Lấy lợi ích người dân làm mục tiêu
Xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp là mục tiêu quan trọng trong quá trình xây dựng NTM. Ngay từ những tháng đầu năm 2014, Đảng bộ, chính quyền huyện Châu Thành, cùng với các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và các xã, thị trấn đã tổ chức họp bàn, tìm phương án, vạch ra hướng đi đúng cho ngành nông nghiệp địa phương phát triển. Đó là tiền đề, là cơ sở để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, thông tin: “Tháng 5/2014, huyện Châu Thành triển khai, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trước đây, địa phương có 555ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy Châu Thành, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã thống nhất chuyển số diện tích đất này sang trồng cây ăn trái. Đến nay, huyện Châu Thành chỉ còn lại khoảng 20 ha đất trồng lúa”.
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành |
Theo ông Thiết, số diện tích đất trồng lúa nói trên được địa phương vận động người dân chuyển sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bưởi da xanh, nhãn, chôm chôm, ca cao…Nhờ có hướng đi đúng đắn, đến nay, đời sống, thu nhập của người dân được nâng lên. Thậm chí, dưới tán cây, người dân tận dụng đất trống, trồng thêm rau màu để tăng thu nhập.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, người trồng sầu riêng xã Tân Phú, huyện Châu Thành, cho biết: “Trước đây, trồng lúa kém hiệu quả lắm, làm lụng vất vả quanh năm cũng chỉ đủ ăn, chứ không dư dả gì. Từ khi nhà nước có chủ trương chuyển dịch từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái, gia đình tôi lên liếp, trồng sầu riêng. Đến nay, đời sống gia đình rất ổn định, những vụ thu hoạch sầu riêng đều có dư để tích lũy”.
Theo ông Hùng, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp hội thảo, tập huấn để hỗ trợ kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật cho người dân ứng dụng vào SX. “Tôi nhận thấy, chính quyền huyện Châu Thành rất quan tâm đến đời sống người dân. Nếu không chuyển dịch từ trồng lúa, sang trồng cây ăn trái thì bây giờ, đời sống của người dân vẫn chưa khởi sắc”, ông Hùng nói.
Đến nay, đời sống vật chất, lẫn tinh thần của người dân huyện Châu Thành được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 34 triệu đồng/người/năm. Phấn đấu đến cuối năm 2020, nâng mức thu nhập lên trên 40 triệu đồng/người/năm.
SX trái cây theo chuỗi liên kết
Toàn huyện Châu Thành hiện có trên 1.720ha diện tích đất trồng chôm chôm, bưởi da xanh, ca cao…theo hướng an toàn. Phấn đấu đến năm 2020, địa phương này nâng mức diện tích đất trồng cây trái theo hướng an toàn lên 3.020ha.
Sầu riêng được xem là sản phẩm chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao của người dân huyện Châu Thành |
“Hiện chúng tôi triển khai, thực hiện SX cây trái theo mô hình có sự liên kết của 4 nhà, mô hình này mang lại lợi ích đáng kể cho người dân. Hiện nay, huyện Châu Thành có 5 THT, HTX SX gắn với Cty về đầu vào, đầu ra như, THT bưởi da xanh Phú Thành; THT Bưởi da xanh Hiệp Lợi; THT bưởi da xanh Thành Phước; THT đinh lăng Tân Phú và HTX bưởi da xanh VietGap Giao Long”, ông Thiết thông tin. Những THT, HTX nói trên đều hỗ trợ rất nhiều cho nông dân từ khâu đầu vào và bao tiêu đầu ra khi trái cây tới vụ mùa thu hoạch. Nhờ đó, đời sống của các thành viên THT, HTX rất ổn định bởi không phải lo sợ không có thương lái thu mua.
Bên cạnh đó, địa phương này còn có 3 THT SX gắn với tiêu thụ sản phẩm đầu ra như, THT bưởi da xanh Phước Hậu; THT bưởi da xanh Trường Đa, THT bưởi da xanh Phước Tự và 38 CLB ca cao được liên kết SX theo chứng nhận UTZ gắn với tiêu thụ.
Bà Lý Thị Hai 54 tuổi, thành viên THT bưởi da xanh Hiệp Lợi, ngụ xã An Hiệp, phấn khởi: “Nhờ tham gia THT SX bưởi da xanh theo chuỗi liên kết từ khâu đầu vào, đến khâu tiêu thụ, nên giá cả sản phẩm khi thu hoạch rất ổn định. Không bị thương lái ép giá, khi cần thì được hỗ trợ khoa học, kỹ thuật và kinh nghiệm về SX, nên gia đình tôi rất vui mừng khi tham gia vào SX bưởi theo hình thức THT”.
Được biết, năm 2018, huyện Châu Thành còn được Dự án VISON của Hàn Quốc hỗ trợ 100% cây giống (40 cây bưởi da xanh, 10 cây dừa dứa) cho gần 300 hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương có điều kiện để phát triển SX. Đáng mừng, địa phương này còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre đầu tư thâm canh 7ha trồng bưởi da xanh theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Giao Long.
Ông Thiết, cho biết: “Trước những thách thức về biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tăng cao trong những năm gần đây, nên địa phương đã triển khai thí điểm mô hình trồng bưởi da xanh theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu hiệu quả, địa phương sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn triển khai, nhân rộng mô hình này”.
Người dân huyện Châu Thành có thu nhập ổn định từ trồng dừa |
Theo ông Thiết, từ nguồn kinh phí của Dự án AMD, địa phương còn thực hiện mô hình trình diễn sử dụng phân hữu cơ trên cây chôm chôm, sầu riêng với diện tích hơn 12ha. “Chúng tôi sẽ tăng cường bám sát chủ trương theo tinh thần Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng 2025. Đồng thời, sẽ phấn đấu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm SX một cách có lợi nhất cho người dân. Dự kiến cuối năm 2018, huyện sẽ hoàn tất chứng nhận mô hình SX bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGap với diện tích hơn 49 ha”, ông Thiết nói.