Mặc dù kết quả xét nghiệm hiện tượng lợn ốm, chết tại 2 hộ dân ở xã Kỳ Phong và Kỳ Sơn âm tính với DTLCP, tuy nhiên, để tránh lúng túng, bị động khi dịch xảy như huyện lân cận (Cẩm Xuyên), ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh yêu cầu Chủ tịch UBND 21 xã lên kịch bản chi tiết, chuẩn bị đẩy đủ các vật tư từ vôi bột, vị trí đất tiêu hủy lợn, lực lượng tiêu hủy, phương tiện vận chuyển..., đề phòng khi có dịch kịp thời dập trong diện hẹp.
Đặc biệt, các xã tập trung rà soát, nắm chắc tổng đàn đến tận hộ, tuyên truyền ký cam kết đến tận hộ, khi phát hiện lợn có biểu hiện ốm nhất quyết phải báo cáo ngay cho chính quyền, cán bộ Thú y xã, huyện. Tuyệt đối không tự mời “thú y làng” về tự chữa trị.
Trường hợp có lợn chết, nghiêm cấm người dân đem vứt ra sông suối, ao hồ, kênh mương thủy lợi. Phải đi đến tận hộ, phân tích để người dân hiểu rõ sự nguy hại của DTLCP; việc vứt xác lợn ra môi trường là hành vi vi phạm Luật Thú y và các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo của Phòng nông nghiệp huyện Kỳ Anh, hiện tổng đàn lợn toàn huyện là hơn 24.000 con; trong đó, chăn nuôi nông hộ, gia trại hơn 8.500 con/1.690 hộ và trang trại hơn 15.700 con.
Đề phòng dịch lây lan, Kỳ Anh sẽ tiến hành đình chỉ các dịch vụ tắm lợn trên địa bàn |
Trao đổi với NNVN, một doanh nghiệp có 2 trang trại nái quy mô 1.200 con và khoảng 10.000 con lợn con đóng trên địa bàn huyện Kỳ Anh, đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền huyện và một số xã trong công tác phòng, chống DTLCP.
Tuy nhiên, hiện nay dịch đang đe dọa từ rất nhiều phía, vì vậy đề nghị UBND huyện Kỳ Anh kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng vận chuyển lợn từ các tỉnh phía Bắc vào Nam đi qua địa bàn. Đồng thời, cần bổ sung lực lượng vũ trang vào cuộc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, thậm chí làm rõ các hành vi vi phạm, răn đe những trường hợp thiếu ý thức trong phòng, chống dịch.