Trong một tuyên bố được đăng trên X, Ngoại trưởng Israel Gideon Saar đã chỉ trích UNHRC chủ đích nhắm mục tiêu vào Israel một cách không công bằng trong khi không trừng phạt những vi phạm nhân quyền ở các quốc gia khác.
Ông lưu ý, Israel là quốc gia duy nhất có một chương trình nghị sự thường trực trong hội đồng và đã phải đối mặt với hơn 100 nghị quyết lên án, hơn 20% tổng số nghị quyết được thông qua, vượt qua các nghị quyết nhắm vào Iran, Cuba, Triều Tiên và Venezuela cộng lại.
Hội đồng "bị ám ảnh với việc thiết lập một nền dân chủ duy nhất ở Trung Đông", ông Saar viết, nói thêm rằng "Israel sẽ không chấp nhận sự phân biệt đối xử này nữa!"
Thông báo của Israel được đưa ra sau khi Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc hôm 4/2. Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi cơ quan này trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào năm 2018. Thông báo về động thái, Tổng thống Mỹ cũng cam kết đánh giá lại mối quan hệ của Washington với các cơ quan khác của Liên hợp quốc về lập trường của họ đối với Israel và thành kiến với Mỹ.
"3 tổ chức Liên hợp quốc cần được xem xét kỹ lưỡng là UNHRC; Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO); và Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA)", sắc lệnh hành pháp viết.
"UNRWA được cho là đã bị thâm nhập bởi các thành viên của các nhóm từ lâu được Ngoại trưởng chỉ định là các tổ chức khủng bố nước ngoài", sắc lệnh tiếp tục, đề cập đến sự tham gia của một số nhân viên cơ quan bị cáo buộc tham gia cuộc tấn công vào miền nam Israel vào ngày 7/10/2023 do phong trào Hồi giao Hamas phát động. Các nhân viên này đã bị Liên hợp quốc sa thải sau một cuộc điều tra nội bộ vào giữa năm 2024.
UNHRC đã "bảo vệ những kẻ vi phạm nhân quyền", UNESCO đã thất bại trong việc "tự cải cách" và liên tục thể hiện "tinh thần chống Israel trong thập kỷ qua", sắc lệnh hành pháp nêu rõ.
Hành động nhắm vào các cơ quan của Liên hợp quốc được đưa ra sau khi ông Trump hứa sẽ "tiếp quản" và "kiểm soát" Dải Gaza và biến nó thành "Riviera của Trung Đông". Tổng thống Mỹ đưa ra phát biểu trên trong một cuộc họp báo hôm 4/2 tại Nhà Trắng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm ông Trump trong nhiệm kỳ mới của ông.
Tổng thống Mỹ cũng nhắc lại lập trường của mình, rằng người Palestine sống ở Gaza nên được tái định cư ở nơi khác và toàn bộ khu vực đã bị phá hủy; đồng thời tuyên bố, cuộc xung đột vừa qua khiến nơi này không thể tái thiết.
Tuyên bố của ông Trump đã bị các nhà lãnh đạo toàn cầu lên án nhưng lại nhận được sự ủng hộ nhiệt thành ở Israel.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, hơn 90% ngôi nhà ở Gaza đã bị phá hủy hoặc bị hư hại nặng nề trong cuộc xung đột giữa Hamas và Israel, dẫn đến việc khoảng 1,9 triệu người mất nhà cửa, chiếm phần lớn dân số khu vực này.