Thông tin trên được chính quyền thị trấn Thiên Cầm xác nhận vào sáng 22/5. Theo đó, ngày 20/5, một con lợn nái của gia đình ông Nguyễn Trọng Cuông, tổ dân phố Hoàng Hoa, thị trấn Thiên Cầm có biểu hiện bỏ ăn, ốm chết. Ngay sau đó, gia đình trình báo chính quyền, cơ quan chức năng, lấy mẫu kiểm tra, kết quả dương tính với DTLCP.
Chưa đầy 1 tuần tại huyện Cẩm Xuyên đã phát hiện 2 ổ DTLCP. |
Gia đình ông Cuông nhanh chóng phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng tiêu hủy toàn bộ đàn lợn (3 con lợn nái và 7 lợn con).
Trước đó, ngày 16/5 ổ DTLCP xuất hiện đầu tiên trên đàn lợn 55 con (5 con lợn nái; 5 lợn con và 45 con lợn thịt) của hộ ông Đặng Văn Đoàn, tổ 6, thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên. Sau khi có kết luận chính xác từ Cơ quan Thú y vùng III, toàn bộ đàn lợn được tiêu hủy đúng quy trình kỹ thuật.
Công tác dập dịch đang được chính quyền địa phương và ngành chuyên môn tập trung bằng nhiều biện pháp. |
Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh lo ngại: DTLCP đã xuất hiện trên địa bàn thì không chỉ huyện Cẩm Xuyên mà tất cả các địa phương đều nằm trong diện “báo động đỏ”. Nguy cơ dịch lây lan ra diện rộng là rất cao, vì vậy, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền cơ sở cần vào cuộc, giám sát chặt chẽ, phát hiện dịch bệnh kịp thời để hạn chế thiệt hại.
Tiêu hủy lợn tại hộ ông Đặng Văn Đoàn. |
"Vùng dịch nói riêng và các địa phương khác nói chung cần tiếp tục tuyên truyền cho người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Đây là giải pháp phòng bệnh hiệu quả và quan trọng nhất. Đồng thời, thường xuyên tổ chức vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, vùng chăn nuôi lợn, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; vệ sinh cá nhân những người tham gia chăn nuôi", ông Hùng nói...