Năm 2001, tôi ký quyết định thành lập Câu lạc bộ Khuyến nông Đô thị (sau đây gọi tắt là Câu lạc bộ) với 3 thành viên tự nguyện. Vừa qua, tôi rất hoan nghênh Kỷ yếu 20 năm Câu lạc bộ của Ban Chủ nhiệm và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức hội nghị tổng kết ở Thái Nguyên (tháng 6/2022).
Xin gửi đến các thành viên Câu lạc bộ mấy ý kiến như sau.
Đánh giá về hoạt động của Câu lạc bộ
Đó là sự phát triển đúng xu thế và đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn, từ 3 thành viên ban đầu, hiện Câu lạc bộ đã phát triển lên 29 thành viên, gấp 10 lần, chiếm 50% số trung tâm khuyến nông các địa phương.
Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã tổ chức một số hoạt động thành công, đi vào cuộc sống, có nề nếp như: Hội thi, hội chợ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến và công nghệ cao, liên kết với doanh nghiệp, hỗ trợ thiên tai, trao cờ luân lưu, kết nạp thành viên, giao ban, chia sẻ kinh nghiệm, tham quan… với 3 nội dung chính là: Thông tin tuyên truyền, xây dựng mô hình và đào tạo huấn luyện.
Tuy nhiên, để thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh, bản sắc của hoạt động nhằm đưa Câu lạc bộ trở thành hạt nhân, động lực cho toàn hệ thống trong thời kỳ mới của ngành nông nghiệp, cần có nhận thức mới, “võ công” mới, chính sách mới để tiếp tục nâng cao hiệu quả của hoạt động khuyến nông đô thị.
Góc nhìn hiện trạng và lựa chọn cho Việt Nam
Về mô hình, cấu trúc, chính sách nông nghiệp đô thị trên thế giới, hiện có nhiều mô hình, nhưng có 2 mô hình đáng chú ý:
+ Mô hình Âu, Mỹ: Mô hình này hầu như không có nông thôn, tỷ lệ đô thị và thị dân chiếm 70 - 90%, ở nông thôn chỉ có nông trại chuyên nghiệp hóa, công nghiệp hóa, diện tích lớn hàng trăm, hàng nghìn ha. Ví dụ ở nhiều nước EU, các siêu thị bán hoa chất lượng cao với giá theo giờ hoa tươi. Điều đó nói lên sự kết nối sản xuất và thương mại ở mức thời gian số. Trong thành phố có rừng, đời sống gắn liền với thiên nhiên, rừng là công viên.
+ Mô hình Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan): Mô hình này nông thôn thành thị vẫn còn khoảng cách nhưng khó phân biệt rạch ròi, nông trại khoảng 2 - 10ha, hiện đại hóa ở mức cao. Nông dân tổ chức sản xuất thương mại chủ yếu là tư nhân, doanh nghiệp, HTX.
+ Nước ta đất chật người đông, vì vậy mô hình nông nghiệp đô thị nên đi theo hướng Đông Bắc Á vì tương đồng văn hóa cầm đũa châu Á, kết cấu làng xã bền vững, chữ và tiếng nói tượng hình, đơn âm, đạo Phật và hệ thống khoa cử phổ biến… Ví dụ phong trào làng mới (Hàn Quốc) và mỗi làng một sản phẩm (Nhật Bản) mà Việt Nam đang áp dụng sáng tạo là phù hợp.
Nông nghiệp đô thị nước ta hiện nay vẫn chủ yếu là ven đô. Năm 2020 đã có 833 đô thị (3 loại), tỷ lệ đô thị hóa 40%, tỷ lệ thị dân 51%. Dự báo đến năm 2030, có 50 triệu người sống ở đô thị, tỷ lệ đô thị hóa sẽ chiếm 50%. Như vậy, đô thị hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hóa là 3 quá trình có tính quy luật phát triển. Hiện nay, nước ta đang được xếp tốp hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản và du lịch (50 tỷ USD và trên 20 triệu người đến du lịch).
Mỗi năm nước ta có 1 triệu người gia nhập giới trung lưu trở lên, tập trung ở đô thị (thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng/người). Dự báo năm 2030, có 30 triệu người thuộc giới trung - thượng lưu (>20% dân số). Tầng lớp này và Việt kiều sẽ quyết định tăng trưởng thị trường nông nghiệp trong và ngoài nước.
Đô thị Việt Nam hiện có khoảng 1000 siêu thị, gần 200 trung tâm thương mại các loại và hàng ngàn chợ đầu mối, đang là đầu tàu thương mại hiện đại và tiêu thụ hàng hóa. Trong 50 tỷ USD xuất khẩu nông sản, chủ yếu chuyển qua đô thị, cảng, trung tâm thương mại để chế biến, đóng gói, kiểm soát chất lượng, xếp dỡ container, kho, bãi, logistics…
Như vậy, nông nghiệp đô thị có 3 nội hàm chính: Đào tạo nguồn nhân lực, sản xuất (ven đô là chính, kể cả công nghiệp phục vụ nông nghiệp như phân, thức ăn, thuốc, vacxin, máy công cụ…).
Công nghiệp chế biến, dịch vụ, thương mại, du lịch nông nghiệp, xuất khẩu (công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm; công nghiệp thông tin; công nghiệp môi trường và sinh thái, năng lượng; công nghiệp du lịch và ẩm thực…) góp phần quan trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động, dân cư, mô hình tăng trưởng; giải quyết việc làm, thu hút đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu và phát triển bền vững.
Một số kiến nghị
- Về Câu lạc bộ và Ban cố vấn, nên có lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham gia để tăng cường nguồn lực, thảo luận đầu bài, tầm nhìn, hoạch định thị trường chung quốc gia và liên kết 7 vùng sinh thái, thêm hình thức sinh hoạt theo vùng.
- Về sứ mệnh nông nghiệp đô thị và khuyến nông đô thị: Nông nghiệp đô thị phải dẫn đầu về chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến; dẫn đầu về công nghiệp phục vụ nông nghiệp; dẫn đầu về liên kết vùng - trung tâm vùng; dẫn đầu về đào tạo, dịch vụ khuyến nông. Đi đầu về số hóa quy trình sản xuất (canh tác số) và tiêu thụ sản phẩm (sàn thương mại điện tử). Đó là cách làm phổ biến của các nước và FTA (hiệp định thương mại).
- Cần xây dựng sàn giao dịch nông sản, trước hết ở Hà Nội, TP.HCM rồi mở rộng ra; coi 3 vùng ĐBSCL, ĐBSH, Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên là chìa khóa, nâng cấp hội chợ, triển lãm, hội thi, bảo tàng, lễ hội nông sản…
- Xây dựng mô hình quy mô đủ lớn, ứng dụng các loại công nghệ khác nhau có hiệu quả phù hợp với nhu cầu của nhà nông, thuyết phục các nhà quản lý xây dựng chính sách phù hợp với từng vùng sinh thái.
- Đào tạo online. Nếu như trước đây cuối vụ là hội thảo, hội nghị, tập huấn đầu bờ…, nay có thể dùng cả hai phương thức để không có sự ngừng trệ trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, thương mại… khi có dịch bệnh và tình trạng khẩn cấp.
- Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại từ kinh nghiệm nước ngoài vào đô thị (từ hợp tác quốc tế, tham quan, liên kết với doanh nghiệp FDI, liên kết PPP, liên kết Việt kiều, chuyên gia…) như: Thổ canh, khí canh, thủy canh, canh tác thẳng đứng, canh tác treo, canh tác mật độ cao, trang trại thành phố, vườn sinh thái cộng đồng, công viên rừng, sản xuất giống sạch bệnh, không hạt, vi ghép, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng…
- Coi trọng hoạt động tư vấn, dịch vụ, sử dụng công cụ trang web, điện thoại thông minh, zalo, facebook, phát thanh số… Trước nay, chúng ta không chú ý quyền lợi của tổ chức khuyến nông, chỉ coi trọng một chiều nông dân, nay cần phải cân bằng lợi ích của khuyến nông, nên cần xây dựng cơ chế dịch vụ khuyến nông.
- Coi trọng hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp như chủ trương của Bộ NN-PTNT và của nhà nước. Đặc biệt chú ý đối tượng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và HTX nông nghiệp, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ trang trại... để trở thành doanh nghiệp hoặc liên kết chuỗi.
- Đề xuất chính sách mới với các nội dung chủ yếu là: Đầu tư và hỗ trợ (trực tiếp, gián tiếp, trong hàng rào, ngoài hàng rào, PPP…), thuế (0% và miễn giảm thuế theo thời gian), tín dụng (0% và bù lãi suất thương mại, tín thế chấp), đất đai (đủ quy mô hiệu quả và thời gian đủ có lãi). Hỗ trợ HTX về chế biến, thiên tai, bảo hiểm, thương hiệu. Xây dựng cơ chế cho dịch vụ khuyến nông. Xây dựng quỹ khuyến nông, quỹ đầu tư mạo hiểm…
Năm 1986, chúng ta đã thành công trong đổi mới, nay là thời kỳ đổi mới sáng tạo. Khuyến nông đô thị (làm giàu) song song cùng với tham gia quá trình xây dựng nông thôn mới (xóa nghèo) sẽ là cách đi "hai chân cân đối" của hệ thống khuyến nông để phát triển bền vững.
Thế hệ sau hơn thế hệ trước là cái mới, giá trị mới. Hệ thống khuyến nông nên có nhiều hình thức, phương thức mới, nâng cấp phiên bản chính mình, tổng kết mô hình và sáng kiến ở các vùng sinh thái, các đô thị có chính sách phù hợp để hoạt động có bản sắc hơn.