| Hotline: 0983.970.780

IFC hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời sản xuất lúa gạo bền vững

Thứ Ba 04/04/2017 , 14:50 (GMT+7)

Mục đích nhằm mở rộng việc áp dụng các tiêu chuẩn và tập quán canh tác nông nghiệp bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo của Tập đoàn Lộc Trời.

Mới đây, Tập đoàn Lộc Trời phối hợp cùng với IFC là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, Viện Nghiên Cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Diễn đàn Lúa gạo bền vững quốc tế (SRP) tổ chức lễ khởi động chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.

Lễ khởi động chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam

Mục đích nhằm mở rộng việc áp dụng các tiêu chuẩn và tập quán canh tác nông nghiệp bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo của Tập đoàn Lộc Trời. Đồng thời, sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế, gia tăng lợi nhuận và cải thiện đời sống nông dân.

Theo đó, Tập đoàn Lộc Trời và các bên đã chính thức khởi động dự án tại Việt Nam. Trong hai năm tới, IFC sẽ hỗ trợ Lộc Trời thực hiện sản xuất lúa gạo theo đúng bộ tiêu chuẩn của Diễn đàn Lúa gạo Bền vững quốc tế (SRP) cùng với sự tham gia điều phối về kỹ thuật của các nhà khoa học đến từ IRRI. SRP là một tổ chức hợp tác đa phương, nhằm tăng cường sử dụng tài nguyên hiệu quả và bền vững ở cấp nông hộ cũng như xuyên suốt chuỗi giá trị lúa gạo.

IFC và Lộc Trời đang bắt đầu một quan hệ đối tác mới, đưa các tiêu chuẩn bền vững mới áp dụng cho ngành lúa gạo ở Việt Nam để giúp các doanh nghiệp mang lại lợi nhuận tốt hơn cho các cổ đông và tạo ra tương lai tươi sáng hơn cho nông dân.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho biết, dự án sẽ giúp ích cho chúng tôi xây dựng một thương hiệu gạo chất lượng cao, và nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Khoảng 4.000 nông dân sẽ được tập huấn về các tập quán canh tác mới nhằm trồng lúa đạt chất lượng cao, năng suất và bền vững. Dự án sẽ thực hiện ban đầu giai đoạn thử nghiệm và sau đó nhân rộng.

Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng mô hình chuỗi lúa gạo khép kín, với khoảng 25.000 nông hộ tham gia. Tập đoàn Lộc Trời mong muốn thiết lập và quản lý chuỗi lúa gạo bền vững ở ĐBSCL, là vựa lúa của Việt Nam. Sáng kiến này hướng Lộc Trời trở thành nhà sản xuất lúa gạo chất lượng cao hơn cho các thị trường ngách trên thế giới.

Ngài Richard Bale, Tổng Lãnh sự Canada tại Việt Nam cho biết: "Chính phủ Canada khuyến khích các hỗ trợ để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam với việc áp dụng tập quán và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, và rất ủng hộ sự hợp tác này. Chúng tôi đánh giá cao sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân nhằm tăng cường sự phát triển kinh tế bền vững và toàn diện; sáng kiến này sẽ có lợi cho hàng ngàn nông dân trên khắp ĐBSCL".

Theo Ngài Richard Bale, sáng kiến này tương thích với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam, một kế hoạch toàn diện nhằm nâng cao tính cạnh tranh của ngành lúa gạo, giúp tận dụng tốt hơn các cơ hội trên thị trường quốc tế. Dù là một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng về giá và chất lượng từ các nước khác như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Campuchia và Myanmar.

IFC và Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ chung mong muốn kết nối nông dân sản xuất lúa gạo Việt Nam với chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm đạt được các tiềm năng tốt nhất. Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia, Lào cho biết, IFC- một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân các nền kinh tế mới nổi, đang hỗ trợ cho hơn 2.000 doanh nghiệp tư nhân các nước.

Tập đoàn Lộc Trời hiện có hơn 1.300 kỹ sư của “Lực lượng 3 cùng” đã liên kết 25.000 nông hộ, tổ chức lại sản xuất, cung cấp giống, hỗ trợ vật tư nông nghiệp cho nông dân và xây dựng thành những Cánh Đồng Lớn với qui mô 60.000 hecta/năm.

Lộc Trời có hệ thống 5 nhà máy chế biến gạo với công nghệ tiên tiến, cung cấp ra nhiều sản phẩm gạo cho thị trường nội địa và quốc tế với chất lượng cao, an toàn và truy xuất được nguồn gốc.

 

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...