| Hotline: 0983.970.780

Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Hưng Yên 'trải thảm đỏ' thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Thứ Tư 23/09/2020 , 08:48 (GMT+7)

Hưng Yên đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, đẩy mạnh việc thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Mảnh đất nhiều tiềm năng 

Hưng Yên là một trong những tỉnh ĐBSH có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp trên 60.00 ha; đất trồng cây lâu năm, đất vườn phì nhiêu có khả năng trồng nhiều cây có giá trị kinh tế cao như: nhãn, vải, táo, cam, cây cảnh, cây dược liệu…; có vị trí địa lý thuận lợi, gần các thị trường lớn tiêu thụ sản phẩm từ nông nghiệp, các trung tâm công nghiệp, dịch vụ như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... gần các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển, có điều kiện tốt để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; có nguồn lao động dồi dào, trình độ canh tác cao...

Hưng Yên hiện có 224 dự án của doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng gần 18 nghìn tỷ đồng. Ảnh: HG

Hưng Yên hiện có 224 dự án của doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng gần 18 nghìn tỷ đồng. Ảnh: HG

Vì vậy, trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm thu hút đầu tư doanh nghiệp trong và ngoài nước vào nông nghiệp, nông thôn.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên, đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 224 dự án của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng gần 18 nghìn tỷ đồng. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch; chế biến, bảo quản nông sản; thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt; sản xuất phân bón; đầu tư chợ ở vùng nông thôn;…

Riêng giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 85 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 8.000 tỷ đồng.

Mặc dù, số lượng và loại hình sở hữu của các doanh nghiệp lĩnh vực chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ngày càng tăng, nhưng thực tế cho thấy, hoạt động thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chiếm tỷ trọng thấp nhất, do chịu ảnh hưởng của các yếu tố sau: Rủi ro đầu tư cao, ảnh hưởng thời tiết, khó khăn khi thu mua nguyên liệu đầu vào...

HĐND tỉnh Hưng yên khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy công nghiệp chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh tư liệu

HĐND tỉnh Hưng yên khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy công nghiệp chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh tư liệu

Một trong những điểm sáng trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Hưng Yên thời gian qua là Công ty Cổ phần Rau, củ, quả Nhật Việt (xã Trung Nghĩa, T.P Hưng Yên) đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất rau sạch và hoạt động hiệu quả. Đến nay, Công ty Nhật Việt đang phát triển mạnh mẽ về cả diện tích và sản lượng. Ngoài thâm canh các loại rau truyền thống của Việt Nam, còn đầu tư trồng luân canh nhiều loại rau có nguồn gốc từ Nhật Bản như: Xà lách cuộn, cải thảo, cà chua bi, dưa chuột, bắp cải,… Hàng ngày, Công ty Nhật Việt xuất ra thị trường hàng tấn rau quả cho các thị trường Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh,…

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, trong giai đoạn 2016-2020 chưa có doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đăng ký để được hưởng các chính sách ưu đãi về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

“Tồn tại những hạn chế trên là do, Hưng Yên gặp khó khăn trong việc bố trí ngân sách địa phương để thực hiện việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa hoàn thành được khối lượng theo đăng ký để được nghiệm thu dự án, chưa có hướng dẫn cụ thể của các Bộ, ngành Trung ương về việc đăng ký phân bổ vốn đầu tư công cấp bù lãi suất,…”, ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho hay.

Ban hành nhiều chính sách ưu đãi

Trước thực tế đó, HĐND tỉnh Hưng yên khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy công nghiệp chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Theo đó Hưng Yên quyết định hàng năm dành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách tỉnh cho ngành nông nghiệp để hỗ trợ DN đầu tư dự án phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong các cơ chế, chính sách hỗ trợ thì trực tiếp và cụ thể nhất là hỗ trợ doanh nghiệp về tập trung đất đai.

Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư bằng hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để hình thành vùng nguyên liệu được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng với mức 50 triệu đồng/ha, hạn mức không quá 10 tỉ đồng/dự án. Đồng thời, doanh nghiệp cũng không phải chuyển sang thuê đất đối với diện tích đất nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trong chu kỳ thuê đất của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tỉnh cũng không điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm ảnh hưởng đến dự án. Các doanh nghiệp cũng được xem xét miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất, thuê mặt nước.

Công ty cổ phần Rau, củ, quả Nhật Việt tại thôn Tính Linh, xã Trung Nghĩa, T.P Hưng Yên là một trong những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong sản xuất rau sạch. Ảnh tư liệu

Công ty cổ phần Rau, củ, quả Nhật Việt tại thôn Tính Linh, xã Trung Nghĩa, T.P Hưng Yên là một trong những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong sản xuất rau sạch. Ảnh tư liệu

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được hỗ trợ một phần lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành với mức không quá 1%/năm trong 5 năm, hạn mức không quá 350 triệu đồng/dự án. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được hỗ trợ về đào tạo nhân lực, phát triển thị trường, nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông sản, hỗ trợ giá đối với công trình cấp nước sạch nông thôn,…

Ông Đỗ Minh Tuân - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên khẳng định: Sẽ ưu tiên hỗ trợ các dự án chế biến nông sản sử dụng vùng nguyên liệu tại tỉnh và sử dụng trên 100 lao động; dự án cơ khí, thiết bị, sản phẩm phụ trợ ngành nông nghiệp; dự án thân thiện với môi trường, tiêu tốn ít năng lượng; dự án liên kết sản xuất tạo ra chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao.

Công ty áp dụng cách trồng rau theo công nghệ của Nhật Bản đảm bảo 5 tiêu chí: giống sạch, đất sạch, nước sạch, rau trồng sạch và thu hoạch, đóng gói sạch. 

Công ty áp dụng cách trồng rau theo công nghệ của Nhật Bản đảm bảo 5 tiêu chí: giống sạch, đất sạch, nước sạch, rau trồng sạch và thu hoạch, đóng gói sạch. 

“Trong thời gian tới, Hưng Yên sẽ đẩy mạnh hơn công tác xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phù hợp với định hướng xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu. Mục tiêu hướng tới là xây dựng từ 2-3 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; hình thành 04 dự án trồng vải trứng, vải lai, cam, bưởi hữu cơ; kêu gọi ít nhất 05 nhà máy liên kết sản xuất, chế biến nông sản.

Cùng với việc ban hành một loạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ như trên, tỉnh Hưng Yên còn ban hành danh mục 5 sản phẩm nông nghiệp chủ lực và danh mục 35 dự án kêu gọi DN đầu tư.

Danh mục 5 sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Hưng Yên gồm: Lúa nếp thơm Hưng Yên; Rau, quả VietGAP; Hoa, cây cảnh, cây dược liệu; Thịt bò, gia cầm, trứng gia cầm VietGAPH; Thủy sản (cá chép, cá lăng, cá trắm, cá rô phi VietGAPH).

Trong danh mục 35 dự án kêu gọi đầu tư có 5 dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung với công suất từ 300 con gia súc/ngày, 2.500 con gia cầm/ngày trở lên có dự kiến tổng mức đầu tư 15 tỉ đồng và mức hỗ trợ tối đa lên đến 9 tỉ đồng. 5 dự án trang trại chăn nuôi bò công nghiệp với quy mô từ 500 con trở lên có tổng mức đầu tư dự kiến 35 tỉ đồng và mức hỗ trợ tối đa 11 tỉ đồng. 4 dự án trồng vải trứng, vải lai u, cam, bưởi hữu cơ từ 5ha trở lên có dự kiến tổng mức đầu tư 20 tỉ đồng và mức hỗ trợ tối đa lên đến 2,5 tỉ đồng. 11 dự án nhà máy chế biến, bảo quản nông sản có dự kiến tổng mức đầu tư 73 tỉ đồng và mức hỗ trợ tối đa lên đến gần 24 tỉ đồng. 10 dự án trồng hoa 5 ha trở lên có dự kiến tổng mức đầu tư 25 tỉ đồng và mức hỗ trợ tối đa lên đến 2,2 tỉ đồng. Tổng mức dự kiến đầu tư của 35 dự án này là 168 tỉ đồng và mức hỗ trợ tối đa 48,5 tỉ đồng…

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.