| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới ở Hải Phòng

I: Linh hoạt tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Thứ Tư 01/12/2021 , 10:48 (GMT+7)

Hải Phòng cơ bản đã hoàn thành trong việc thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại 8 xã với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng.

Chính sách linh hoạt, vào cuộc đồng bộ

Hết năm 2019, Hải Phòng đã có 100% số xã đạt chuẩn xã NTM và ngay sau đó đã bắt tay vào triển khai xây dựng thí điểm NTM kiểu mẫu tại 8 xã với mục đích rút kinh nghiệm để triển khai đồng loạt ở các địa phương còn lại.

Một góc làng quê ở xã Nam Sơn, huyện An Dương sau khi hoàn thành xây dựng NTM. Ảnh: Đinh Mười.

Một góc làng quê ở xã Nam Sơn, huyện An Dương sau khi hoàn thành xây dựng NTM. Ảnh: Đinh Mười.

Tổng kinh phí để nâng cấp đường giao thông, cải tạo, mở rộng bãi rác và hỗ trợ vật kiến trúc trên đất hiến tặng của nhân dân để mở rộng các tuyến đường giao thông tại 8 xã là 1.083,79 tỷ đồng, trong đó, năm 2020 phân bổ 663,19 tỷ đồng, năm 2021 phân bổ 420,6 tỷ đồng.

Bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, Hải Phòng đã gặp ngay 2 khó khăn lớn đó là dịch Covid-19 và tình trạng sốt đất diễn ra từ thành thị tới nông thôn, đã ảnh hưởng cực lớn đến việc triển khai các hạng mục công trình.

Bên cạnh đó, đây là năm đầu tiên Hải Phòng triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu chưa từng có tiền lệ, còn công tác tuyên truyền, vận động trong xây dựng NTM chưa được thường xuyên, liên tục, chưa sâu sát, toàn diện, đầy đủ trong thời gian đầu triển khai.

Mặt khác, do là thành phố trực thuộc Trung ương nên trong xây dựng NTM, nguồn ngân sách chủ yếu Hải Phòng tự bố trí ngân sách địa phương, vốn lồng ghép để xây dựng, hoàn thành các mục tiêu.

Do đó, khi triển khai, các sở, ngành, địa phương còn gặp nhiều lúng túng trong việc hướng dẫn và tổ chức thực hiện, giải quyết các vấn đề phát sinh, nhiều lần phải xin ý kiến chỉ đạo như: công tác giải phóng mặt bằng, chinh lý hồ sơ đất đai,...

Thực hiện nhiệm vụ, Sở NN-PTNT Hải Phòng được giao chủ trì đề xuất danh mục đầu tư các công trình NTM kiểu mẫu tại 8 xã, chủ trì hướng dẫn, thường xuyên đôn đốc các địa phương triển khai xây dựng các công trình xã NTM kiểu mẫu. Các ngành khác theo nhiệm vụ được giao ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện tiêu chí; các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chỉ đạo, tuyên truyền, tham gia tích cực cùng với các huyện triển khai hiệu quả các nội dung xây dựng xã NTM kiểu mẫu trên địa bàn.

Nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Xuân Đám, huyện Cát Hải. Ảnh: Đinh Mười.

Nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Xuân Đám, huyện Cát Hải. Ảnh: Đinh Mười.

Quá trình thực hiện, bên cạnh vốn đầu tư công, Hải Phòng khuyến khích các đơn vị chủ động đa dạng hóa nguồn vốn thực hiện chương trình, huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn, tăng cường các hình thức hợp tác công tư và xã hội hóa để thu hút đầu tư, bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, Hải Phòng đã huy động sức mạnh từ nhân dân, lấy dân làm gốc, vận động tuyên truyền giúp nhân dân hiểu sâu hiểu rõ chương trình để nhân dân tự nguyện đóng góp bằng công và bằng của cho xây dựng NTM.

Chính cách làm sáng tạo lấy dân làm gốc, huy động tổng hợp sức mạnh của chính quyền là Đảng và Nhà nước cùng nhân dân, doanh nghiệp đã giúp TP Hải Phòng trở thành địa phương cán đích hoàn thành mục tiêu.

Riêng với các xã đã đạt chuẩn về NTM nhưng chưa thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu, TP Hải Phòng tiếp tục triển khai các giải pháp để giữ vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí, nhất là tiêu chí về sản xuất, thu nhập, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự xã hội, đồng thời thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình được đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả đầu tư.

Bằng cách làm sáng tạo, chủ động, dựa vào sức dân, lấy nhân dân làm gốc, đến tháng 10/2021, bình quân 8 xã đã đạt 13,63 tiêu chí/xã, trong đó tiêu chí khó nhất là giao thông, các địa phương triển khai đầu tư 201 công trình, gồm 197 công trình về giao thông với tổng chiều dài 129,13km và 4 công trình về môi trường.

Ông Phạm Đức Duyễn, Phó Chánh văn phòng điều phối xây dựng NTM Hải Phòng cho biết, quá trình thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu tại 8 xã thí điểm, ngoài việc đầu tư lớn, TP Hải Phòng đã có những chính sách linh hoạt để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.

Đơn cử như việc hỗ trợ về chi phí biến động đất đai cho người dân (15 tỷ đồng), ngân sách TP Hải Phòng sẽ chi trả phí quản lý duy tu điện chiếu sáng tại 8 xã với tổng kinh phí khoảng 3,6 tỷ/1 năm, còn riêng các hộ phải hiến đất quá lớn, phần diện tích còn lại không còn để ở theo quy định thì cũng đang được xây dựng cơ chế để hỗ trợ tái định cư ở chỗ khác và bố trí nguồn kinh phí để cho người dân nộp tiền sử dụng đất.

“Mức độ đầu tư lớn cho các xã xây dựng NTM của Hải Phòng so với mặt bằng chung cả nước, hiện tại thành phố đang xây dựng cơ chế đầu tư trung bình cho các xã xây dựng NTM kiểu mẫu đối riêng với giao thông là hơn 100 tỷ/1 xã. Còn cấp huyện, đến nay, các tiêu chí đã cơ bản, hiện tại 4 huyện gồm: Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Tiên Lãng và An Dương đã xây dựng hồ sơ và trình lên Trung ương đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM. Còn huyện An Lão và huyện Vĩnh Bảo đang hoàn thiện hồ sơ, trong tháng 12/2021 sẽ trình Trung ương đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM”, ông Duyễn chia sẻ.

Một hộ dân ở huyện An Lão chia sẻ khu vực gia đình sẽ hiến đất để thực hiện tiêu chí làm đường giao thông NTM kiểu mẫu. Ảnh: Đinh Mười.

Một hộ dân ở huyện An Lão chia sẻ khu vực gia đình sẽ hiến đất để thực hiện tiêu chí làm đường giao thông NTM kiểu mẫu. Ảnh: Đinh Mười.

8 xã được lựa chọn thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu đầu tiên ở Hải Phòng là những địa phương có nhiều vượt trội về kinh tế, xã hội, có hệ thống giao thông khá đồng bộ gồm: Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo), xã Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng), xã Tân Dân (huyện An Lão), xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy), xã Đồng Thái (huyện An Dương), xã Gia Minh và xã Gia Đức (huyện Thủy Nguyên), xã Xuân Đám (huyện Cát Hải).

Đột phá

Trong gần 2 năm xây dựng NTM kiểu mẫu tại 8 xã, các địa phương đã huy động được tổng nguồn lực để triển khai xây dựng các công trình trên địa bàn các xã là 1.721,56 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách là 1.137,71 tỷ đồng, trung bình mỗi xã là 135,5 tỷ đồng, nguồn huy động trong nhân dân là 584 tỷ đồng (bình quân 73 tỷ đồng/xã), chiếm 34%.

Các địa phương đã vận động 4.730 hộ dân hiến tặng 125.724m2 đất để đầu tư xây dựng công trình nông thôn mới, trong đó, xã Đồng Thái và xã Gia Minh là những địa phương có diện tích người dân hiến đất nhiều nhất.

Riêng xã Đồng Thái, nguồn lực huy động từ nhân dân nhiều nhất (264 tỷ đồng), gấp 3,6 lần bình quân các xã, gấp 1,5 lần so với vốn ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng các công trình.

Đường NTM kiểu mẫu ở xã Đồng Thái, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Đường NTM kiểu mẫu ở xã Đồng Thái, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Nếu căn cứ theo đơn giá đền bù theo quy định, giá trị đất nhân dân hiến tặng là 160,438 tỷ đồng và việc triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu tại các xã đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 160,438 tỷ đồng so với các công trình đầu tư xây dựng thông thường.

Và trên thực tế tại thời điểm đánh giá nhân dân đã hiến tặng giá trị tiền đất khoảng 583,85 tỷ đồng chiếm khoảng 54% ngân sách Hải Phòng đầu tư.

Có thể nói, việc xây dựng NTM kiểu mẫu đã từng bước định hình nên diện mạo mới cho khu vực nông thôn Hải Phòng theo hướng đô thị, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, chỉnh trang, xây dựng cảnh quan nông thôn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng nhà ở dân cư.

Các tuyến đường giao thông được đầu tư phục vụ cộng đồng, tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Việc hoàn thiện các kết cấu hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bước đầu đã đạt được những kết quả khá vững chắc và tương đối toàn diện về nhiều mặt, góp phần giúp địa phương phát huy các lợi thế về sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ.

Về mặt kinh tế, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tại các xã đã góp phần tăng giá trị đất trên địa bàn, giá trị 1m2 đất trên một số tuyến đường giao thông trước và sau đầu tư tại xã Đồng Thái tăng 2 - 3 lần, tại xã Tân Liên tăng 1,5 - 2 lần,….

Xây dựng NTM kiểu mẫu ở xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên.

Xây dựng NTM kiểu mẫu ở xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên.

Việc đầu tư xây dựng đường giao thông NTM kiểu mẫu theo cơ chế nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình, hỗ trợ vật kiến trúc, nhân dân hiến đất để mở rộng đường. Với cơ chế này đầu tư xây dựng NTM kiểu mẫu tại 8 xã ngân sách nhà nước tiết kiệm khoảng 160,438 tỷ (khoảng 12%).

Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng cho hay: “Hiện tại Hải Phòng đã hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM kiểu mẫu tại 8 xã thí điểm giai đoạn 1. Giai đoạn 2021-2025, Trung ương sẽ ban hành tiêu chí và trên cơ sở đó, TP Hải Phòng cũng sẽ có những tiêu chí thể hơn, giải pháp trước mắt là thực hiện tốt các chỉ đạo của Trung ương, các nghị quyết của thành phố về xây dựng NTM kiểu mẫu”.

Toàn TP. Hải Phòng đã hoàn thành tuyến đường từ huyện về xã, đường liên xã (loại đường 9m) tại 8 xã với tổng chiều dài đường giao thông là 26,53km, đã có 25,96km đạt tiêu chí, đạt tỷ lệ 97,95%, 100% các xã đạt tiêu chí.

Đường từ xã về thôn, đường liên thôn (loại đường 7m), có tổng chiều dài đường giao thông tại 08 xã là 23,01km, đã có 22,64km đạt tiêu chí, đạt tỷ lệ 98,39%. 100% các xã đạt tiêu chí.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Chủ nhân của 5 sản phẩm thêu tay OCOP và tâm huyết gìn giữ nghề

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng- Giám đốc Hợp tác xã thêu tay Mỹ Đức quê ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, TP Hà Nội, nơi từng có một thời hoàng kim của nghề thêu.