| Hotline: 0983.970.780

Hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định: Đâu là nguyên nhân?

Thứ Tư 15/02/2023 , 07:35 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Việc người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định không phải lỗi hết của người lao động mà còn có nhiều yếu tố khách quan khác.

Người lao động cũng có cái khó

Ông Đặng Quang Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa cho rằng, việc người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định không chỉ riêng tỉnh Khánh Hòa mà hầu hết các tỉnh trên cả nước đều có chung trình trạng này. Trong đó, có nguyên nhân chủ quan là một số lao động chưa hiểu hết chính sách của bảo hiểm thất nghiệp.

Mỗi năm, tỉnh Khánh Hòa có từ 10.000 - 12.000 người làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: KS.

Mỗi năm, tỉnh Khánh Hòa có từ 10.000 - 12.000 người làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: KS.

Bài liên quan

Bên cạnh đó, nhiều khi người lao động đã có việc làm mới nhưng chưa có hợp đồng ngay để thông báo cho Trung tâm kịp thời. Chính vì vậy, dẫn đến tình trạng người lao động nhận hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định từ 1 - 2 tháng.

“Để Trung tâm làm thủ tục chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải có hợp đồng lao động. Nếu công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp nhà nước thì người lao động có hợp đồng tuyển dụng trước khi vào làm việc. Còn lao động làm việc tại doanh nghiệp tư nhân nhiều khi không như vậy, đòi hỏi phải thử việc trước. Bên cạnh đó, thủ tục ký hợp đồng lao động cũng mất nhiều thời gian do bộ phận nhân sự tham mưu chậm, chủ doanh nghiệp bận đi công tác...”, ông Giang phân tích và cho rằng, nhiều khi không thể đổ lỗi hết do người lao động.

Về giám sát việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm không chủ động phát hiện được nếu người lao động không thông báo có việc làm. Trung tâm phải phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh để phát hiện người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng phát sinh đóng bảo hiểm xã hội là cơ sở để xác định họ có việc làm.

Thế nhưng, một thực tế khách quan nữa là có doanh nghiệp tuyển lao động vào làm việc nhưng mãi 1 - 2 tháng sau mới đóng bảo hiểm cho người lao động. Do vậy khi Bảo hiểm xã hội phát hiện, gửi danh sách qua Trung tâm thì người lao động đã hưởng trợ cấp thất nghiệp 1 - 2 tháng sai quy định.

Việc hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định nhiều khi không phải lỗi của người lao động. Ảnh: KS.

Việc hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định nhiều khi không phải lỗi của người lao động. Ảnh: KS.

Đây cũng là vấn đề nan giải trong việc phát hiện kịp thời người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng đã có việc làm để hạn chế người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp sai quy định. Bởi người lao động nhận tiền thì dễ nhưng thu tiền lại của họ rất khó. Nhất là những lao động làm việc với mức thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống cho gia đình nhưng lỡ nhận tiền nhiều tháng sai quy định. Đến khi họ nhận quyết định thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp sẽ phải làm việc cật lực và cần có thời gian mới tích góp đủ số tiền hoàn trả cho Bảo hiểm xã hội.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa, trong năm 2022, tại tỉnh Khánh Hòa có 11.153 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, giảm 6.6% so với năm 2021 (11.940 người). Trung tâm đã thẩm định, tham mưu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Khánh Hòa ban hành 11.615 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, giảm 4,06% so với năm 2021 (12.106 người).

Bên cạnh đó, trong năm vừa qua, Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 100% người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó có 999 người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tìm được việc làm mới, tăng 3,3% so với năm 2021. Ngoài ra, Trung tâm còn tư vấn, hỗ trợ học nghề, trong đó có 258 người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, tăng 141,12% so với năm 2021.

Nhiều phương án truy thu tiền trợ cấp thất nghiệp sai quy định

Về quy trình thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp sai quy định, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa cho hay: Sau khi Bảo hiểm xã hội phát hiện trường hợp đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng phát sinh đóng bảo hiểm xã hội, sẽ cung cấp danh sách người lao động cho Trung tâm. Từ đó, Trung tâm gửi giấy mời người lao động lên làm thủ tục chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời tư vấn cho họ tự nguyện hoàn trả tiền lại cho Bảo hiểm xã hội.

Đối với người lao động nhận quyết định thu hồi trợ cấp thất nghiệp nhưng chưa hoàn trả tiền, Trung tâm sẽ có công văn nhắc nhở, hướng dẫn họ trả qua tài khoản. Nếu họ vẫn chưa trả, Trung tâm sẽ phối hợp với doanh nghiệp họ đang làm việc tiếp tục tư vấn để họ trả tiền. Đối với trường hợp không đi làm, Trung tâm sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để đốc thúc.

Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: KS.

Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: KS.

Với những trường hợp đặc biệt như chuyển địa phương khác, Trung tâm sẽ phối hợp Bảo hiểm xã hội để làm các thủ tục thông báo trên toàn quốc. Nếu người lao động này làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ chưa giải quyết nếu chưa hoàn trả số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa, với sự nỗ lực như trên, đến ngày 10/2/2023, Trung tâm đã thu hồi 1.111 trường hợp, với tổng số tiền hơn 5,4 tỷ đồng. Hiện còn 125 trường hợp với tổng số tiền hơn 638 triệu đang được Trung tâm tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở để người lao động tự nguyện hoàn trả cho Bảo hiểm xã hội.

Về chính sách bảo hiểm thất nghiệp triển khai tại tỉnh Khánh Hòa, theo người lao động đánh giá đã thể hiện vai trò và sự ưu việt, xem đây như là "giá đỡ" vững chắc của hệ thống an sinh, bảo vệ người lao động trước sự giảm sút về thu nhập. Tác động này đặc biệt hữu ích trong giai đoạn khủng hoảng khi nhân sự bị cắt giảm ngoài mong muốn của doanh nghiệp và người lao động. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho người người lao động để người lao động tìm được việc làm mới, sớm quay lại thị trường lao động.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm thất nghiệp đã và đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình sử dụng nhân lực của xã hội cũng như giúp đảm bảo một phần an sinh xã hội khi giải quyết được những khó khăn cho người lao động khi họ bị mất việc làm; hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề…

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa, thời gian qua, việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa chi trả sau khi có quyết định của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Năm 2022, số tiền chi trả cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp là hơn 224 tỷ đồng. Trong đó hơn 1,21 tỷ đồng hỗ trợ học nghề cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.