| Hotline: 0983.970.780

Hướng đến ngư trường bền vững (Bài 2): Xử nghiêm tàu xâm phạm ‘vùng biển ngoại’

Thứ Hai 08/03/2021 , 12:35 (GMT+7)

Những khuyến nghị của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đã và đang được Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện quyết liệt...

Những tín hiệu vui 

Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) được coi là “thủ phủ” đánh bắt thủy hải sản của vùng Đông Nam bộ với hơn 5.800 tàu cá, trong đó có 3.000 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, đồng thời là nơi tập trung nhiều tàu cá trong và ngoài tỉnh về neo đậu tại 12 cảng cá, 3 khu neo đậu tránh trú bão.

Các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của Công ty Biển Đông xuất bến để làm nhiệm vụ trên biển. Ảnh: MS.

Các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của Công ty Biển Đông xuất bến để làm nhiệm vụ trên biển. Ảnh: MS.

Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT), tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 5 cảng được công bố mở cảng cá theo quy định của Luật Thủy sản, gồm 4 cảng loại II và 1 cảng loại III. Ngoài ra, còn có 3 cảng cá đã được công bố cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Từ năm 2019 trở về trước, BR-VT có nhiều tàu và ngư dân đánh bắt trái phép bị nước ngoài bắt giữ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, thực hiện các khuyến nghị của EC, ngành NN-PTNT tỉnh BR-VT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về Luật Thủy sản và công tác chống khai thác bất hợp pháp cho cán bộ quản lý thủy sản các địa phương, các BQL cảng cá, cơ sở đóng sửa tàu thuyền, doanh nghiệp thủy sản và bà con ngư dân, nhất là các địa bàn trọng điểm thường xuyên có tàu cá, ngư dân vi phạm. Đồng thời, phối hợp với lực lượng biên phòng kiểm tra, kiểm soát tại các đồn, trạm, tổ chức cho các chủ tàu cá, thuyền trưởng ký cam kết không đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Vì vậy tình trạng này đã giảm đáng kể.

Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tâm, tàu Đá Tây 09, Công ty Biển Đông cho biết: Trước mỗi chuyến đi biển phải đăng ký đầy đủ thủ tục mới được xuất bến. Ảnh: MS. 

Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tâm, tàu Đá Tây 09, Công ty Biển Đông cho biết: Trước mỗi chuyến đi biển phải đăng ký đầy đủ thủ tục mới được xuất bến. Ảnh: MS. 

Ngư dân Trà Văn Hoành, chủ tàu cá BV 92244 TS (ấp Phước Lộc, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho biết, nhờ được các cơ quan chức năng của tỉnh hướng dẫn, giải thích về các quy định trong đánh bắt trên biển, chỉ rõ trên bản đồ, nơi nào ngư dân Việt Nam không được phép đánh bắt, nên mỗi năm phương tiện của ông ra khơi đánh bắt 2 lần, mỗi lần kéo dài từ 3 - 5 tháng nhưng chưa lần nào vi phạm các quy định của pháp luật.

Tài công Đỗ Vui của tàu BV 5587 TS cũng chia sẻ: “Trước mỗi chuyến đi biển ngư dân chúng tôi phải đăng ký đầy đủ thủ tục, từ máy móc, sổ ghi nhật ký đánh bắt, số lượng thuyền viên và gắn thiết bị giám sát hình trình đầy đủ mới được xuất bến”.

Hiện toàn huyện Long Điền có hơn 1.800 tàu thuyền, trong đó khoảng 1.000 tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 120CV trở lên. Số lượng tàu thuyền tập trung chủ yếu tại các xã Phước Tỉnh, Phước Hưng và thị trấn Long Hải. Để ngư dân yên tâm bám biển, các ngành liên quan của tỉnh và huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con tiếp cận với những cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước thông qua việc công khai trình tự thủ tục thẩm định, phương án vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Ngư dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh BR-VT kiểm tra máy móc thiết bị đi biển trước khi tàu xuất bến. Ảnh: MS.

Ngư dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh BR-VT kiểm tra máy móc thiết bị đi biển trước khi tàu xuất bến. Ảnh: MS.

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Long Điền cho biết: “Thời gian qua ngư dân được khuyến khích chuyển dịch cơ cấu sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đánh bắt trên biển. Đồng thời, địa phương cũng phát huy vai trò của các HTX nghề cá, Tổ đoàn kết sản xuất trên biển, nhằm hỗ trợ ngư dân, qua đó góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Theo ông Hiếu, từ năm 2019 đến nay, ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát, đăng ký, kiểm chứng gần 130.000 lượt tàu cá ra vào hoạt động trên biển. Các cảng cá cũng đã thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác có đối chiếu danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp cho gần 2.000 giấy phép với gần 65.000 tấn hải sản.

Sẽ tiếp tục quyết liệt xử lý 

Đến thời điểm này, những khuyến nghị của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đã và đang được các cơ quan chức năng, cộng đồng ngư dân trong tỉnh BR-VT thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn cần được giải quyết để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.

Thiết bị giám sát hành trình bắt buộc phải gắn trên các tàu đánh bắt thủy sản xa bờ nhằm quản lý chặt chẽ hành trình khai thác trên biển. Ảnh: MS.

Thiết bị giám sát hành trình bắt buộc phải gắn trên các tàu đánh bắt thủy sản xa bờ nhằm quản lý chặt chẽ hành trình khai thác trên biển. Ảnh: MS.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT, đến nay đã có 2.504/2.910 tàu cá có chiều dài trên 15m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khi khai thác ở vùng khơi, trong đó nổi bật là đội tàu có chiều dài trên 24m trở lên đã lắp đặt được 274/279 tàu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 453 tàu cá chưa thực hiện lắp thiết bị giám sát hành trình. Nguyên nhân, do một số tàu hành nghề lưới vây cá cơm, nghề lưới dù có chiều dài trên 15m nhưng là nghề đánh bắt truyền thống, chỉ hoạt động vùng lộng, ven bờ, thời gian đánh bắt trong ngày nên đa số chủ tàu còn trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Mới đây, tại buổi làm việc với tỉnh BR-VT về triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU), Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy sản) Phan Thị Huệ cho rằng, tỉnh BR-VT cần quyết liệt, cứng rắn hơn nữa trong công tác xử lý đối với các tàu vi phạm vùng đánh bắt hay tự ý tắt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Ngành chức năng tỉnh BR-VT phối hợp cùng lực lượng Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU. Ảnh: MS.

Ngành chức năng tỉnh BR-VT phối hợp cùng lực lượng Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU. Ảnh: MS.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT khẳng định: “Yếu tố then chốt mà ngành NN-PTNT tỉnh BR-VT đang quyết tâm thực hiện để ngăn chặn đánh bắt trái phép là việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá trên địa bàn tỉnh. Ngành chức năng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU”.

UBND tỉnh BR-VT cũng đã chỉ đạo thực hiện chặt chẽ việc cấp giấy phép khai thác thủy sản, triển khai lắp đặt, vận hành, quản lý thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá và xử lý nghiêm các tàu xâm phạm "vùng biển ngoại" trái phép. 

Trao đổi với NNVN, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU, các ngành chức năng trong tỉnh đang tích cực phối hợp đấu tranh ngăn chặn tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái pháp luật. Số lượng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ có xu hướng giảm mạnh, cơ bản đã chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm”.

Theo ông Khánh, ngành chức năng cũng đang triển khai các “giải pháp nóng” xử lý cụ thể đối với các chủ tàu vi phạm luật đánh bắt trên biển; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến ngư dân, tích cực triển khai các văn bản của UBND tỉnh để tiếp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết trong thời gian tới.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.