| Hotline: 0983.970.780

Kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp

Thứ Hai 25/11/2019 , 08:54 (GMT+7)

Chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Điều này hết sức quan trọng đối với việc đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp đặc thù tại vùng trung du, miền núi phía Bắc. Vai trò kết nối và tổ chức sản xuất là vô cùng cần thiết...

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh phát biểu tại diễn đàn.

Đó là phát biểu của Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh tại diễn đàn là “Kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp vùng trung du miền núi phía Bắc” được tổ chức cuối tuần qua tại Bắc Kạn.

"Diễn đàn nhằm nâng cao vai trò của hệ thống khuyến nông trong việc kết nối đưa sản phẩm ra thị trường, thông tin đầy đủ về thị trường, kết nối công nghệ với người dân và kết nối các điều kiện sản xuất với thị trường nhằm hướng tới nền sản xuất an toàn, đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững", ông Thanh chia sẻ.

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Nhờ đó, đã hình thành vùng sản xuất tập trung các cây trồng đặc sản, gồm 3.287ha cam, quýt; 738ha hồng không hạt; 2.113ha chè và các loại cây thế mạnh khác như dong riềng, thuốc lá, gạo Bao thai, Khẩu nua lếch…

Sản phẩm nông nghiệp của Bắc Kạn đang được quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với một số hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ thực phẩm an toàn ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tỉnh vùng cao này xác định tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và phát triển ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa chia sẻ: Bắc Kạn xác định mục tiêu phát triển bền vững lấy nông, lâm nghiệp làm trọng tâm, trên cơ sở đó xây dựng các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch và giải pháp cụ thể, tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Kết hợp các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn mới, đặc biệt là thực hiện gắn kết chương trình OCOP và coi đây là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp. Thông qua diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, tỉnh Bắc Kạn mong muốn sẽ có các hợp đồng kinh tế được ký kết để đưa các sản phẩm nông nghiệp tiếp cận được thị trường lớn.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã đến tham quan HTX Nông nghiệp Tân Thành, xã Nông Thượng, TP. Bắc Kạn. Đơn vị thành công với mô hình sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm sạch, được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn từ trồng đến chế biến. Sản phẩm nghệ Cucurmin của đơn vị này đã có mặt tại hết khắp thị trường trong nước và đang vươn ra thị trường nước ngoài. Đây được xem là mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tập thể, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Ông Nông Ngọc Huấn, Phó Chánh văn phòng điều phối xây dựng NTM và giảm nghèo Bắc Kạn cho biết, tỉnh đang đẩy mạnh hỗ trợ thành lập HTX, hỗ trợ định hướng sản xuất, hỗ trợ nông cao giá trị các sản phẩm, khuyến khích HTX đưa các sản phẩm theo tiêu chí OCOP...

Ông Trần Văn Chương, Giám đốc Chương trình Sinh kế cộng đồng, Tập đoàn CENTRAL RETAIL Việt Nam cho rằng, cần xác định xu hướng, nhu cầu thị trường của nông sản và định hướng liên kết tiêu thụ, xây dựng thương hiệu để đưa nông sản đảm bảo tiêu chuẩn vào hệ thống siêu thị...

Tại diễn đàn, có rất nhiều ý kiến, tham luận đã nêu lên thực trạng còn tồn tại trong tổ chức sản xuất, đồng thời đưa ra những giải pháp phát triển theo chuỗi liên kết, đầu ra cho nông sản tại các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hòa Bình và Bắc Kạn. Các đại biểu cũng đưa ra những giải pháp triển khai hiệu quả Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”... Ban chủ tọa đã giải đáp thắc mắc liên quan đến chính sách, các điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất, hướng phát triển thị trường cho nông sản địa phương.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.