| Hotline: 0983.970.780

Tranh cãi đề xuất áp thuế phát thải chăn nuôi đầu tiên thế giới

Thứ Tư 12/10/2022 , 10:02 (GMT+7)

New Zealand dự kiến sẽ là quốc gia tiên phong đánh thuế động vật trang trại gây ô nhiễm nhằm chống lại biến đổi khí hậu, tuy nhiên tranh cãi đã nổ ra…

Số lượng đàn gia súc đang gia tăng gây áp lực ngày càng lớn đối với quốc đảo nhỏ bé New Zealand. Ảnh: Getty

Số lượng đàn gia súc đang gia tăng gây áp lực ngày càng lớn đối với quốc đảo nhỏ bé New Zealand. Ảnh: Getty

Dự kiến, New Zealand sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng sắc thuế đối với động vật trang trại ợ hơi và chất thải và sẽ lấy chính nguồn tiền đó để quay lại hỗ trợ nông dân chuyển đổi công nghệ, nhằm thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính và trở thành nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2050.

Theo đề xuất của chính phủ New Zealand, người chăn nuôi nước này sẽ bắt đầu phải chi trả tiền phát thải chăn nuôi trang trại vào năm 2025. Mặc dù hiện việc định mức thuế này vẫn chưa được chốt cụ thể.

Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết, tất cả số tiền thu được từ sắc thuế mới đề xuất sẽ được đưa quay trở lại ngành nông nghiệp để tài trợ cho công nghệ mới, nghiên cứu và các khoản thanh toán khuyến khích nông dân.

Bằng cách cắt giảm lượng khí thải chăn nuôi (nông nghiệp), bà Ardern nói thêm rằng thị phần xuất khẩu lớn nhất của New Zealand sẽ đạt được “lợi thế cạnh tranh… trong một thế giới ngày càng nhận thức rõ về nguồn gốc thực phẩm”.

Bộ trưởng Nông nghiệp Damien O'Connor thì ca ngợi sắc thuế phát thải chăn nuôi chính là một cơ hội thú vị cho New Zealand và nông dân trong nước. “Nông dân đang phải hứng chịu vô số tác động của biến đổi khí hậu với hạn hán và lũ lụt thường xuyên hơn nên việc đi đầu về cắt giảm lượng khí thải nông nghiệp sẽ vừa tốt cho môi trường vừa tốt cho nền kinh tế của chúng ta”, ông O'Connor nói.

Đối với những nông dân chăn nuôi, chủ trang trại không hài lòng với đề xuất này họ được chính phủ khuyến cáo có thể “được bù đắp chi phí nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với khí hậu”.

Thống kê cho thấy, hoạt động nông nghiệp chiếm gần một nửa lượng phát thải khí nhà kính của New Zealand. Quốc đảo này chỉ có 5 triệu dân nhưng lại có tới trên 10 triệu con bò thịt và bò sữa và 26 triệu con cừu. Động vật trang trại thải ra khí làm ấm hành tinh, đặc biệt là khí mê-tan từ quá trình ợ hơi của gia súc và oxit nitơ từ nước tiểu của chúng.

Trước đó, chính phủ nước này đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính và làm cho đất nước trở nên trung tính carbon vào năm 2050. Một phần của kế hoạch đó bao gồm cam kết giảm 10% lượng khí thải mê-tan từ động vật trang trại vào năm 2030 và tiến đến mục tiêu 47% vào năm 2050.

Kế hoạch của New Zealand đang hối thúc nông dân và các bên liên quan đẩy nhanh các nỗ lực hiện thực hóa cam kết chống biến đổi khí hậu, và đang được kỳ vọng sẽ sớm được chứng kiến ​​các trang trại chuyển đổi sản xuất và trồng thêm nhiều cây xanh hơn.

Chủ tịch Liên đoàn Nông dân Andrew Hoggard nói rằng, nông dân đã cố gắng làm việc với chính phủ trong hơn hai năm qua về một kế hoạch cắt giảm phát thải chăn nuôi nhưng không làm giảm sản lượng lương thực.

“Kế hoạch của chính phủ là không cản trở nông dân tiếp tục canh tác. Tuy nhiên, một khi tiền thuế trang trại tăng lên, tôi tin rằng nông dân sẽ bán sớm trang trại của họ", ông Hoggard cho biết.

Phía các nhà lập pháp đối lập trong nước thì cho rằng, kế hoạch này của chính phủ đương nhiệm thực sự sẽ chỉ làm tăng lượng khí thải trên toàn thế giới, bằng cách chuyển hoạt động canh tác sang các nước khác kém hiệu quả hơn để sản xuất lương thực.

Trong khi nông dân phản đối các đề xuất mới, một số nhà hoạt động môi trường cũng tỏ thái độ hoài nghi với kế hoạch của chính phủ vì cho rằng nó chưa đủ thấu đáo.

Dự kiến các cuộc tham vấn xung quanh đề xuất mới này vẫn đang được chờ thêm các ý kiến đóng góp cởi mở và sẽ được hoàn thành vào năm 2023.

Christine Rose, người đứng đầu phong trào vận động về khí hậu của Tổ chức Hòa bình xanh cho biết, các đề xuất của chính phủ mới chỉ thiên về đối tượng gây ô nhiễm tồi tệ nhất của ngành nông nghiệp - chăn nuôi bò sữa thâm canh - và gây bất lợi cho hoạt động chăn nuôi quảng canh ít gây ô nhiễm, cũng như các trang trại do cộng đồng người Maori làm chủ.

“Hành động cắt giảm khí thải nông nghiệp đồng nghĩa với việc chặn cản ngành công nghiệp sữa của New Zealand. Điều đó có nghĩa là sẽ có ít bò sữa hơn và ủng hộ việc chuyển sang canh tác hữu cơ tái sinh dựa trên thực vật nhiều hơn", theo bà Rose.

(ERN)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Giới trẻ Trung Quốc ‘đua sống xanh’

Trung Quốc nỗ lực thực hiện ‘mục tiêu carbon kép’ đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và nuôi dưỡng thị trường cho các sản phẩm xanh.