| Hotline: 0983.970.780

Tàu cá vươn khơi phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm

Thứ Hai 14/12/2020 , 15:23 (GMT+7)

Để góp phần gỡ ‘thẻ vàng’ của Ủy ban Châu Âu (EC), các tàu phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) theo quy định.

Các tàu cá đánh bắt xa bờ bắt buộc phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Ảnh: KS.

Các tàu cá đánh bắt xa bờ bắt buộc phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Ảnh: KS.

Có giấy chứng nhận mới vươn khơi

Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, toàn tỉnh có hơn 4.200 tàu cá khai thác thủy sản, trong đó 748 tàu có chiều dài 15m trở lên. Thời gian qua, để góp phần gỡ “thẻ vàng”, Chi cục đã phối hợp các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền bà con tuân thủ các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản.

Đồng thời, Chi cục bố trí lực lượng trực 24/24 giờ giám sát chặt chẽ các tàu cá hoạt động trên biển thông qua theo dõi thiết bị giám sát hành trình được kết nối với trạm bờ. Từ đó, thông báo, cảnh báo kịp thời cho các tàu có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài để tránh xâm phạm. Từ cuối 2018 đến nay, tàu cá Khánh Hòa không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đã ghi nhận nỗ lực của ngư dân trong việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, nhằm khắc phục “thẻ vàng” của EC.

Tuy nhiên ông Én bày tỏ trong thời tới, các ngư dân tiếp tục phát huy các kết quả đạt được nhất là tuân thủ các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản. Trong đó, chấp hành hoàn tất các thủ tục để được cấp chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tàu cá theo quy định.

Bởi mới đây, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư 13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 21 năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 25/12), quy định hồ sơ kiểm tra tàu cá rời cảng phải có giấy chứng nhận ATTP, nếu không tàu cá sẽ không được vươn khơi khai thác.

Bên cạnh đó, Nghị định 115 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP có quy định, tàu cá không có giấy chứng nhận ATTP bị xử phạt từ 30-40 triệu đồng.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải cần nguồn nguyên liệu được chứng nhận bảo đảm điều kiện ATTP. Ảnh: KS.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải cần nguồn nguyên liệu được chứng nhận bảo đảm điều kiện ATTP. Ảnh: KS.

“Việc ngư dân tuân thủ quy định phải có giấy chứng nhận ATTP cũng là góp phần chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, nhằm khắc phục “thẻ vàng” của EC. Bởi doanh nghiệp trong quá trình thu mua, chế biến hải sản xuất khẩu phải cần nguồn nguyên liệu được chứng nhận bảo đảm điều kiện ATTP”, ông Én chia sẻ và nói, các tàu bắt buộc phải có giấy chứng nhân ATTP để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận

Để bảo đảm 100% tàu cá được thẩm định phân loại, cấp giấy chứng nhận ATTP theo quy định, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương ven biển tiếp tục tuyên truyền cho ngư dân nắm bắt được tầm quan trọng của giấy chứng nhận này trong việc xuất khẩu thủy sản, nhắc nhở ngư dân thực hiện các thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận.

Sản phẩm cá ngừ sọc dưa được thu mua tại cảng cá Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang. Ảnh: KS.

Sản phẩm cá ngừ sọc dưa được thu mua tại cảng cá Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang. Ảnh: KS.

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản hướng dẫn các tàu cá thực hiện đăng ký, cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định. Theo đó, đến nay đã có 460/748 tàu được cấp giấy chứng nhận ATTP.

Ông Nguyễn Ngọc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Khánh Hòa, cho biết, số tàu trên đã được cấp giấy ATTP là những tàu đánh bắt xa bờ, bán thủy sản cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đối với số tàu còn lại chưa đăng ký, cấp giấy chứng nhận chủ yếu khai thác vùng lộng, không bán thủy sản các cho nhà máy chế biến. Hầu hết các tàu tập trung chủ yếu tại các huyện.

Do đó, sắp tới Chi cục tiếp tục tăng cương mở các lớp tập huấn tại các huyện, đồng thời hướng dẫn thủ tục đăng ký cho các chủ tàu để hoàn thành hồ sơ được cấp giấy chứng nhận ATTP.

Về điều kiện thủ tục cấp giấy chứng nhận ATTP cho tàu cá, theo ông Việt cũng không có gì phức tạp. Theo đó, bà con phải làm các thủ tục hồ sơ theo quy định, sau đó nộp tại bộ phận một cửa của Sở NN-PTNT sẽ được giải quyết. Trong hồ sơ các chủ tàu và các ngư dân đi trên tàu phải có giấy khám sức khỏe định kỳ, cũng như được trang bị kiến thức về VSATTP.

Ông Chu Đức Hùng, Trưởng phòng Chế biến thương mại, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Khánh Hòa, hiện nay bà con liên quan thường gặp nhiều khó khăn về thủ tục giấy tờ hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận ATTP.

Để khắc phục việc đó, Chi cục đã tăng cường cử cán cán bộ, hướng dẫn bà con hoàn thiện hồ sơ đăng ký theo quy định. Đồng thời tạo điều kiện hướng dẫn bà con để cấp giấy xác nhận kiến thức về ATVSTP. Chi cục sẽ tạo điều kiện rút ngắn thời gian thủ tục hành chính cho bà con để được cấp giấy chứng nhận ATTP nhanh nhất.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển