Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của người dân, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn và đạt được những nhiều kết quả trong phong trào thi đua Quảng Nam chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM).
Theo ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, đến nay, toàn huyện này đã huy động được nguồn kinh phí hơn 2.300 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Từ nguồn lực này, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn của địa phương dần được đầu tư đồng bộ; bộ mặt nông thôn của huyện đã thay đổi rõ nét.
Cùng với đó, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt. Công tác tuyên truyền được tổ chức triển khai sâu rộng, từng bước làm thay đổi nhận thức, phát huy được sức mạnh đoàn kết, khằng định vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.
Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các mô hình sản xuất được đầu tư thâm canh, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế và bước đầu tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Huyện Tiên Phước đã tận dụng lợi thế cùng các nguồn lực hỗ trợ để phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Kết quả cho thấy hướng đi này đã mang lại hiệu quả cao, tạo ra dấu ấn đậm nét. Những vườn cây ăn quả đặc trưng như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, tiêu… đã mang lại cho các hộ gia đình trong huyện nguồn thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Ngô Minh Hòa (60 tuổi, thôn Trà Lai, xã Tiên Mỹ) đã mạnh dạn cải tạo lại vườn tạp để trồng các loại cây ăn quả như măng cụt, sầu riêng, mít, bòn bon, cau… Với vườn cây này, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu khoảng trên dưới 130 triệu đồng.
“Tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích vườn của huyện đạt được trên 6.600ha. Riêng năm 2023, với mỗi ha đất, nông dân của huyện thu được gần 173 triệu đồng. Cuối năm 2023, huyện Tiên Phước đã có 100% xã đạt chuẩn NTM; Trên cơ sở những kết quả đạt được, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước đã thống nhất rút ngắn lộ trình xây dựng huyện NTM. Phấn đấu lập hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2024 thay vì năm 2025 như đề án đưa ra trước đó”, ông Anh nói.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, huyện Tiên Phước đã đề ra các giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền. Chú trọng tuyên truyền các mô hình sản xuất hiệu quả, có tiềm năng, phù hợp định hướng phát triển để nhân dân nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại cả về quy mô và trình độ, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Để đảm bảo quá trình xây dựng NTM đạt mục tiêu đề ra, UBND huyện Tiên Phước cũng kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu, Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025. Nguyên nhân là do các chỉ tiêu, này chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, đời sống, mức thu nhập của người dân miền núi; quan tâm ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ (khoảng 65 tỷ đồng) xây dựng huyện NTM vào đầu năm 2024 để khởi động tất cả các công trình, đảm bảo tiến độ.