| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới ở Hải Phòng

III: Nâng tầm sản phẩm OCOP Đất Cảng

Thứ Sáu 03/12/2021 , 08:01 (GMT+7)

Sản phẩm OCOP và nông sản có nguồn gốc rõ ràng sẽ được đưa vào các văn phòng giới thiệu chuyên nghiệp để tiêu thụ rộng rãi.

Giải bài toán “lan tỏa”

Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng sắp khai trương chuỗi văn phòng trưng bày, giới thiệu và liên kết tiêu thụ các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của Hải Phòng và các tỉnh, thành trong nước đến người tiêu dùng địa phương và du khách.

Ông Nguyễn Ngọc Đam - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng (giữa) công bố quyết định thành lập chuỗi văn phòng trưng bày, giới thiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Ngọc Đam - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng (giữa) công bố quyết định thành lập chuỗi văn phòng trưng bày, giới thiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ảnh: Đinh Mười.

Đây được xem là một giải pháp, một bước đi cần thiết đáp ứng được yêu cầu thực tế trong việc lan tỏa, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người dân, cũng như giải được bài toán mà nhiều địa phương đang loay hoay bấy lâu nay về hướng đi cần thiết cho sản phẩm OCOP, góp phần tích cực vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Nhìn lại thời gian qua, chương trình OCOP tại Hải Phòng được đặt trọng tâm vào phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân gồm có doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh tế tập thể thực hiện.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình OCOP, các đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, đã lồng ghép thực hiện Chương trình OCOP trong kế hoạch thực hiện hàng năm để chương trình được triển khai đúng tiến độ.

Mặt khác, Hải Phòng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhất định cho các cá nhân, tổ chức để khuyến khích, động viên người dân đẩy mạnh sản xuất như: Nghị quyết 13 năm 2017 của UBND TP Hải Phòng với 6 chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập nông dân,… được xem là chìa khóa để phát triển nông nghiệp TP Cảng giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025

Qua khảo sát, hầu hết những cá nhân tổ chức đã được nhận ưu đãi từ chương trình và có sản phẩm được chứng nhận OCOP tại Hải Phòng đều thừa nhận rằng, chương trình ngoài việc giúp nâng cao giá trị sản phẩm, được nhiều người biết đến, còn là “đòn bẩy” giúp họ có thể vươn xa. Tuy nhiên, chương trình còn 1 số bất cập cần phải hoàn thiện.

Nhiều chính sách thời gian qua trở thành đòn bẩy giúp các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Hải Phòng 'cất cánh'. Ảnh: Đinh Mười.

Nhiều chính sách thời gian qua trở thành đòn bẩy giúp các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Hải Phòng "cất cánh". Ảnh: Đinh Mười.

Trên thực tế, mặc dù ngân sách hỗ trợ cho nông nghiệp những năm gần đây có sự cải thiện, tuy nhiên còn ít so với các tỉnh, thành khác và mặt bằng chung cả nước, chưa đủ kích cầu cho sự phát triển của nông nghiệp nông thôn, phát triển các sản phẩm nông nghiệp đủ cho thị trường Hải Phòng.

Mặt khác, đã không ít tổ chức, doanh nghiệp đã bóng gió rằng “bị đem con bỏ chợ”, để bày tỏ sự lo lắng khi các sản phẩm đã được công nhận OCOP nhưng chưa được quan tâm đích đáng để đưa sản phẩm được lan tỏa rộng rãi ra cộng đồng cũng như có địa điểm để giới thiệu với người tiêu dùng.

Do đó, dù tiềm năng lớn về nông nghiệp, tuy nhiên hiện tại rất nhiều sản phẩm nông nghiệp ở Đất Cảng được nhập từ Trung Quốc và các tỉnh khác về để tiêu thụ tại thị trường Hải Phòng, còn nhiều sản phẩm đặc trưng của Hải Phòng vẫn loay hoay đầu ra và gặp khó khăn trong việc lan tỏa.

Ông Nguyễn Văn Sáng - Phó phòng NN-PTNT huyện An Dương cho biết, người dân rất muốn có nơi gửi gắm sản phẩm và có nơi để mua sản phẩm nông nghiệp an toàn. Do đó, chuỗi cửa hàng này đáp ứng được yêu cầu của nhân dân trong trao đổi buôn bán.

“Chuỗi cửa hàng này rất phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu thực tế hiện nay, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện, các xã và nhân dân để phối hợp thực hiện tốt nhất có thể”, ông Sáng khẳng định.

Nếu như năm 2020, toàn Hải Phòng chỉ có 60 hồ sơ được các chủ thể trình hội đồng thẩm định, đánh giá, thì năm 2021, đã có gần 20 chủ thể tham gia với gần 90 sản phẩm đăng ký tham gia, trong đợt 1 có 60 sản phẩm được đánh giá ở cấp huyện và 30 sản phẩm 3 sao, 30 sản phẩm 4 sao.

Tuy rằng số lượng sản phẩm OCOP tăng qua hàng năm và các nhóm sản phẩm ngày càng phong phú nhưng về cơ bản vẫn còn quá ít so với tiềm năng và chưa thể đại diện cho các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của Hải Phòng.

Nguyên nhân do một số địa phương và sở, ngành của thành phố chưa thực sự quan tâm đến Chương trình OCOP nên công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình chậm hơn nhiều so với tiến độ thời gian quy định.

Mặt khác, các chủ thể sản xuất gặp khó khăn trong việc lập hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm, còn thiếu một số tài liệu minh chứng, còn gặp khó khăn trong việc lập hồ sơ đề xuất, bố trí nguồn vốn đối ứng.

Vì nền nông nghiệp xanh

Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, chuỗi văn phòng, cửa hàng trưng bày, liên kết tiêu thụ nông sản an toàn và sản phẩm OCOP hoạt động dựa trên triết lý “Vì sức khỏe người tiêu dùng, vì lợi ích người sản xuất, vì một nền nông nghiệp xanh phát triển bền vững”.

Chuỗi văn phòng hoạt động theo triết lí 'Vì lợi ích người sản xuất, vì một nền nông nghiệp xanh phát triển bền vững'. Ảnh: Đinh Mười.

Chuỗi văn phòng hoạt động theo triết lí "Vì lợi ích người sản xuất, vì một nền nông nghiệp xanh phát triển bền vững". Ảnh: Đinh Mười.

Theo kế hoạch, các văn phòng sẽ được trang bị đầy đủ như một siêu thị tiện ích từ điều hòa, tủ đông, tủ mát, giá kệ, cân điện tử, máy hút chân không, máy test dư lượng đạm, camera...

Tại chuỗi văn phòng sẽ được ban hành các quyết định, chế tài trong việc giám sát, thực hiện. Nhân viên được học quy trình 21 bước bán hàng của Singapore, làm sao để đứng giới thiệu sản phẩm như thế nào cho hiệu quả, cách tiếp cận như thế nào.

Để vận hành chuỗi văn phòng hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng sẽ xây dựng website riêng cho chuỗi nông sản an toàn, lập trang FB cho từng văn phòng để thuận tiện cho việc quảng bá,... Theo kế hoạch, trước mắt sẽ khai trương đồng loạt 4 văn phòng ở các quận, huyện: Kiến An, Kiến Thụy, Tiên Lãng và An Dương.

Các sản phẩm OCOP sẽ được ưu tiên, ngoài ra các sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng sẽ được tạo điều kiện đưa vào hệ thống chuỗi văn phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Các sản phẩm OCOP sẽ được ưu tiên, ngoài ra các sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng sẽ được tạo điều kiện đưa vào hệ thống chuỗi văn phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Sau khai trương, Phòng NN-PTNT các huyện sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông (trực tiếp là Trạm Khuyến nông) trong công tác giám sát, kiểm tra sản phẩm đưa vào “chuỗi văn phòng” đảm bảo với mục tiêu, tiêu chí, triết lý của văn phòng: sản phẩm OCOP, sản phẩm an toàn, sản phẩm đặc trưng vùng miền.

“Bối cảnh hiện nay, cạnh tranh khốc liệt, các sản phẩm nông nghiệp thông qua các kênh bán hàng rất nhiều, khi triển khai sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị, không đặt lợi ích lên hàng đầu và mong muốn các địa phương bắt tay, đồng hành chung vì sản phẩm chung”, ông Nguyễn Ngọc Đam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng bày tỏ.

Cũng theo ông Đam, vác sản phẩm đưa vào, phòng nông nghiệp các huyện sẽ giám sát, sản phẩm tối tiểu phải có nguồn gốc xuất xứ, có quy trình để duyệt để đưa sản phẩm vào cửa hàng, đăng công khai nhưng sản phẩm OCOP sẽ được ưu tiên.

Còn đội ngũ cán bộ văn phòng được đào tạo để hoạt động tốt, xây dựng văn hóa làm việc tại các chuỗi, để hoạt động trơn tru, hiệu quả, phải am hiểu và phải làm mọi cách để các sản phẩm OCOP đều được đưa vào hệ thống, trừ khi trường hợp chủ hàng từ chối.

Chuỗi văn phòng trưng bày, giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP được xem là bước đi mới để đưa nông sản Đất Cảng vươn xa. Ảnh: Đinh Mười.

Chuỗi văn phòng trưng bày, giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP được xem là bước đi mới để đưa nông sản Đất Cảng vươn xa. Ảnh: Đinh Mười.

Trước mắt, chi phí, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng sẽ hỗ trợ ban đầu, sau này sẽ trích chiết khấu để hoạt động, sẽ kết nối các chủ thể sản phẩm OCOP vào nhóm zalo và có thể họp, giới thiệu, tổ chức các buổi giao lưu qua zoom,...

Mặt khác, sẽ kết nối với các huyện, trực tiếp đặt hàng, có sự kiểm soát chặt chẽ về quy trình để đưa vào hệ thống, giới thiệu với người dân qua các kênh khác nhau nhằm đẩy mạnh, thúc đẩy sản xuất.

“Khi đưa ra mô hình mới làm sao phải tạo ra được sự khác biệt, chúng tôi không đặt mục tiêu về doanh số, khi đạt được hiệu quả nhất định thì người tiêu dùng sẽ tìm đến. Hướng đi không chỉ dừng lại ở các văn phòng, mà sẽ còn được mở rộng”, ông Đam chia sẻ.

Theo thống kê mới nhất, lượng hàng nông sản lưu thông, tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hải Phòng mỗi ngày khoảng 550 - 700 tấn rau củ quả, trong đó rau trên 400 tấn, hoa quả các loại gần 200 tấn, khoảng 95 tấn thịt gia súc, 500 tấn thủy sản,...

Hiện tại, Hải Phòng tự cung cấp tại chỗ 35% lượng rau củ quả (khoảng 200 tấn), còn lại là nông sản từ các tỉnh vận chuyển vào tiêu thụ tại Hải Phòng.

Riêng chợ đầu mối nông sản Phương Nghĩa (Sở Dầu, Hồng Bàng), lượng hàng nông sản nhập về chợ trung bình 180 tấn/ngày, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Hải Dương, Hưng yên, Lào Cai, Sơn La, Vĩnh Phúc, Hà Nội và một số tỉnh miền Trung trở vào, thời điểm cao điểm khoảng 200 tấn/ngày.

Ngoài chợ đầu mối Phương Nghĩa, lượng hàng nông sản được vận chuyển về Hải Phòng có nguồn gốc từ các tỉnh thành trên được tiêu thụ trong các hệ thống phân phối lớn như Mega, Go HP, Co.opmart, Vinmart, hệ thống Vinmart + khoảng 50 tấn/ ngày.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.