Chuyện ở Cà Mau
Ngày 21/11 tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ. Tại hội nghị, Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết: Với những lợi thế lớn để sản xuất hữu cơ, kể từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ.
Ông Nguyễn Văn Quân, PGĐ Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, tỉnh có lợi thế để phát triển 2 sản phẩm hữu cơ chủ lực là lúa và tôm. Cụ thể, mô hình tôm – lúa ở Cà Mau hiện có diện tích khoảng 40 nghìn ha. Trên diện tích này, người dân ít sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí là không sử dụng. Cà Mau có trên 80 nghìn ha rừng ngập mặn, phù hợp để phát triển nuôi tôm sinh thái.
Với những lợi thế như vậy, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh Cà Mau ban hành kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Đến nay, Cà Mau đã thực hiện sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế được 795ha theo chuỗi giá trị (256ha theo tiêu chuẩn Việt Nam và 539ha theo tiêu chuẩn quốc tế) cùng khoảng 20 nghìn ha tôm đạt chứng nhận hữu cơ (chủ yếu là các chứng nhận quốc tế).
Sản xuất lúa hữu cơ trên đất tôm - lúa hiện đang mang lại hiệu quả cao hơn cho nông dân Cà Mau so với sản xuất lúa truyền thống. Bởi lẽ trong bối cảnh giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao trong 2 năm qua thì giá thành sản xuất lúa hữu cơ thấp hơn lúa thường, và giá lúa hữu cơ luôn được thương lái thu mua cao hơn lúa thường cùng loại từ 1.500 - 2.000 đồng/kg.
Sản xuất lúa hữu cơ trên đất tôm – lúa giúp cho tôm hạn chế được dịch bệnh, nâng cao năng suất nhờ môi trường nuôi tốt hơn sau mỗi vụ lúa hữu cơ. Tôm đạt tiêu chuẩn hữu cơ cũng giúp nông dân có lợi nhuận tốt vì giá bán luôn cao hơn 10% so với tôm nuôi bình thường.
13 nhóm sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ
Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, sau 3 năm thực hiện Nghị định 109, đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn được hoàn thiện và bổ sung đầy đủ. Trong đó, có 23 địa phương đã xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn riêng về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo Nghị định 109 và Đề án 885.
Có hơn 90% các địa phương trên cả nước quan tâm và chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích sản xuất hữu cơ. Cụ thể, 17 địa phương đã tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ riêng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, 22 địa phương thực hiện hỗ trợ lồng ghép với các chính sách chung về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn.
Nhờ vậy, số lượng các mô hình sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình canh tác hữu cơ tại các địa phương ngày càng nhiều. Đã có 13 nhóm sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ gồm: Lúa gạo (2.300ha), rau củ (900ha), trái cây (14.000ha), chè (gần 8.000ha), cà phê (42ha), hạt điều (gần 4.000ha), lợn (hơn 3.000 con/năm), bò sữa (100 con/năm), gà (hơn 7.000 con/năm), tôm, hồi (hơn 500ha) và quế (10.000ha).
7 nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, để triển khai thực hiệt tốt Nghị định 109 về nông nghiệp hữu cơ, trước mắt, ngành nông nghiệp và các địa phương cần tập trung vào 7 vấn đề:
Trước hết, tập trung triển khai các lớp tập huấn nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ. Bởi diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã có ở các tỉnh và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã được bán ở nhiều nơi, cần phải tăng cường công tác quản lý sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm hữu cơ.
Thứ hai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phải xây dựng ngay một chương trình nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là đối với các HTX, nông dân và triển khai các mô hình điểm về nông nghiệp hữu cơ. Chương trình cần kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp để có thể triển khai rộng khắp và có hiệu quả.
Thứ ba là Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổ chức tập huấn cho các tổ chức chứng nhận hữu cơ về công tác quản lý nhà nước.
Thứ tư, Tổng cục Thủy sản sớm tham mưu tiêu chuẩn hữu cơ trong nuôi trồng thủy sản. Thứ năm, Cục Trồng trọt chủ trì xây dựng tiêu chuẩn hữu cơ cho mô hình tôm – lúa.
Thứ sáu, các cơ quan liên quan thuộc Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học – Công nghệ xây dựng một chương trình khoa học quốc gia phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Cuối cùng là Vụ Khoa học – Công nghệ bố trí một nhiệm vụ khoa học năm 2023, khảo sát thực trạng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trên cơ sở đó đề xuất một cơ chế chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ, từ đó bổ sung một số cơ chế, chính sách trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.