| Hotline: 0983.970.780

Hướng tới sản xuất hồ tiêu bền vững

Thứ Tư 26/04/2017 , 09:20 (GMT+7)

Huyện là đẩy mạnh cải tạo các vườn tiêu theo mô hình hồ tiêu sạch, bền vững để không ngừng tăng năng suất, sản lượng và chất lượng...

09-00-06_tieu-vinh-linh-1
Kiểm tra vườn tiêu hai năm tuổi ở xã Vĩnh Hòa

Huyện Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị đang từng bước thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, nhất là với việc phát triển cây hồ tiêu, chú trọng chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm. Vĩnh Linh đang tiến hành cải tạo và trồng mới hồ tiêu theo hướng tiêu sạch, bền vững.
 

Nổi tiếng thơm, ngon

Hồ tiêu là loại cây trồng chủ lực và nổi tiếng của huyện Vĩnh Linh. Sản phẩm hạt tiêu nơi đây có đặc trưng bởi vị cay và thơm. Từ thế kỷ 18, trong tác phẩm “Phủ biên tạp lục” của nhà bác học Lê Quý Đôn đã nhắc đến hồ tiêu Quảng Trị là sản vật được nhiều thương lái nước ngoài đến tìm mua và xem đó là “vàng đen”.

Cho đến nay, hạt tiêu Vĩnh Linh vẫn là sản phẩm có danh tiếng, được người tiêu dùng ưa chuộng và được công nhận là đặc sản. Thời gian gần đây giá tiêu khô trên thị trường lên cao và giữ ở mức ổn định từ 120 - 150 ngàn đồng/kg nên diện tích hồ tiêu Vĩnh Linh phát triển khá nhanh. Đặc biệt sau trận bão cuối năm 2013, khi những vườn cao su bị hư hại thì những diện tích hồ tiêu ít bị gãy đổ nên chứng tỏ được ưu thế của mình, đó là trồng hồ tiêu cho thu nhập ổn định, thời gian thu hoạch theo mùa chứ không vất vả thức khuya, dậy sớm quanh năm như cây cao su. 

Hồ tiêu Vĩnh Linh nổi tiếng vì chất lượng cao, thơm, ngon. Giống hồ tiêu Vĩnh Linh chính gốc có lá nhỏ, hạt vừa, tầng sinh trưởng rất cao. Ông Nguyễn Đức Hiếu ở xóm Chợ, xã Vĩnh Kim cho biết vừa trồng thêm 3 sào hồ tiêu, nâng tổng diện tích hồ tiêu của gia đình lên 1ha. Cây hồ tiêu ở Vĩnh Linh phát triển rất tốt, bởi phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng. Nhưng để đầu tư 1 sào trồng hồ tiêu thì số vốn bỏ ra mua giống, choái, phân bón, khoan giếng đến 25 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc.

Dọc đường 70 chạy qua địa phận các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Tân, Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim, Vĩnh Hòa những vườn tiêu mới được trồng đang lên xanh mơn mởn. Tiêu được trồng ở vùng đất đỏ bazan phát triển rất nhanh nhưng cũng đòi hỏi sự chăm sóc kỹ càng. Riêng trong năm 2013, người dân xã Vĩnh Thành đã trồng mới trên 20ha tiêu. Những diện tích hồ tiêu này đa phần là trồng ở gia đình, trong đó có những diện tích được trồng trên đất mới, phát triển tốt.

Gia đình ông Lê Xuân Đô ở Liêm Công Đông có gần 2ha, mỗi năm thu hoạch gần 3 tấn tiêu khô. Đây là gia đình trồng hồ tiêu lớn nhất huyện Vĩnh Linh. Nhờ thu nhập hàng năm rất lớn nên ông Đô có cuộc sống rất chất lượng so bà con trong vùng. Ngoài ra, rất nhiều gia đình có diện tích hồ tiêu từ 5 - 6 sào. Với mức giá như hiện nay, mỗi vườn tiêu chừng 5 sào, thì sau 5 đến 7 năm tuổi cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
 

Phát triển tiêu sạch

Huyện Vĩnh Linh đã được Sở KH-CN Quảng Trị chọn làm mô hình mẫu về việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tiêu hạt Quảng Trị. Hạt tiêu Vĩnh Linh được chỉ dẫn về địa lý nên người dân yên tâm phát triển diện tích hồ tiêu một cách lâu dài và bền vững.

Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Linh cho biết, thời gian gần đây nông dân trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển, trồng thêm trung bình gần 100ha hồ tiêu/năm, nâng tổng diện tích hồ tiêu của huyện hiện lên gần 1.400ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 1.100ha.

Số hồ tiêu trồng mới hàng năm này được bà con chuyển đổi từ diện tích vườn cao su đã hết thời kỳ khai thác mủ hoặc các vườn cao su bị gãy đổ do bão gây ra. Tuy nhiên, do trồng và chăm bón theo truyền thống nên hồ tiêu Vĩnh Linh năng suất đang thấp, dưới 1,5 tấn/ha.

Vì vậy, kế hoạch của huyện là đẩy mạnh cải tạo các vườn tiêu theo mô hình hồ tiêu sạch, bền vững để không ngừng tăng năng suất, sản lượng và chất lượng.

Với hồ tiêu đã thu hoạch thì tập trung bón phân hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh, mời các nhà nông học về hướng dẫn phòng trừ mầm bệnh hại tiêu, khuyến khích nông dân sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel nhằm góp phần nâng cao chất lượng hạt tiêu khô, đảm bảo mặt hàng xuất khẩu ra các thị trường có tính cạnh tranh cao ở châu Âu.

Với trồng mới, huyện xây dựng vườn ươm giống đạt chuẩn tại xã Vĩnh Kim để cung cấp giống tốt cho bà con trồng tiêu theo hướng hữu cơ.

09-00-06_tieu-vinh-linh-2
Vườn tiêu cho thu hoạch của nông dân Vĩnh Linh

Hiện tại ở xã Vĩnh Kim đã có mô hình trồng hồ tiêu theo quy trình chăm sóc bằng phương pháp sinh học. Nông dân chỉ sử dụng phân xanh, phân chuồng ủ hoai, phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây hồ tiêu khi mới trồng.

Là một trong hơn 30 hộ trồng mới vườn hồ tiêu theo phương pháp sinh học ở Vĩnh Kim, gia đình ông Nguyễn Đình Quý, thôn Đông Tây có 5 sào hồ tiêu được chăm bón theo phương pháp mới, trong đó có 3 sào hồ tiêu cũ phục hồi và 2 sào trồng mới. Ông Quý cho biết gia đình ông chọn cây hồ tiêu làm cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế vườn. Ông được tập huấn cách trồng và chăm sóc hồ tiêu theo phương pháp sinh học nên áp dụng tốt vào thực tế. Trước hết, phải chọn giống tốt, choái lớn, bón phân chuồng hoai mục là chủ yếu, thường xuyên tưới nước về mùa hè để giữ độ ẩm và vun gốc cao để tránh nước đọng về mùa mưa. Tuyệt đối không cho nước ứ đọng trong vườn để tránh phát sinh các loại ký sinh trùng làm cây nhiễm bệnh.

Không chỉ riêng gia đình ông Quý mà cả hơn 30 hộ trồng mới vườn hồ tiêu đều áp dụng biện pháp canh tác sinh học nên cây tiêu ít sâu bệnh, sinh trưởng tốt. Phong trào trồng mới hoặc tái canh vườn tiêu hiện đang phát triển mạnh ở Vĩnh Kim.

Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết khi tham gia trồng hồ tiêu sạch huyện kêu gọi “4 nhà” vào cuộc, chứ không để nông dân "tự bơi" một mình. Bà con được hướng dẫn các bước sản xuất hồ tiêu an toàn như chọn giống tiêu sạch, bón phân hữu cơ hoặc các chế phẩm sinh học, kỹ thuật xử lý nấm bệnh... Huyện sẽ thành lập các tổ hợp tác để tạo ra khối lượng sản phẩm nhiều và chất lượng đồng đều, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật đã ký kết các hợp đồng lớn với doanh nghiệp.

Theo ông Hùng, phát triển mạnh cây hồ tiêu là hướng đi đúng trong chiến lược phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững của huyện Vĩnh Linh. Huyện đã quy hoạch trồng 2.000ha hồ tiêu. Như vậy khả năng phát triển thêm diện tích hồ tiêu tại địa bàn của huyện vẫn còn vì tiềm năng đất đai còn rộng lớn, màu mỡ.

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.