| Hotline: 0983.970.780

Diện mạo mới Bắc Giang: [Bài 4] Làn gió mới ở Tân Yên

Thứ Ba 10/09/2024 , 07:00 (GMT+7)

Tân Yên là điểm sáng trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân và đang hướng đến là huyện đầu tiên của Bắc Giang đạt chuẩn NTM nâng cao.

Đổi thay từ vùng vải thiều GlobalGAP

Một góc trung tâm huyện Tân Yên hôm nay. Ảnh: Thanh Phương.

Một góc trung tâm huyện Tân Yên hôm nay. Ảnh: Thanh Phương.

Với phương châm “Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, trong những năm qua, huyện Tân Yên luôn nỗ lực nâng cao các tiêu chí. Trong số đó, tiêu chí về phát triển kinh tế luôn được địa phương đặc biệt quan tâm để từng bước nâng cao đời sống, thúc đẩy kinh tế người dân một cách toàn diện, đồng bộ.

Trong tiến trình phát triển kinh tế, có thể nói rằng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp là “kim chỉ nam” giúp soi đường chỉ lối, dẫn dắt Tân Yên đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Địa phương đang đi đầu và sớm gặt hái được trái ngọt từ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp chính là xã vùng cao Phúc Hòa.

Những năm qua, Phúc Hòa đã chuyển đổi hầu hết diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn quả với gần 820ha, trong đó diện tích trồng cây vải chiếm tới 680ha. Theo ước tính, sản lượng vải tại đây đạt khoảng 9.000-10.000 tấn, đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng cho mỗi hộ dân.

Đặc biệt, thời gian gần đây, với sự đồng hành của các chính quyền, người dân đã mạnh dạn trồng vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP nhằm gia tăng giá trị và chất lượng quả vải. Đến nay, quả vải Phúc Hòa đã được xuất khẩu đến những thị trường khó tính như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc,… và nhận được đánh giá tích cực.

Vùng vải sớm theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại xã Phúc Hòa. Ảnh: Thanh Phương.

Vùng vải sớm theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại xã Phúc Hòa. Ảnh: Thanh Phương.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa nhấn mạnh: “Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp đã được chuyển đổi sang cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với sự đồng hành của chính quyền và sự nỗ lực, quyết tâm của nhân dân, thương hiệu vải Phúc Hưng sẽ ngày càng ghi đậm dấu ấn trong lòng người tiêu dùng”.

Cùng với xã Phúc Hòa, xã Liên Chung cũng là địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu diện tích đất nông nghiệp. Chỉ trong vòng 3 năm, với gần 60ha diện tích đất trồng sâm, đời sống nhân dân đã ngày càng ổn định, nguồn thu từ sâm giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Không chỉ dừng lại ở việc chuyển đổi diện tích sang trồng sâm, tại những vùng đất trũng, xã Liên Chung cũng tận dụng để trồng sen hay trồng cây măng lục trúc tại khu vực sườn đồi. Đặc biệt, trong thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch tâm linh, sinh thái núi Dành.

“Đây là hướng đi mới của địa phương, mở ra nhiều tiềm năng khai thác những lợi thế sẵn có. Hiện nay, chúng tôi đang cùng các cấp bộ ngành hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chuẩn OCOP về du lịch, đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá để giới thiệu tới du khách gần xa, huy động nhân dân địa phương tham gia phát triển các dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách tới tham quan, chiêm bái”, ông Dương Minh Hiểu, Chủ tịch UBND xã Liên Chung cho biết.

Xã Liên Chung có tới 5 sản phẩm OCOP liên quan đến sâm núi Dành. Ảnh: Đinh Mười.

Xã Liên Chung có tới 5 sản phẩm OCOP liên quan đến sâm núi Dành. Ảnh: Đinh Mười.

Năm 2024, tổng diện tích sản xuất vải thiều trên địa bàn huyện Tân Yên là hơn 1,4 nghìn ha (tăng gần 100 ha so với năm trước), sản lượng ước đạt 15,5 nghìn tấn. Trong đó diện tích vải thiều sớm là 1.250 ha, sản lượng ước đạt 15 nghìn tấn. Huyện Tân Yên tiếp tục duy trì 900 ha diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm; duy trì và mở rộng vùng sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là 455 ha.

Sớm thành huyện NTM nâng cao

Từ những quyết sách đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, nền kinh tế của huyện Tân Yên đang từng bước phát triển, vươn mình và bứt phá với nhiều kết quả vượt trội. Tính đến năm 2023, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất đạt trên 172 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,17% (thấp hơn bình quân chung của tỉnh). Đặc biệt, trên địa bàn huyện Tân Yên đã phát triển được 16 sản phẩm tham gia Ocop, trong đó nhiều sản phẩm thế mạnh được xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Song hành cùng việc chuyển dịch cơ cấu nền nông nghiệp, Tân Yên đang tiến tới ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp số và xây dựng nông thôn thông minh. Tại hầu khắp các xã, thị trấn, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện các thao tác như quét mã QR thanh toán, cập nhật thông tin tuyên truyền,… đang ngày càng tăng cao. Nhiều địa bàn cũng đã xây dựng lớp đào tạo, phổ cập ứng dụng và nền tảng số cho nhân dân.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thăm mô hình sản xuất sâm Nam núi Dành của HTX Đức Hạnh, xã Liên Chung. Ảnh: Nguyễn Miền.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thăm mô hình sản xuất sâm Nam núi Dành của HTX Đức Hạnh, xã Liên Chung. Ảnh: Nguyễn Miền.

Với những nỗ lực trong công tác xây dựng nông thôn mới nói chung và nâng cao các tiêu chí phát triển kinh tế nói riêng, huyện Tân Yên ngày càng khẳng định vị thế của minh, trở thành điểm tựa vững chắc của tỉnh nhà.

Ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện nay, Tân Yên đang  phấn đấu đến tháng 12/2024 cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao và tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí huyện nông thôn mới. Trong đó, tập trung vào một số tiêu chí khó về quy hoạch, y tế - văn hóa - giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn.

Trong năm 2024, huyện Tân Yên đặt ra mục tiêu xây dựng thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu, dự kiến nâng tỷ lệ xã nâng cao trên địa bàn huyện đạt 70%. Thời gian tới, Tân Yên đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tăng cường sự lãnh đạo cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Đồng thời tập trung cao công tác tuyên truyền về xây dựng NTM, phát động phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới và đa dạng hóa việc huy động nguồn lực từ cộng đồng.

Huyện Tân Yên hiện nay có 9/20 xã đã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 01/20 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Năm 2024, đang tiếp tục thực hiện xây dựng 4 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (Ngọc Thiện, Liên Chung, Cao Xá, Việt Ngọc), 2 xã NTM kiểu mẫu (Hợp Đức, Phúc Hòa), dự kiến nâng tỷ lệ xã nâng cao trên địa bàn huyện đạt 70%. 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.