Giống lúa của “con nhà nghèo”
Dưới cái nắng như đổ lửa, đi thăm cánh đồng lúa hè thu ở thôn Tân Ốc, xã Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ, Bình Định), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy những thửa ruộng sản xuất giống lúa Hưng Long 555 chín vàng, khoe hạt sáng trưng đứng bên cạnh những thửa ruộng với những gié lúa bị “đơ ngắt” do lem lép hạt.
Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên vì sự khác biệt nói trên, ông Võ Ngọc Dung (67 tuổi), nông dân kỳ cựu ở Đội 3 (thôn Tân Ốc) giải thích: “Đã 2 vụ liền kề tôi làm giống lúa Hưng Long 555, vụ đông xuân 2021 - 2022 và vụ hè thu 2022 này, tôi thấy giống Hưng Long 555 ít bị sâu bệnh, chỉ bị nhiễm nhẹ bệnh khô vằn. Còn bệnh lem lép hạt các giống khác thường bị nặng trong vụ hè thu do nắng nóng, riêng giống Hưng Long 555 không hề bị, nếu có thì cũng chỉ bị những bông lúa trỗ muộn.
Bệnh lem lép hạt thường xẩy ra khi nắng nóng hoặc trời mưa vào giữa trưa, lúc hoa lúa đang nở, hạt nước rớt vào trong hoa lúa nên không thụ phấn được, do đó hạt lúa bị lép; một nguyên nhân khác là do nấm hoặc vi khuẩn gây ra. Vụ hè thu 2022 nắng nóng khắc nghiệt, những thửa ruộng làm các giống lúa ML48, ĐV108, Khang dân… trên cánh đồng thôn Tân Ốc có tỷ lệ lem lép hạt cao, riêng giống Hưng Long 555 do chống chịu nắng nóng tốt nên không bị.
Theo ông Võ Ngọc Dung, vụ đông xuân 2021 - 2022, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Bình Định làm mô hình trình diễn giống Hưng Long 555 tại HTX Nông nghiệp Mỹ Lộc với diện tích 10 sào (500m2/sào). Rất mê những giống lúa mới nên ông Dung nhận làm 1 sào. 1 sào lúa Hưng Long 555 ông Dung chỉ sạ có 6kg giống nhưng lúa nở dày ruộng, quy trình chăm sóc ông Dung làm theo hướng dẫn của HTX.
Trong vụ đầu tiên làm giống Hưng Long 555, ông Dung nhận thấy giống lúa này có nhiều đặc điểm nổi trội. Hưng Long 555 là giống lúa dễ chăm sóc, nhẹ phân, đẻ nhánh mạnh, năng suất không thua những giống sản xuất đại trà tại địa phương. Bên cạnh đám ruộng làm giống Hưng Long 555 là đám ruộng ông Dung sản xuất giống Khang dân đột biến để làm đối chứng. Sau khi thu hoạch vụ đông xuân, ông Dung chở về cân liền, thấy năng suất lúa Hưng Long 555 không thua kém giống Khang dân đột biến, đạt 400 kg/sào lúa tươi.
“Đặc biệt về chất lượng gạo, lúa Hưng Long 555 nếu vừa thu hoạch, mang đi xay xát gạo ngay thì cơm có mùi rất thơm và ăn hơi dẻo, nếu để một thời gian sau mới ăn thì cơm không còn dẻo nhưng không mất mùi thơm, cơm mềm, thị trường rất ưa chuộng.
Vụ hè thu này tôi làm đến 3 sào lúa Hưng Long 555, đến vụ này tôi mới phát hiện giống lúa này rất nhẹ phân nhưng cây lúa phát triển tốt. Vụ này đợt 1 tôi bón 1 sào chỉ 5,5 kg phân, đợt 2 bón 6,5 kg, đợt 3 bón 7 kg; những giống lúa khác tôi bón đợt 1 đến 7 kg, đợt 2 bón 8 kg, đợt 3 bón 9 kg nhưng cây lúa phát triển như nhau", ông Dung cho biết.
"Vùng ruộng này là đất pha cát nên rất khó canh tác lúa, thế nhưng giống Hưng Long 555 đúng là giống lúa của “con nhà nghèo” nên “chịu đời” được với đất xấu, nhất là chống chịu được với nắng nóng. Vụ hè thu này lúa trỗ đang lúc nắng nóng cao độ mà cây lúa vẫn phát triển sởn sơ. Trong bối cảnh giá phân bón tăng cao như hiện nay mà làm giống lúa ít “ăn” phân như Hưng Long 555 nông dân rất ưng bụng vì giảm được chi phí”, lão nông Võ Ngọc Dung chia sẻ.
Nông dân bị thuyết phục
Theo ông Đặng Văn Quang, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ, Bình Định), thời gian sinh trưởng của giống lúa Hưng Long 555 trong vụ đông xuân là 110 ngày, ngang với giống Khang dân đột biến. Năng suất lúa Hưng Long 555 trong vụ đông xuân đạt 72 tạ/ha, cao hơn những giống sản xuất đại trà tại địa phương khoảng 2 tạ/ha.
Đến vụ hè thu 2022, HTX Nông nghiệp Mỹ Lộc đã mạnh dạn nhân rộng mô hình sản xuất giống Hưng Long 555 lên 21,6 ha, với 76 hộ nông dân trên địa bàn 4 thôn Vạn Định, Vĩnh Thuận, Tân Ốc và Vạn Phú tham gia.
Cũng theo ông Quang, lúa Hưng Long 555 trong vụ hè thu 2022 ở HTX Nông nghiệp Mỹ Lộc gieo sạ vào ngày 4 - 6/4/2022, hiện đang sắp sửa thu hoạch. Như vậy, thời gian sinh trưởng của giống Hưng Long 555 trong vụ hè thu chỉ 95 ngày.
“Qua thực tế sản xuất, chúng tôi thấy làm giống Hưng Long 555 rất nhẹ phân, nông dân hạn chế bón phân nhưng cây lúa vẫn phát triển tốt. Giống Hưng Long 555 ít sâu bệnh, đặc biệt trong vụ hè thu 2022 thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, nhưng lúa Hưng Long 555 không bị lem lép hạt và bị bệnh thối thân thối gốc như những giống khác”, ông Quang đánh giá.
Nông dân Trần Văn Duy ở xã Phước Quang (huyện Tuy Phước, Bình Định) sau khi đi thăm cánh đồng lúa Hưng Long 555 ở HTX Nông nghiệp Mỹ Lộc đã không khỏi ngạc nhiên trước sức chống chịu với nắng nóng của giống lúa này.
“Đất sản xuất giống Hưng Long 555 ở Mỹ Lộc là đất nghèo dinh dưỡng, lại đang thời tiết nắng nóng cao độ mà cây lúa phát triển tốt như vậy là không còn gì bằng. Nhiều diện tích lúa Hưng Long 555 ở Mỹ Lộc không nằm trong mô hình của HTX nhưng nông dân vẫn tự mua giống về làm vì thấy hiệu quả cao, điều này cho thấy giống Hưng Long 555 đã thuyết phục được bà con”, ông Duy nói.
“Vụ đông xuân 2021 - 2022, Công ty chúng tôi đã xây dựng mô hình sản xuất thử giống Hưng Long 555 tại huyện Hoài Ân (Bình Định) và đạt kết quả khả quan. Vụ hè thu này, chúng tôi tiếp tục làm trên vùng đất pha cát ở xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ để thử sức chống chịu điều kiện khắc nghiệt của giống, và cũng đã được bà con nông dân tại đây đánh giá cao", ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giống cây trồng Bình Định cho hay.
Theo Công ty Cổ phần Giống cây trồng Bình Định, hiện giống lúa Hưng Long 555 đã được đưa vào sản xuất tại các vùng Miền núi phía Bắc, ĐBSH, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, ĐBSCL… Ở đâu giống lúa Hưng Long 555 cũng cho thấy tính thích nghi, dễ canh tác, nhất là gạo ngon. Năng suất vụ đông xuân đạt 75 - 80 tạ/ha, nếu thâm canh tốt đạt đến 85 - 90 tạ/ha; vụ hè thu năng suất đạt 65 - 70 tạ/ha…