Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn tâm thần hành vi do sử dụng cần sa.
Bệnh nhân 26 tuổi, là nhân viên văn phòng, cho biết, một đêm chỉ ngủ được 3-4 tiếng, ngủ không sâu giấc, ăn kém ngon miệng. Để giải tỏa những cảm xúc trên, bệnh nhân pha cần sa với tinh dầu thuốc lá điện tử để hút cả đêm, rồi ngủ gục trên giường.
Đây là lần nhập viện thứ 2 của bệnh nhân. Sau khi được dùng thuốc, can thiệp trị liệu tâm lý về tác hại của thuốc lá điện tử và cần sa, kết hợp tư vấn gia đình, ngày thứ 4 điều trị, khí sắc bệnh nhân đã cải thiện, đỡ buồn chán, hợp tác điều trị, ăn ngủ tốt hơn.
Điều đáng lo ngại là tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử không hiếm gặp ở các bạn trẻ. Lý do chính khiến người trẻ sử dụng thuốc lá điện tử là tò mò, hoặc có ý định cai, giảm hút thuốc lá thường nên dùng thuốc lá điện tử thay thế.
Sử dụng nicotine - thành phần chính trong thuốc lá điện tử - thường dẫn đến các triệu chứng nhức đầu, trầm cảm, khó chịu, lo lắng, tăng cảm giác thèm ăn và suy giảm khả năng tập trung. Ngoài ra, người hút có nguy cơ nghiện thêm các chất gây nghiện khác như cần sa.
Theo số liệu của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2024, liên quan đến thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy, công an cả nước phát hiện, bắt giữ, khởi tố 35 vụ với 83 bị can; xử lý 24 vụ, 31 can phạm mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy. Thuốc lá mới không chỉ được nhập lậu vào Việt Nam, mà đã xuất hiện từ một doanh nghiệp nhập linh kiện, tinh dầu và tổ chức gia công, sản xuất với số lượng lớn.
“Việc sử dụng thuốc lá điện tử có chứa nicotine làm tăng khả năng sử dụng cần sa gấp 3,5 lần”, bác sĩ Hoài thông tin.
Với những nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và tâm thần của thuốc lá điện tử, các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy người thân hoặc bản thân bị lệ thuộc vào thuốc lá điện tử dẫn đến ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần, người nhà nên đưa người bệnh đến bệnh viện có đơn nguyên sức khỏe tâm thần để khám và tư vấn điều trị.