Mù Cang Chải được nhiều người ví là Sa Pa thứ hai của Tây Bắc, nơi có hai đặc sản nổi tiếng là ruộng và rừng. Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ rằng: Nếu Mù Cang Chải không có những thửa ruộng bậc thang nằm vân vi dưới những cánh rừng quanh năm vấn vít sương mù thì có thành Mù Cang Chải không?
Câu hỏi cũng là câu trả lời, nếu thiếu một trong hai thứ đó thì không thành Mù Cang Chải. Tuy nhiên, để hình thành nên Mù Cang Chải phải có hàng nghìn yếu tố, trong đó con người cùng những phong tục tập quán đã làm nên lịch sử một vùng đất như ngày hôm nay.
Đầu năm nay bí thư xã La Pán Tẩn Trần Minh Phượng đưa tôi lên thăm Homestay của Giàng A Dê sinh năm 1988 ở xã La Pán Tẩn. Ngôi nhà Homestay của Dê nằm cheo leo trên mỏm núi, nên thoắt ẩn thoắt hiện trong mây. Đường lên chỉ đi được một đoạn xe máy còn lại phải đi bộ giữa hai bên là ruộng bậc thang. Dê dựng những cây tre bằng bắp chân làm trụ đèn chôn bên đường chỉ cao hơn mặt đất chừng hai gang tay, những bóng đèn được đặt trong các hốc tre, ban đêm đi trên con đường thật thú vị như đi bên những vì sao.
Homestay của Giàng A Dê có thể nhìn rõ cánh đồng La Pán Tẩn mùa lúa chín như mây vờn sóng cuộn, còn mùa nước đổ những thửa ruộng bậc thang lóng lánh ngàn vạn mảnh gương trời. Do ở vị trí độc đáo như vậy nên khách đến với Homestay gia đình Dê cả bốn mùa. Những năm trước khi chưa phát sinh dịch Covid-19 thì gần như ngày nào khách nước ngoài cũng đến nghỉ. Họ tới thăm ruộng, rừng và tìm hiểu về cuộc sống của người dân nơi đây, thu nhập trung bình mỗi tháng của gia đình Dê khoảng 30 triệu đồng, điều mà người dân La Pán Tẩn từ xưa tới nay chưa bao giờ nghĩ đến.
Bản Thái ở thị trấn Mù Cang Chải có 90 hộ dân, trong đó có 20 hộ làm du lịch cộng đồng, từ giữa tháng 8, khách đã đặt kín phòng nghỉ cho hết mùa lúa chín. Năm nào cũng vậy, cứ vào cuối tháng 9, khi lúa chín vàng trên các sườn núi, huyện Mù Cang Chải tổ chức Lễ hội khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang, hàng ngàn du khách từ khắp nơi ngược núi lên Mù Cang Chải chiêm ngưỡng mùa vàng.
Xã Nậm Khắt giáp với tỉnh Sơn La, khi tuyến đường nối giữa Mù Cang Chải với huyện Mường La đã hoàn thành trong trong mấy năm nay đã kết nối nửa vòng cung Tây Bắc cho khách du lịch từ Sơn La sang Mù Cang Chải thuận tiện hơn. Ông Thào A Vàng đã cùng với bà Nguyễn Thị Minh Huyên xây dựng Ecolodge Mucangchai, với 6 ngôi nhà sàn trên một quả đồi nhìn ra cánh đồng Nậm Khắt. Bà Huyên cho hay: Chúng tôi xây dựng khu Ecolodge Mucangchai năm 2016, đầu năm 2017 mới đón khách. Khách tới đây nghỉ chủ yếu là khách Tây, họ đến đông nhất vào những tháng cuối năm, còn khách Việt thì đến đây nghỉ vào mùa lúa chín. Mấy năm nay thêm mùa hoa cải, nên cũng khá đông khách. Chúng tôi phục vụ luôn việc ăn uống nếu khách có nhu cầu. Những món ăn của chúng tôi đều là những món ăn của đồng bào Mông: Bí đỏ, gà đen, khoai tây chiên giòn, thịt hun khói, cá suối nướng hoặc rán giòn…nên khách rất thích. Nhiều khách Tây lại thích vào nhà dân ăn để tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc nơi đây.
Mỗi tuần Ecolodge Mucangchai trung bình đón vài chục người, trung bình mỗi tháng đón 300 - 400 khách. Vào mùa lễ hội, khách phải đăng ký trước cả tháng mới có chỗ nghỉ.
La Pán Tẩn có hợp tác xã làm du lịch do Giàng Chứ Ly là giám đốc. Trước đây Giàng Chứ Ly làm Chủ tịch xã La Pán Tẩn mới nghỉ hưu mấy năm nay. Còn nhớ năm 2012 đoàn công tác của báo Nông nghiệp Việt Nam lên Mù Cang Chải hỗ trợ gạo cho các cháu trường nội trú, nên Giàng Chứ Ly nhận ra tôi ngay. Ông cho biết Hợp tác xã La Pán Tẩn có 8 hộ thành viên làm du lịch được thành lập tháng 2/2020, các hộ đều xây dựng Homestay gần nhà. Ngôi nhà sàn 5 gian của Giàng Chứ Ly dựng cuối năm ngoái có thể đón 40 khách du lịch. Đầu năm khách nước ngoài đã đăng ký, nhưng do dịch Covitd-19 nên hủy, khách đến nghỉ ở Homestay nhà ông Ly chủ yếu khách Việt Nam trong tháng 9, tính ra khoảng 100 khách thôi.
Ông Ly cho biết, khách đến dồn dập nhất vào những ngày cuối tháng 9 đúng mùa lúa chín, ông phân phối khách cho các hộ làm du lịch để nhà nào cũng có khách. Có đoàn nghỉ 1-2 đêm, họ đi xem ruộng và rừng, thác nước hoặc vào các thôn bản quanh xã tìm hiểu phong tục tập quán và cuộc sống người dân. Nhiều người thích được giã gạo, xem người phụ nữ Mông xe lanh dệt vải, có người lại cùng vợ ông vào bếp làm các món ăn dân tộc. Nhiều đoàn thuê nhà ông làm cơm, những món ăn giản dị của người Mông: Gà đen, cá suối, thịt lợn băm trộn lá cây rừng (pú dù), rau su su của nhà ông cả một giàn to tướng ăn bao nhiêu cũng có.
Hội Nông dân Mù Cang Chải đang lập hồ sơ để công nhận Hợp tác xã La Pán Tẩn đạt chuẩn OCOP. Ông Ly vào trong bếp múc một ca rượu thóc mời bằng được những người đến thăm gia đình ông một chén rượu. Trên núi đầu đông trời se lạnh uống chén rượu thóc thơm lừng thật sướng.
Ông Hảng Xáy Chông là người đầu tiên ở La Pán Tẩn làm Homestay, những năm trước khách đến đông nghịt, vào mùa du lịch không đủ phòng nghỉ, ông vận động nhiều người dân trong xã cùng làm. Homestay nhà ông rất hiện đại nhưng lại vô cùng dân giã, từ những chùm ngô trang trí đến những chụp đèn đang bằng tre nứa, vách nhà bằng trúc ken các ô vuông nên rất gần gũi với thiên nhiên. Ông là thành viên hợp tác xã La Pán Tẩn, mỗi năm ông đều tổ chức cho bà con trong hợp tác xã đi thăm quan các làng du lịch để học tập cách làm du lịch của họ, đặc biệt con dâu ông biết nói tiếng Anh nên khách nước ngoài đến nghỉ rất đông.
Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, hiện Mù Cang Chải có trên 60 cơ sở lưu trú, trong đó có trên 20 Homestay, tập trung ở hai xã Nậm Khắt và La Pán Tẩn. Riêng xã La Pán Tẩn ngoài 8 hộ thành viên Hợp tác xã còn 6 hộ khác cũng làm du lịch.