| Hotline: 0983.970.780

Iran bắt tàu dầu Anh ở Vùng Vịnh

Thứ Bảy 20/07/2019 , 09:05 (GMT+7)

Iran tối 19/7 bắt tàu dầu Stena Impero ở eo biển Hormuz với cáo buộc không tôn trọng các quy tắc hàng hải quốc tế.

Tàu dầu Stena Impero. Ảnh: RFE.

Tàu dầu Stena Impero mang cờ Anh, do Thụy Điển vận hành "bị Vệ binh Cách mạng tịch thu theo yêu cầu của Tổ chức Hàng hải và Cảng Hormozgan khi đi qua eo biển Hormuz, vì không tôn trọng các quy tắc hàng hải quốc tế", Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 19/7 ra thông cáo. Dịch vụ theo dõi tàu dầu Marine Traffic cho thấy Stena Impero lần cuối báo hiệu vị trí của nó là gần đảo Larak lúc 21h ngày 19/7 (23h30 giờ Hà Nội).

Tàu dầu "đã bị dẫn vào bờ và bàn giao cho tổ chức để làm thủ tục pháp lý và chờ điều tra", IRGC cho biết.

Công ty Thụy Điển sở hữu Stena Impero cho biết con tàu đang đi qua eo biển Hormuz và ở "vùng biển quốc tế" khi nó bị "tấn công bởi các xuồng nhỏ không xác định và một máy bay trực thăng".

IRGC sau đó được cho là bắt thêm tàu dầu Mesdar mang cờ Liberia do Anh điều hành ở Vùng Vịnh khi dữ liệu theo dõi tàu cho thấy Mesdar đã tiến về phía bờ biển Iran vào chiều 19/7 và mất liên lạc với công ty vận hành.

Tuy nhiên, chủ sở hữu của tàu là công ty Anh Norbulk Shipping sau đó nói rằng liên lạc đã được thiết lập lại và con tàu được tự do tiếp tục hành trình. Công ty cho biết các lính vũ trang đã lên Mesdar vào khoảng 16h30 GMT ngày 19/7 (23h giờ Hà Nội) nhưng những người này đã rời đi trước 20h00 GMT ngày 19/7 (3h ngày 20/7 giờ Hà Nội). Hãng thông tấn nhà nước Iran cũng bác tin tàu Mesdar bị bắt, nhấn mạnh rằng họ chỉ bắt tàu Stena Impero.

"Chúng tôi sẽ phản ứng theo cách thận trọng nhưng mạnh mẽ. Nếu tình trạng này không được giải quyết nhanh chóng, sẽ có hậu quả nghiêm trọng", Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nói với các phóng viên. Ông cho biết Anh "không cân nhắc các lựa chọn quân sự mà xem xét biện pháp ngoại giao để giải quyết tình hình".

Căng thẳng ở Vùng Vịnh leo thang từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 được ký giữa Iran với 6 cường quốc, đồng thời tăng cường trừng phạt Tehran. Tình hình ngày càng trầm trọng sau các vụ tấn công tàu thương mại trên vịnh Oman hồi tháng 5 và tháng 6, cũng như vụ Iran bắn rơi trinh sát cơ không người lái của Mỹ gần eo biển Hormuz hôm 20/6.

Thủy quân lục chiến Anh hôm 4/7 bắt tàu dầu MT Grace 1 chở hàng cho Iran ở ngoài khơi vùng lãnh thổ hải ngoại Gibraltar với cáo buộc Grace 1 chuyển dầu thô tới nhà máy lọc dầu tại Syria, quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Iran bác cáo buộc này, khẳng định đích đến của tàu là cảng Basra của Iraq.

Iran hôm 14/7 bắt tàu dầu Riah treo cờ Panama ở eo biển Hormuz. Ngày 18/7, Mỹ cho biết một máy bay không người lái Iran tiếp cận tàu đổ bộ USS Boxer ở phạm vi nguy hiểm và tàu chiến Mỹ đã bắn hạ nó để tự vệ. Tuy nhiên, Iran bác thông tin này, nói rằng họ không mất máy bay không người lái nào trên eo biển Hormuz.

Vị trí của eo biển Hormuz. Đồ họa: NYTimes.

(Theo AFP, VnExpress)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Nga phá âm mưu của Ukraine nhằm cướp trực thăng tác chiến điện tử

Quân đội Nga đã ngăn chặn một nỗ lực của tình báo Ukraine nhằm cướp một máy bay trực thăng tác chiến điện tử, một phi công và một nguồn tin an ninh cho biết.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.