| Hotline: 0983.970.780

Hưng Yên: 37ha ngô nhiễm sâu keo mùa thu

Thứ Sáu 02/08/2019 , 19:50 (GMT+7)

Hiện sâu keo mùa thu vẫn tiếp tục xuất hiện và gây hại ở các vùng ngô trên địa bàn tỉnh Hưng Yên với mật độ phổ biến từ 1 – 2 con/m2, cá biệt có ruộng lên đến 15 – 20 con/m2...

Cây ngô bị sâu keo mùa thu gây hại.

Hiện nay, sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại hầu hết các vùng ngô trên cả nước, trong đó có tỉnh Hưng Yên. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh, sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại trên ngô vụ Xuân tuy nhiên chưa thấy gây hại trên cây trồng khác.

Sâu keo mùa thu vẫn tiếp tục xuất hiện và gây hại ở các vùng ngô trên địa bàn tỉnh với mật độ phổ biến từ 1 – 2 con/m2, nơi cao 7 – 10 con/m2, cá biệt có ruộng lên đến 15 – 20 con/m2. Diện tích nhiễm là 37ha, trong đó nhiễm nặng 4ha.

Dự báo trong thời gian tới, sâu sẽ tiếp tục phát sinh gây hại ngô trên diện tích rộng và có khả năng gây hại trên cây trồng khác, nguy cơ giảm năng suất và sản lượng nếu không được phòng trừ kịp thời.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Hưng Yên mới có Công văn 1958 UBND-KT2 ngày 2/8 gửi Sở NN-PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc chỉ đạo phòng trừ sâu keo mùa thu hại ngô và các cây trồng.

Theo đó, để hạn chế đến mực thấp nhất thiệt hại cho sản xuất ngô, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị số 4962/CT-BNN-BVTV của Bộ NN-PTNT về tăng cường công tác phòng, chống sâu keo mùa thu hại ngô.

Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục BVTV, Phòng Trồng trọt phối hợp với các phòng chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho nông dân về các biện pháp sinh học, sử dụng bẫy, bả để thu bắt và tiêu diệt. Đặc biệt coi trọng sử dụng các biện pháp thủ công (thu gom và tiêu diệt ô trứng, sâu non) và các biện pháp canh tác, vệ sinh đồng ruộng để giảm mật độ sâu.

Chỉ sử dụng thuốc BVTV để phun trừ trong trường hợp mật độ sâu cao trên 2 con/m2 (khi sâu đa số tuổi 1-3) bằng thuốc đặc hiệu theo khuyến cáo của ngành BVTV và tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” khi sử dụng.

Cùng đó, Sở NN-PTNT cần khảo nghiệm, đánh giá các loại thuốc BVTV có trong danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam để chọn loại thuốc phù hợp, hiệu quả để phòng trừ sâu trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN-PTNT cần phối với với Trung tâm BVTV phía Bắc, các đơn vị nghiên cứu xây dựng mô hình “Quản lý tổng hợp Sâu keo mùa thu” nhằm đánh giá hiệu quả các biện pháp đã và đang áp dụng để lựa chọn giải pháp phù hợp để hướng dẫn nông dân áp dụng.

Còn đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo Phòng NN-PTNT, Trạm BVTV, Trạm Khuyến nông và các phòng ban, đơn vị chuyên môn phân công cán bộ phối hợp với các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, làm tốt công tác điều tra phát hiện, thống kê mức độ, diện tích nhiễm sâu bệnh để hướng dẫn nông dân chủ động phòng, chống kịp thời theo quy trình kỹ thuật.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.