Vụ đông xuân là vụ lúa chính trong năm và thường đạt năng suất, lợi nhuận cao. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, vụ lúa này tại vùng Gò Công của tỉnh Tiền Giang mở đồng với năng suất giảm so với cùng kỳ.
Vụ lúa đông xuân năm nay bị ảnh hưởng bất lợi của thời tiết như không khí lạnh, nhiều cơn mưa trái mùa đã làm cho cây lúa bị sâu bệnh, chi phí tăng hơn 20 triệu đồng/ha. Trong khi đó, tỷ lệ lúa chắc hạt giảm, dẫn đến năng suất giảm sâu.
Vụ lúa đông xuân các năm trước năng suất lúa đạt trên 8 tấn/ha nhưng trà lúa đông xuân sớm này chỉ dao động hơn 5 tấn/ha. Bên cạnh đó, giá lúa hiện nay cũng ở mức khá thấp so với vụ đông xuân năm trước. Giá lúa Đài Thơm 8 là 7.000 đồng/kg, Nàng Hoa 9 là 7.100 đồng/kg; giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Nguyệt, một thương lái chuyên thu mua lúa tại khu vực Gò Công cho biết, bình thường năng suất lúa đông xuân đạt hơn 6 tấn/ha, tuy nhiên thời điểm này nhiều ruộng thu hoạch sớm, năng suất trung bình chỉ khoảng trên 5 tấn/ha.
“Vụ lúa đông xuân này lợi nhuận thấp hơn vụ trước. Giá sụt giảm, gạo thóc ế ẩm, giá lao dốc. Mình mua lúa để xay gạo ra bán cho Long An, TP.HCM. Lúa bị nước ngập nữa nên những người đi phóng lúa (gặt lúa) cực khổ lắm”, bà Nguyệt nói.
Do giá lúa giảm nên đối với những ruộng đạt năng suất khá, nhà nông có lãi gần 20 triệu đồng/ha, ruộng lúa năng suất trung bình chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ.
Ông Đặng Quốc Cường (ở ấp Dương Phú, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông) có gần 2ha lúa chuẩn bị thu hoạch cũng khá lo lắng. “Giá lúa Đài Thơm 8 tôi làm nghe lái nói ở chỗ xe không tới là 6.800 đồng/kg, mấy đường lớn giá 7.000 đồng/kg, vụ rồi trên 9.000 đồng/kg, vụ lúa này lỗ khá nhiều”, ông Cường tâm tư.
Trà lúa đông xuân sớm tại huyện Gò Công Đông, không chỉ giảm về năng suất và giá cả mà việc thu hoạch của nông dân ở một số địa bàn trũng gặp khó khăn. Nguyên nhân là do mực nước kênh nội đồng được cấp bổ liên tục tăng cao dẫn đến nước tràn vào ruộng. Máy gặt đập thu hoạch lúa hoạt động khó khăn, gây thất thoát.
Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang cho biết, nguồn nước phía hạ nguồn ở mức cao do cống Xuân Hòa tăng cường khâu lấy nước ngọt để ứng phó với hạn mặn. Các khu vực trũng bị ngập úng cục bộ là điều bất khả kháng.
“Ở vùng thấp có hệ thống đê bao, thủy lợi nhưng chưa hoàn chỉnh. Trong quá trình quản lý suốt thời gian dài, mực nước trong đồng và kênh ngang nhau. Đến khi lúa chín, mực nước còn cao nên người dân bơm ra không nổi. Kế hoạch trữ nước của địa phương năm nay đạt yêu cầu rồi. Hiện nay, phía ngoài cống Xuân Hòa đang mặn nên không xả ra được. Một số khu vực cục bộ có cống nhỏ, công ty đang xả ra để giải quyết ô nhiễm”, ông Sơn lý giải.
Nỗi vất vả, nhọc nhằn của người trồng lúa vùng này cần được các ngành chức năng, đơn vị khai thác các công trình thủy lợi quan tâm.