Phát biểu tại diễn đàn Lương thực Thế giới năm nay, vừa kết thúc tại thủ đô Rome (Italy), Tổng giám đốc tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) Khuất Đông Ngọc một lần nữa kêu gọi các bên liên quan cùng chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng phân bón hiện nay.
Sự kiện mang tên “Đánh giá toàn cầu và giải pháp cho cuộc khủng hoảng phân bón” nhằm đánh giá tình hình thị trường phân bón hiện nay, và các giải pháp dựa trên khoa học tiềm năng có thể giúp đối phó với tình huống nguy cấp này. Theo ông Khuất Đông Ngọc, tính minh bạch của thị trường phân bón là rất quan trọng vì nó tăng cường khả năng tiếp cận loại vật tư đầu vào thiết yếu này đối với nông dân. Đặc biệt là trong bối cảnh chuỗi cung ứng phân bón bị gián đoạn và giá cả tăng cao gây nguy hiểm cho khả năng trồng trọt của nông dân và đẩy nhiều người đến bờ vực đói nghèo hơn,
Để đảm bảo dòng chảy thương mại phân bón diễn ra thuận lợi, người đứng đầu FAO nhấn mạnh cần tăng cường ý chí chính trị, tinh thần đoàn kết và sự hợp tác giữa các thành viên. Ông Khuất cũng cảnh báo những tác động tiêu cực đến môi trường do sử dụng sai cách hoặc lạm dụng phân bón, đồng thời khuyến khích các quốc gia đầu tư vào dữ liệu lớn và bản đồ dinh dưỡng đất, giám sát và nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón.
Giá phân bón thế giới đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2022, trong khi giá năng lượng và khí đốt tự nhiên vẫn đứng ở mức cao và biến động. Do đó, nông dân phải đối mặt với chi phí đầu vào sản xuất tăng và khả năng chi trả giảm, - điều này đang ảnh hưởng đến hoạt động canh tác của họ.
Diễn đàn Lương thực Thế giới năm nay diễn ra từ ngày 17 đến ngày 21 tháng 10 do chuyên gia kinh tế trưởng của FAO Maximo Torero điều hành, với nhiều quan chức như Phó Tổng giám đốc Hiệp hội Phân bón Quốc tế, Areli Ceron Trejo; Tổng Giám đốc Hiệp hội đất và nguồn nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Mexico, Upendra Singh; Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển Phân bón Quốc tế (IFDC) Monica Andres và lãnh đạo nhiều tập đoàn sản xuất phân bón lớn quốc tế…
Các tham luận của nhiều diễn giả đã chỉ ra những nguyên nhân chính khiến giá phân bón thế giới tăng vọt, bao gồm giá năng lượng cao, hạn chế thương mại, trợ cấp nhập khẩu, chi phí vận chuyển cao, nạn đầu cơ, và khả năng chi trả giảm…
Ngoài ra, các chuyên gia còn đề cập đến việc làm thế nào để đạt được sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất nhiều lương thực hơn để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu và tối ưu hóa việc sử dụng phân bón. Đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo rằng những nông dân sản xuất nhỏ, đặc biệt là ở các nước kém phát triển cần phải được tiếp cận với các loại phân bón phù hợp.
Các chủ đề chính khác được trình bày tại các hội thảo xung quanh diễn đàn WFF năm nay, bao gồm cắt giảm lượng khí thải carbon do sử dụng sai hoặc lạm dụng phân bón, thúc đẩy các nguồn thay thế như phân bón sinh học, phân trộn, chất kích thích sinh học và chu kỳ dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe của đất, đầu tư vào nghiên cứu phân bón, tận dụng kỹ thuật số lập bản đồ dinh dưỡng đất và chuyển giao đến nông dân. Diễn đàn WFF năm nay cũng nêu bật vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới trong việc chuyển đổi hệ thống nông sản hiệu quả, toàn diện, linh hoạt và bền vững.
Các nhà khoa học tại diễn đàn cũng nhấn mạnh rằng, khả năng lưu giữ, chuyển đổi và tái chế chất dinh dưỡng đặc biệt của đất là điều cần thiết để tạo ra nguồn thực phẩm lành mạnh và bảo tồn đa dạng sinh học. Cụ thể là trong số 18 chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng, có 15 chất được cung cấp bởi đất khi nguồn tài nguyên vô giá này khỏe mạnh.
Trong bối cảnh khuyến khích nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường, việc đưa ra một bộ quy tắc quốc tế về sử dụng bền vững và quản lý phân bón của FAO được coi là một phương pháp tiếp cận xuyên suốt để giải quyết vấn đề. Hiện các chuyên gia của FAO đang bắt tay vào việc lập bản đồ ngân sách dinh dưỡng về độ phì của đất ở từng quốc gia để có thể hướng dẫn nông dân xác định các chiến lược tốt nhất để tăng hiệu quả sản xuất, cắt giảm việc sử dụng phân bón không cần thiết và tiết giảm chi phí đầu vào.