| Hotline: 0983.970.780

Hướng đến ngư trường bền vững (Bài 1): Mỗi tàu là một cột mốc chủ quyền

Chủ Nhật 07/03/2021 , 15:43 (GMT+7)

Có đội tàu đánh bắt thủy sản lớn, ngư trường rộng, đánh bắt thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, Bà Rịa – Vũng Tàu đang hướng đến ngư trường đánh bắt bền vững...

Khi vươn khơi bám biển, mỗi ngư dân, ghe tàu luôn đóng vai trò tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên vùng biển xa. Ảnh: MS.

Khi vươn khơi bám biển, mỗi ngư dân, ghe tàu luôn đóng vai trò tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên vùng biển xa. Ảnh: MS.

Hối hả sau Tết…

Có mặt tại cảng Hưng Thái thuộc huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) sau Tết Tân Sửu, chúng tôi ghi nhận không khí tấp nập tàu, thuyền chờ xuất bến. Một số tàu dịch vụ hậu cần nghề cá khẩn trương tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền, những cỗ máy xay nước đá hoạt động hết công suất, hàng chục ngư dân thoăn thoắt gạt đá xay vào hầm tàu; người lại hối hả khuân những tấm lưới, ngư cụ, bình gas, nước ngọt và nhu yếu phẩm cần thiết cho một chuyến biển dài ngày.

Đầu năm mới, các dịch vụ hậu cần nghề cá đang khẩn trương phục vụ cho tàu thuyền sớm vươn khơi bám biển. Ảnh: MS.

Đầu năm mới, các dịch vụ hậu cần nghề cá đang khẩn trương phục vụ cho tàu thuyền sớm vươn khơi bám biển. Ảnh: MS.

Theo ngư dân ở đây, do năm nay ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều lao động từ các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang và một số tỉnh miền Trung chưa vào, vì vậy nhiều tàu thuyền phải xuất bến trễ hơn mọi năm. Đặc biệt, năm nay các thủ tục đăng ký trước khi rời bến được kiểm tra rất nghiêm ngặt, nhất là bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đầy đủ.  

Anh Nguyễn Tôn Niên, chủ nhiều cặp tàu cá lớn đánh bắt xa bờ đang neo đậu tại cảng Hưng Thái cho biết: “Đúng ra hôm nay 2 cặp tàu của tôi sẽ ra khơi đánh bắt, nhưng vì do dịch Covid-19 những bạn tàu, tài công về quê ăn Tết đến nay vẫn chưa kịp vào nên đành phải dồn lại chỉ một cặp tàu ra khơi”.

Tương tự, ông Nguyễn Nin, người có thâm niên làm ngư dân ở Phước Tỉnh (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) chia sẻ: “Năm ngoái, dù trúng mùa nhưng hàng cá về tiêu thụ khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Do vậy, năm nay bà con ngư dân chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về nhu yếu phẩm, đồng thời phải nán lại bờ ít ngày để kiếm đủ tài công và hoàn thành đầy đủ các thủ tục đăng ký rồi mới ra khơi được”.

Ngư dân tỉnh BR-VT đang tích cực chuẩn bị để sẵn sàng xuất bến sau đợt nghỉ Tết dài ngày. Ảnh: MS.

Ngư dân tỉnh BR-VT đang tích cực chuẩn bị để sẵn sàng xuất bến sau đợt nghỉ Tết dài ngày. Ảnh: MS.

Ông Nguyễn Trính, Giám đốc HTX Dịch vụ - Khai thác thủy sản Quyết Thắng (có đội tàu 18 chiếc), cho biết: “Năm nay đội xuất bến trễ hơn vì tài công và bạn vào muộn do ảnh hưởng của dịch Covid19. Tuy nhiên, chúng tôi đang tích cực chuẩn bị để sẵn sàng xuất bến sau đợt nghỉ Tết dài ngày”.

Theo tìm hiểu của PV, trong những ngày đầu tháng 3 đã có hơn 500 tàu thuyền tại các cảng cá của xã Phước Tỉnh và Phước Hưng vươn khơi bám biển.

Tổ quốc trên vùng biển xa…

Mong ước lớn nhất của hầu hết chủ tàu và ngư dân đi biển trong đầu năm mới là gặp may mắn, trúng được những mẻ cá đầy khoang, không bị vi phạm các quy định về đánh bắt cá trên biển. Ngoài việc mang lại kinh tế cho gia đình, cho quê hương, ngư dân còn vai trò tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên vùng biển xa.

Mỗi khi chuẩn bị ra khơi, ngư dân tỉnh BR-VT luôn thực hiện mọi quy định trước khi xuất bến. Ảnh: MS.

Mỗi khi chuẩn bị ra khơi, ngư dân tỉnh BR-VT luôn thực hiện mọi quy định trước khi xuất bến. Ảnh: MS.

Ông Phạm Văn Lễ, chủ tàu cá BV76745TS (phường 5, TP.Vũng Tàu) bày tỏ: “Nhờ các chú bộ đội tuyên truyền, phổ biến, tôi hiểu được thêm về luật đánh bắt và ý nghĩa của việc treo cờ trên tàu chính là thể hiện trách nhiệm của mình trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Do đó, mỗi khi chuẩn bị ra khơi, tôi luôn thực hiện mọi quy định và nhắc nhở thuyền viên treo cờ trước khi xuất bến”.

Đứng bên con tàu vỏ thép BV96789TS, ngư dân Thái Thuần Tốt (ấp Tân An, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cũng cho hay, trước đây ông có tàu cá công suất gần 100CV nên chỉ hoạt động gần bờ. Năm 2017, ông quyết định vay vốn ưu đãi đóng tàu vỏ thép làm tàu dịch vụ hậu cần thủy sản theo chủ trương của Chính phủ.

“Cùng với các tàu cá của ngư dân, tàu dịch vụ hậu cần của chúng tôi cũng sẽ bắt đầu chuyến biển đầu năm, thẳng tiến ra ngư trường trong vài ngày tới để tiếp tế cho các tàu cá của ngư dân đang đánh bắt dài ngày nơi biển xa”, ông Tốt chia sẻ.

Đoàn tàu dịch vụ hậu cần trên biển của Công ty Biển Đông cũng chuẩn bị các dịch vụ sẵn sàng vươn khơi làm nhiệm vụ. Ảnh: MS.

Đoàn tàu dịch vụ hậu cần trên biển của Công ty Biển Đông cũng chuẩn bị các dịch vụ sẵn sàng vươn khơi làm nhiệm vụ. Ảnh: MS.

Những ngày đầu năm, đoàn tàu dịch vụ hậu cần trên biển của Công ty TNHH MTV dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông (Công ty Biển Đông) cũng vừa chuẩn bị xong các “món” dịch vụ sẵn sàng vươn khơi làm nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Công ty Biển Đông cho biết: “Đợt này chúng tôi điều 6 tàu ra khơi trước để kịp có mặt thường xuyên trên vùng biển Trường Sa ĐK1, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, đưa những tàu dịch vụ hậu cần ra tiếp tế để giúp ngư dân có thể yên tâm bám biển dài ngày, góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập từng chuyến ra khơi cho bà con”.

Theo ông Hùng, cho đến nay tất cả các tàu của Công ty cũng đã lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị giám sát hình trình trên biển theo quy định để phục vụ tốt nhất cho công việc. Ngoài nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ hậu cần chỉ bằng giá trong đất liền, Công ty còn cấp nước ngọt miễn phí và sửa chữa tàu miễn tiền công cho ngư dân khai thác trong vùng biển của Việt Nam.

Đồng thời, Công ty còn kết hợp với các đơn vị của Bộ Tư lệnh Hải quân tuyên truyền cho ngư dân về quy định đánh bắt hải sản đúng luật, không xâm phạm trái phép ở vùng biển nước ngoài (IUU), nhằm tạo môi trường khai thác bền vững.

Ngoài nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ hậu cần chỉ bằng giá trong đất liền, Công ty còn cấp nước ngọt miễn phí và sửa chữa tàu miễn tiền công cho ngư dân khai thác trong vùng biển của Việt Nam. Ảnh: MS.

Ngoài nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ hậu cần chỉ bằng giá trong đất liền, Công ty còn cấp nước ngọt miễn phí và sửa chữa tàu miễn tiền công cho ngư dân khai thác trong vùng biển của Việt Nam. Ảnh: MS.

 Trao đổi với NNVN, ông Phan Thạch, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh cho biết: “Để các tàu cá xuất bến vươn khơi thuận lợi, ngay từ trong Tết chúng tôi đã lên kế hoạch sắp xếp bến bãi neo đậu tàu thuyền bảo đảm luồng lạch thông suốt. Đồng thời, địa phương cũng mong muốn bà con ngư dân sẽ chấp hành nghiêm các quy định trên ngư trường khai thác, không xâm phạm vào các ngư trường của những quốc gia lân cận”.   

Theo ông Thạch, kế hoạch năm 2021, ngư dân Phước Tỉnh sẽ đánh bắt đạt sản lượng hơn 54 ngàn tấn hải sản. Bên cạnh đó, mong Nhà nước tiếp tục có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân đầu tư phương tiện vươn khơi bám biển, áp dụng khai thác bằng giải pháp kỹ thuật công nghệ cao, hoặc chuyển đổi ngành nghề từ giã cào kéo đôi sang ngành nghề khác nhằm bảo vệ tài nguyên của biển.

“Là đia phương thuần ngư, Phước Tỉnh hiện có 1.042 tàu với tổng công suất 273.004CV. Ngư dân đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, mua sắm trang thiết bị máy móc, ngư cụ hiện đại để hành nghề đúng luật. Nhiều hộ còn kết hợp giữa khai thác với chế biến hải sản như làm chả cá, chả mực, tôm khô… xuất bán cho thương lái để gia tăng giá trị sản phẩm”, ông Phan Thạch nói.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm