Ông Lê Mạnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, cho hay, ngành sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh, cây công trình hiện là nguồn thu chính, chủ yếu cho nền kinh tế xã. Tính tới thời điểm hiện tại toàn xã có 985 hộ trồng, chiếm 38,4% số hộ của xã. Tổng số diện tích chuyên trồng hoa, cây cảnh, cây công trình các loại đạt 169,2 ha, chiếm 75,2% tổng số diện tích đất canh tác.
Theo thống kê của UBND xã Xuân Quan, hiện nay, cứ 1ha trồng hoa các loại thu lợi nhuận bình quân từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng. Còn đối với cây công trình, lợi nhuận thu về bình quân ở các hộ từ 1 – 1,2 tỷ đồng/ha. Lợi nhuận từ việc trồng, kinh doanh hoa, cây cảnh, cây công trình trong toàn xã đạt 120 - 150 tỷ đồng/năm. Cùng đó, tạo việc làm cho trên 1.000 người có việc làm ổn định tại địa phương cũng như các địa phương khác về làm thuê với mức thu nhập bình quân đạt 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Giang cho biết, việc phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn các xã và trên địa bàn huyện nói chung đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho người lao động; cải thiện và nâng cao đời sống, góp phần xoá đói giảm nghèo, đồng thời tận dụng được nguồn, nhân lực... tại chỗ của địa phương tạo ra hàng hoá có giá trị kinh tế cao, đây là điều kiện thuận lợi để các ngành nghề phát triển.
Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, đến nay, toàn tỉnh có 58 làng nghề và làng có nghề, 39 làng nghề đã được công nhận hoạt động trên các huyện, thị xã, thành phố.
Tính đến tháng 5/2020, tổng số hộ hoạt động sản xuất kinh doanh tại các làng nghề là 15.700 hộ; 315 doanh nghiệp; 14 hợp tác xã, tổ hợp tác, giải quyết việc làm cho trên 41.000 lao động; doanh thu của các cơ sở trong làng nghề đạt trên 7.900 tỷ đồng.
Một số làng nghề hoạt động hiệu quả, nổi bật như: Làng nghề Hoa, cây cảnh Xuân Quan huyện Văn Giang; làng nghề mộc Thụy Lân xã Thanh Long, làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm và kinh doanh tổng hợp thôn Trai Trang thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ; làng nghề mộc mỹ nghệ Hòa Phong, xã Hòa Phong, thị xã Mỹ Hào; làng nghề truyền thống Đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm...
"Việc xây dựng thương hiệu đã được các địa phương, làng nghề đẩy mạnh triển khai thực hiện. Đến nay, có 9 làng nghề đã được công nhận nhãn hiệu tập thể và nhiều làng nghề khác đang triển khai thực hiện xây dựng nhãn hiệu tập thể hoặc đang xây dựng kế hoạch và đề xuất các cơ quan chức năng hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu", ông Hoàng Anh Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thông tỉnh Hưng Yên, nói.
Trong thời gian tới, Hưng Yên có chủ trương sẽ phát triển mạnh các làng nghề sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thị trường rộng như: hoa, cây cảnh, đồ dùng nội thất, mỹ nghệ. Cùng đó, khuyến khích sự lan tỏa, cấy nghề truyền thống ra vùng xung quanh và đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản phẩm mới; hỗ trợ phát triển làng nghề có điều kiện gắn với du lịch. Cùng đó, hướng tới xây dựng các tour du lịch ngay tại làng nghề kết hợp với cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử...
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 03 làng nghề có sản phẩm OCOP đã được chứng nhận theo phân loại sao OCOP, gồm: làng nghề Chế biến hoa quả thôn Phương Trung xã Phương Chiểu, làng nghề Chế biến nông sản Thôn Điện Biên xã Hồng Nam, TP Hưng Yên; làng nghề sản xuất và chế biến nghệ Chí Tân xã Chí Tân.