| Hotline: 0983.970.780

Hứng bão Covid-19 lần 2, doanh nghiệp bất động sản lao đao

Thứ Bảy 26/09/2020 , 07:10 (GMT+7)

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bất động sản có kết quả làm ăn thua lỗ, không mấy khả quan.

Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp vừa công bố về tình hình đăng ký doanh nghiệp 8 tháng đầu năm 2020. Qua đó cho thấy những con số không mấy tích cực đối với các doanh nghiệp bất động sản (BĐS).

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2020, cả nước có 88.651 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2% so với cùng kỳ. Trong số này, có 13/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019. Kinh doanh BĐS là lĩnh vực đứng thứ 3 với lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm tới 19,6% so với cùng kỳ năm trước.

Một điểm đáng lưu ý trong thống kê là so với cùng kỳ năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở tất cả 17 lĩnh vực.Trong đó, lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2019 là kinh doanh BĐS với 923 doanh nghiệp, tăng 136,1%.

Báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cũng cho thấy, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, có khoảng 80% sàn giao dịch BĐS đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới thất nghiệp.

Đặc biệt, nhiều công ty kinh doanh BĐS vừa nhen nhóm hoạt động trở lại sau đại dịch lần thứ nhất, lại tiếp tục đóng cửa ở lần dịch thứ hai, trong đó thành phố Đà Nẵng là điển hình.

Báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán quý II/2020 cũng phản ánh bức tranh màu xám với kết quả kém khả quan. Như Địa ốc Đất Xanh (HOSE:DXG) sau soát xét, doanh nghiệp này đã bất ngờ ghi nhận lỗ ròng hơn 488 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Địa ốc Hoàng Quân (HOSE:HQC) có một quý kinh doanh giảm sút nghiêm trọng. Công ty BĐS và Đầu tư VRC (HOSE:VRC) lợi nhuận từ mức 19,8 tỷ đồng của cùng kỳ xuống còn vỏn vẹn 67,5 triệu đồng ở quý II/2020 (giảm 99,7%). CTCP LDG là đơn vị lợi nhuận giảm đến 98,8%.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 bùng phát đã khiến thị trường BĐS trở nên thê thảm nhất trong hàng chục năm gần đây. Đợt dịch bùng phát đầu năm, trong tổng số khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực môi giới thì có tới 1/3 sàn giao dịch BĐS phải đóng cửa. Bên cạnh đó, khoảng 500 sàn phải tạm dừng hoạt động một phần.

Mặc dù hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS ảm đạm, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, nhưng các chuyên gia vẫn lạc quan về thị trường này trong trung và dài hạn. Đặc biệt, nhiều nhận định cho rằng thị trường bắt đầu hồi phục vào cuối năm 2021.

Sở dĩ có những nhận định này, các chuyên gia cho rằng, ngay sau kết thúc dịch lần thứ nhất, từ tháng 5-7, thị trường đã có dấu hiệu hồi phục và đà tăng trưởng khi các dự án mở bán trở lại, giao dịch quý II đã tăng hơn quý I. Tuy nhiên với đợt dịch bùng phát trở lại hồi tháng 7, thị trường BĐS tiếp tục hứng chịu không ít khó khăn.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, thị trường sẽ sớm hồi phục, doanh nghiệp BĐS sẽ kinh doanh hiệu quả nếu nắm bắt được cơ hội, kể cả trong khủng hoảng.

Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội, trong đại dịch, vẫn có doanh nghiệp kinh doanh tốt, do họ nghiên cứu kỹ thị trường, thị trường cần gì doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đó.

Hơn nữa, dân số hai thành phố đông dân nhất nước là Hà Nội và TP. HCM có nhu cầu về nhà ở rất lớn, nhất là nhà ở thương mại phân khúc giá rẻ và trung cấp.

Thực tế, nhiều khách hàng mỏi mắt tìm nhà thương mại giá rẻ hợp túi tiền, nhưng hầu như các dự án tại các quận mới đều ở mức giá trên 28 triệu đồng/m2. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp tập trung vào phân khúc nhà thương mại giá rẻ dưới 25 triệu đồng/m2 sẽ đáp ứng được nhu cầu đại bộ phận người dân có thu nhập thấp và trung bình.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nắm bắt và ứng dụng công nghệ kịp thời sẽ lường được rủi ro khó khăn, như chuyển đổi hình thức bán hàng online, tiếp thị online, tập trung vào các phân khúc thị trường đang cần thì các doanh nghiệp sẽ chống đỡ được khó khăn trong đợt dịch này và tiếp tục phát triển.

Ngoài ra, BĐS công nghiệp cũng là thị trường có nhiều tiềm năng khi mới đây 15 công ty của Nhật Bản đang nghiên cứu, tìm hiểu thị trường Việt Nam. Đây chính là lực đẩy cho thị trường BĐS trong tương lai.

Trước đó, báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp BĐS công nghiệp quý II/2020 thể hiện kinh doanh có lãi. Tuy nhiên vẫn có những doanh nghiệp lỗ, như CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC - BCM) khi lợi nhuận sau thuế đều giảm hơn 52% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn lại ngành BĐS khu công nghiệp, các chuyên gia cho rằng, từ khi đại dịch bắt đầu cho đến nay, tất cả các hoạt động di chuyển bị đình trệ, gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện khảo sát thị trường.

Nhưng với sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững mạnh, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài. Các công ty này đang tích cực “bắt tay” liên doanh với chủ đầu tư khu công nghiệp trong nước hoặc trực tiếp mua quỹ đất và tài sản vận hành.

(Kiến thức gia đình số 39)

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 7,2 tỷ USD

Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hộp quà bất ngờ từ Vinamilk mang niềm vui ấm áp đến trẻ em vùng cao

'Hộp quà bất ngờ' của Vinamilk đã xuất hiện tại Trường Mầm non Sinh Long huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào một ngày trời trở rét đậm.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.