mạng, tìm hướng phát triển HTX.

HTX Tân Thuận Phát được thành lập vào năm 2013 theo luật HTX mới, với 109 hộ xã viên, diện tích canh tác 206 ha, chủ yếu làm lúa cao sản. Tiền thân là HTX Hòa Kháng, làm ăn thua lỗ triền miên, buộc phải giải thể.

Giám đốc Thành là người đã thổi luồng sinh khí mới, vực dậy HTX từ đống đổ nát. Dáng người cao ráo, mái tóc hơi dài ra vẻ nghệ sỹ nhưng anh Thành rất nhạy bén trong kinh doanh. Thời gian hơn 20 năm làm giám đốc công ty tư nhân chuyên kinh doanh mặt hàng thủy hải sản đã cho anh nhiều kinh nghiệm thương trường.

14-38-41_3-gim-doc-thnh-kiem-tr-kho-chu-vt-tu-nong-nghiep-cuhtx
Giám đốc Phạm Minh Thành kiểm tra kho chứa vật tư nông nghiệp của HTX.

Vốn xuất thân là con nhà nông, sau đó đi bộ đội, xuất ngũ về làm kinh doanh. Chất lính và máu kinh doanh trong anh hòa quyện vào nhau, tạo nên một giám đốc HTX quyết đoán, dám làm dám chịu.

Sau nhiều năm buôn bán mặt hàng hải sản, có nhà ở phố, có công ty riêng nhưng anh vẫn quyết định bỏ việc kinh doanh, gom vốn về quê mua liền một lúc 4 cái máy gặt đập liên hợp của Nhật hết hơn 3 tỷ đồng để làm dịch vụ cho nông dân.

Thấy HTX ở quê nhà bị giải thể, bà con mạnh ai nấy làm vừa tốn kém mà lại không hiệu quả, anh cùng chính quyền vận động người dân cùng nhau hợp tác làm. Và kết quả là cuối năm 2013, HTX Tân Thuận Phát ra đời, anh Thành được mọi người tín nhiệm bầu làm giám đốc.

Hỏi lý do vì sao lại bỏ công việc kinh doanh đang ăn nên làm ra, bỏ phố về quê làm nông nghiệp? Giám đốc Thành tâm sự: “Nếu kinh doanh để có tiền nuôi gia đình, làm giàu cho cá nhân mình thì dễ quá. Làm giàu cho tập thể mới khó. Tôi thấy nông dân mình thiệt thòi quá, mua vật tư thì đắt, lại hay gặp phải hàng giả, hàng nhái, tới khi làm ra sản phẩm lại bị ép giá, phải bán rẻ. Vì vậy, tôi mới về đây vận động bà con cùng làm HTX, để giảm chi phí và tìm đầu ra cho nông sản”.

Theo anh Thành, làm lãnh đạo HTX thì phải có cái tâm mới làm được, vì lương bổng chẳng có bao nhiêu, tháng chỉ vài trăm ngàn không đủ mua trà đá, thuốc hút. Chị Chín Đẹp, vợ anh Thành nói thêm: “Mang tiếng là làm giám đốc mà toàn phải lấy tiền nhà thêm vào mới đủ chi tiêu. Vì anh tâm huyết với nông nghiệp, gần gũi với bà con nông dân nên quyết tâm làm thôi”.

Phát triển sản xuất

Theo chân anh Thành đến thăm nhà xã viên Tám Hòa (Kiều Công Hòa), tôi thấy anh khá thảnh thơi, dù hơn 4 ha lúa sau nhà đang chuẩn bị trổ, rất cần được chăm sóc. Đặt cái bàn ra góc sân vườn mời khách ngồi uống trà, Tám Hòa thong thả tâm sự: “Nhờ hợp tác làm ăn giờ mới được khỏe như vậy, chứ trước đây vào vụ là tất bật, phải lo toan đủ thứ”.

14-38-46_4-gim-doc-htx-phm-minh-thnh-cung-x-vien-kiem-tr-dongruong-bn-phuong-n-bo-ve-sn-xut
Giám đốc HTX Tân Thuận Phát Phạm Minh Thành cùng xã viên kiểm tra đồng ruộng, bàn biện pháp bảo vệ sản xuất.

Theo anh Tám Hòa, cái sướng của làm kinh tế hợp tác là có đội dịch vụ lo cho hết, mình chỉ cần siêng ra thăm ruộng để quản lý thôi. Chẳng hạn như trước đây bơm tưới riêng lẻ, mình phải tự khiêng máy, canh con nước để bơm, chi phí lại cao. Giờ bơm tập thể bằng mô tơ điện, gieo sạ đồng loạt, bơm tưới theo đợt nên rất thuận tiện. Còn nếu mình cần nước thêm thì cứ báo với lãnh đạo HTX là xong ngay, chẳng phải vất vả gì.

Tương tự, vật tư nông nghiệp cũng được HTX lấy về sẵn, để tại kho, cần xài bao nhiêu là có ngay, mà giá cả lại rẻ hơn mua bên ngoài khoảng 20%. Hơn nữa, nông dân lại rất yên tâm về chất lượng, vì là sản phẩm của các công ty có tên tuổi, HTX lấy tại nhà máy nên không sợ hàng nhái, hàng giả.

Lúa được chăm sóc theo quy trình quản lý cộng đồng, cùng nhau phòng trừ dịch bệnh nên rất hiệu quả, ít tốn kém. Nhưng theo anh Tám Hòa, sướng nhất phải kể đến khâu thu hoạch: “Trước đây cứ tới mùa là nhà nông lại phải chạy đôn chạy đáo kiếm thợ gặt, tìm máy suốt, rồi lo phơi sấy, tìm thương lái thu mua để bán… Còn bây giờ mọi thứ đã có hợp đồng sẵn từ trước, chỉ việc báo ngày thu hoạch là đội dịch vụ đến làm hết, mang lúa về tận nhà. Ghe của công ty chờ sẵn ở bờ sông để cân, nông dân chỉ cần ngồi ghi số lượng, rồi chờ tin nhắn báo tiền đã vào tài khoản tại ngân hàng là xong. Không còn tâm trạng lo bị “cò lúa” ăn chặn, bị thương lái ép giá như trước nữa”.

Chỉ ngôi nhà mới xây khá bề thế, anh Tám Hòa cho biết, đó là thành quả của những năm tháng bám đồng ruộng, mà đặc biệt là từ khi làm kinh tế tập thể theo kiểu mới.

HTX kiểu mới hoạt động như doanh nghiệp, tức là phải hạch toán lời lỗ, chia lợi nhuận cho xã viên. Giám đốc Thành cho biết, làm HTX kiểu mới thì lãnh đạo phải năng động, dám nghĩ dám làm, phát triển nhiều dịch vụ mang lại lợi ích cho xã viên, đặc biệt là khâu đầu ra. Chẳng hạn, về vật tư nông nghiệp thì HTX mua tại gốc, bán lại giá rẻ hơn thị trường nên xã viên được hưởng lợi trực tiếp. Tương tự, khâu bơm tưới, thu hoạch cũng đều được HTX làm dịch vụ cho xã viên với giá rẻ hơn từ 10-20%. Còn khâu đầu ra, từ ngày thành lập đến nay HTX đều ký hợp đồng với DNTN Phước Hưng (TP Cần Thơ) bao tiêu toàn bộ diện tích cho nông dân.

Lợi nhuận hàng năm của HTX, một phần được chia cho những người góp vốn, nhưng phần lớn là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đê bao, kiên cố hóa kênh mương, phục vụ phát triển sản xuất…

Để hoạt động của HTX ngày càng hiệu quả, thiết thực với nhu cầu xã viên, giám đốc Thành cho biết, hàng tháng đều tổ chức họp xã viên bàn phương thức làm ăn, trong mùa vụ thì bàn cách bảo vệ sản xuất. Còn lãnh đạo HTX thì họp 2 lần mỗi tháng. Sau đó mọi người đều bắt tay vào việc…

Anh Phan Văn Qui, cán bộ phụ trách mảng kinh tế hợp tác, Phòng NN-PTNT Giồng Riềng cho biết, hiện nay toàn huyện có 81 HTX, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là chính. Trong đó, HTX Tân Thuận Phát là một điển hình về làm ăn hiệu quả, mang lại lợi ích cho xã viên.

Xem thêm
Đặt, duy trì hoạt động của cân đối chứng tại các chợ, trung tâm thương mại

Đây là một trong những trách nhiệm của tổ chức quản lý chợ, trung tâm thương mại theo Nghị định số 55/2024/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hỗ trợ sinh kế và 12.000 vịt giống giúp nông dân thoát nghèo

THANH HÓA Ngày 16/5, tại Thường Xuân, Tập đoàn Mavin phối hợp với tổ chức World Vision trao tặng 12.000 vịt giống trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ sinh kế giai đoạn 2022 - 2024.

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ khởi sắc

KHÁNH HÒA Tháo gỡ khó khăn về mặt thể chế sẽ là điều kiện thuận lợi để triển khai phát triển bất động sản, trong đó có bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.