| Hotline: 0983.970.780

Iran cần mua 8 triệu tấn lúa mì sau đợt hạn hán tồi tệ

Thứ Năm 14/10/2021 , 08:56 (GMT+7)

Iran cần mua 8 triệu tấn lúa mì trong vụ mùa hiện tại sau khi vụ mùa trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt hạn hán tồi tệ nhất 50 năm qua.

Động thái diễn ra đúng thời điểm giá ngũ cốc toàn cầu đang ở mức tăng cao sẽ tăng thêm áp lực lên tài chính của Iran.

Kaveh Zargaran, Chủ tịch Hiệp hội Cung cấp Ngũ cốc Iran, một cơ quan thương mại với các thành viên tham gia nhập khẩu ngũ cốc, nói với Reuters rằng nước này sẽ cần nhập khẩu khoảng 8 triệu tấn lúa mì trong giai đoạn từ tháng 3/2021 đến tháng 3/2022. Ông cho biết khoảng 2 triệu tấn đã được bốc dỡ tại các cảng của nước này.

Bánh mì là mặt hàng chủ lực ở quốc gia rộng thứ nhì tại Trung Đông và bất kỳ sự thiếu hụt nào sẽ giáng một đòn khác lên chính phủ sau các cuộc biểu tình bạo lực vào tháng 7, khi người dân xuống đường vì thiếu nước.

Nền kinh tế của Iran đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt cũng như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến quốc gia này gặp khó khăn trong việc chi trả cho thực phẩm và thuốc men.

Giá cước vận chuyển cao hơn đang bổ sung thêm những thách thức mà chính quyền mới của Tổng thống Ebrahim Raisi, người cũng đang chịu các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, phải đối mặt.

Các nguồn tin trong ngành nông nghiệp Iran cho biết, sự gia tăng lớn trong nhập khẩu lúa mì, từ mức trung bình hàng năm khoảng một triệu tấn trong năm năm qua, nhằm mục đích đảm bảo nguồn cung bánh mì. Trước đó, đã có dự báo vụ lúa mì của Iran sẽ có sản lượng thu hoạch thấp hơn khoảng 30% trong năm nay.

Vụ canh tác năm 2021, Iran phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 50 năm, khiến các công ty giao dịch thương mại quốc tế buộc phải kỳ vọng vào lúa mì nhập khẩu.

Ferial Mostofi, Chủ tịch Trung tâm Đầu tư và Dịch vụ Tư vấn tại Phòng Thương mại Iran, cho biết riêng về thu hoạch lúa mì tổng thể của quốc gia này ước tính vào khoảng từ 10-11 triệu tấn, thấp hơn mức trung bình hàng năm là 15 triệu tấn.

“Mức độ gia tăng quá lớn trong nhập khẩu lúa mì này sẽ tác động và hạn chế nghiêm trọng khả năng nhập khẩu các hàng hóa nông sản khác mà Iran nhập khẩu trong năm trước, bao gồm cả đậu nành hoặc ngô”, ông Mostofi thông tin.

Các bình luận từ những người kinh doanh thương mại Iran cho thấy tình hình nghiêm trọng hơn so với dự báo từ các cơ quan như Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) về mùa vụ hiện tại của Iran.

USDA hiện dự báo Iran sẽ nhập khẩu 2,5 triệu tấn lúa mì trong niên vụ 2021/22 trong khi IGC ước tính nhập khẩu tổng cộng 2,4 triệu tấn.

Các quan chức chính phủ Iran không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.

Hồi tháng 7, Mohammad Javad Asgari, Phó Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp Quốc hội Iran, cho biết nước này đang gặp phải tình trạng thiếu lúa mì trong năm nay và sẽ yêu cầu nhập khẩu một lượng lớn các loại cây trồng khác như ngô, đậu nành và lúa mạch.

Asgari, được hãng thông tấn bán chính thức Mehr của Iran trích dẫn, nói rằng Iran sẽ cần nhập khẩu từ 5-7 triệu tấn lúa mì.

Iran đang mua lúa mì vào thời điểm không tốt khi giá lúa mì toàn cầu vào tháng 8 chạm mức cao nhất kể từ năm 2013.

Giá cao phản ánh những lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu, một phần được thúc đẩy bởi khó khăn kinh tế do Covid-19 gây ra.

Hội đồng ngũ cốc quốc tế dự báo thu hoạch toàn cầu sụt giảm trong niên vụ 2021/22 hiện tại (tháng 7/2021 tới tháng 6/2022) sẽ dẫn đến tiêu thụ lúa mì thế giới lớn hơn mức sản lượng thu hoạch được, khiến lượng dự trữ ít hơn vào cuối năm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Iran Javad Sadatinejad nói với truyền thông nhà nước: “Không có lý do gì để lo ngại về việc cung cấp lúa mì khi đó được coi là hàng hóa cơ bản. Việc cung cấp hàng hóa cơ bản là vấn đề thiết yếu đối với chính phủ và chính phủ đã bắt đầu thực hiện các biện pháp mạnh mẽ trong chuyện này".

Nguồn cung từ Nga

Các nguồn tin thương mại cho biết trong những tuần gần đây, Iran đã mua tới 240.000 tấn lúa mì từ Nga.

Hoa Kỳ đã nhiều lần nói rằng các lô hàng thực phẩm và thuốc men đã được miễn các lệnh trừng phạt. Nhưng sự thận trọng của các ngân hàng quốc tế khiến việc nhận tài trợ thương mại của Iran từ phương Tây trở nên khó khăn.

Một nguồn tin tài chính Iran cho biết: “Mặc dù Hoa Kỳ nói rằng nhập khẩu hàng hóa nhân đạo là không có vấn đề, nhưng tình trạng thiếu hụt ngoại hối đang gây ảnh hưởng. Chúng tôi đang phải chịu rất nhiều áp lực".

Hãng thông tấn Interfax đưa tin ngày 10/9 dẫn lời Đại sứ Iran tại Nga Kazem Jalali, Iran có kế hoạch tăng mua lúa mì từ Nga, được vận chuyển bằng sử dụng một đội tàu nhỏ hoạt động ở Biển Caspi.

Xuất khẩu lúa mì của Nga sang Iran đạt 2,4 triệu tấn trong giai đoạn 1/7 đến 27/9, công ty tư vấn nông nghiệp Prozerno cho biết trong một lưu ý gần đây.

Prozerno cho biết thêm, số lượng này vượt quá nguồn cung lúa mì của Nga cho Iran trong toàn bộ niên vụ 2020/21, khi 1,4 triệu tấn đã được xuất khẩu.

(Theo Reuters)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.