“Những nhà xuất khẩu đang tránh giao dịch với Iran vì các khoản thanh toán đang bị trì hoãn trong nhiều tháng”, một đại lý có trụ sở tại Mumbai hoạt động kinh doanh toàn cầu cho biết.
Dự trữ đồng rupee của Iran tại Ngân hàng UCO và IDBI của Ấn Độ, hai tổ chức cho vay được ủy quyền để tạo thuận lợi cho thương mại đồng rupee, đã cạn kiệt đáng kể và các nhà xuất khẩu không chắc liệu họ có được thanh toán đúng hạn cho các lô hàng mới hay không, đại lý cho biết.
Theo lệnh trừng phạt của Mỹ, Tehran không thể sử dụng đô la Mỹ để giao dịch mua bán dầu.
Iran trước đây đã có một thỏa thuận bán dầu cho Ấn Độ để đổi lấy đồng rupee, vốn được sử dụng để nhập khẩu các mặt hàng quan trọng, bao gồm cả các mặt hàng nông nghiệp, nhưng New Delhi đã ngừng mua dầu của Tehran vào tháng 5/2019 sau khi lệnh miễn trừ trừng phạt của Mỹ hết hạn.
Các nguồn tin giấu tên cho biết Tehran tiếp tục sử dụng đồng rupee của mình để mua hàng hóa từ Ấn Độ, nhưng sau 22 tháng không được bán dầu thô, dự trữ đồng rupee của Iran đã giảm.
Dự trữ của Iran đã giảm đáng kể và "có thể sẽ sớm kết thúc vì ngừng hoạt động giao dịch dầu", một quan chức cấp cao của Ngân hàng IDBI cho biết.
Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran chủ yếu mua gạo basmati, chè, đường, bột đậu nành và thuốc từ Ấn Độ.
“Các nhà xuất khẩu gạo lo ngại về cơ chế thanh toán hiện tại”, Vijay Setia, một nhà xuất khẩu gạo và cựu Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ (AIREA) cho biết.
“Có quá nhiều sự chậm trễ trong việc thanh toán từ các lô hàng năm ngoái. Các nhà xuất khẩu chỉ nhận được khoản thanh toán sáu tháng sau khi giao hàng”, Setia nói. "Trong quý đầu tiên của năm 2020, Iran nhập khẩu gần 700.000 tấn gạo basmati từ Ấn Độ, nhưng trong cùng kỳ năm nay các lô hàng sẽ “không đáng kể”.
Năm ngoái, Iran là khách hàng mua đường và gạo basmati lớn nhất của Ấn Độ. Các thương nhân ước tính Iran đáp ứng hơn 1/3 nhu cầu đường và gạo thông qua nhập khẩu.
Bộ Thương mại Iran và Ngân hàng Trung ương Iran từ chối bình luận về vấn đề này.
Các khoản thanh toán bị xử phạt
Một quan chức cấp cao của Iran cho biết: “Chúng tôi đang đàm phán với chính phủ Ấn Độ và các thương nhân Ấn Độ để giải quyết các vấn đề thanh toán này và tôi tin rằng nó sẽ sớm được giải quyết”.
“Sự chậm trễ trong việc thanh toán là do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hệ thống tài chính của Iran khiến việc thanh toán trở nên rất khó khăn", ông này nói.
Rahil Shaikh, Giám đốc điều hành của MEIR Commodities India, phân tích: "Khi dự trữ đồng rupee đã cạn kiệt và giao dịch bằng đồng đô la không được phép, các nhà xuất khẩu đường đang tìm kiếm các lựa chọn để tiến hành giao dịch bằng đồng euro".
"Các nhà xuất khẩu đường đang tập trung vào các điểm đến khác như Indonesia và Sri Lanka, vì Iran không có khả năng mua số lượng lớn trong năm nay", Giám đốc Shaikh nhấn mạnh.
Một quan chức thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho biết xuất khẩu tổng thể của Ấn Độ sang Tehran đã giảm 42% vào năm 2020 so với một năm trước, xuống còn 2,2 tỷ USD, mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ.
Sự sụt giảm tiếp tục diễn ra vào năm 2021 và vào tháng Giêng năm nay, xuất khẩu giảm hơn một nửa so với một năm trước xuống còn 100,2 triệu USD, quan chức này cho biết.
Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Các nhà kinh doanh và xuất khẩu hy vọng tân Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể thay đổi các lệnh trừng phạt do người tiền nhiệm Donald Trump áp đặt lên quốc gia giàu dầu mỏ này.
“Xuất khẩu sẽ tăng trở lại ngay cả khi chính quyền Biden đưa ra một vài nhượng bộ đối với Iran như cho phép giao dịch dầu bằng đồng rupee”, một đại lý có trụ sở tại Mumbai hoạt động giao dịch thương mại toàn cầu cho biết.