| Hotline: 0983.970.780

Kêu gọi Trung Quốc minh bạch thông tin về sông Mekong

Thứ Tư 15/04/2020 , 21:13 (GMT+7)

Các nhóm hoạt động bảo vệ dòng Mekong yêu cầu Trung Quốc hợp tác và công khai thông tin liên quan đến các đập thủy điện mà nước này phát triển ở thượng nguồn.

Động thái mới nhất vừa được loan đi sau khi nhiều quốc gia phía hạ nguồn sông Mekong đang trải qua một đợt hạn hán khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề kéo dài suốt từ năm ngoái đến nay.

Trước đó, Trung Quốc đã bác bỏ các báo cáo khoa học mới nhất của nhóm nghiên  cứu do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ thực hiện và cho biết “họ sẽ làm hết sức để đảm bảo xả nước hợp lý cho các nước lưu vực sông Mekong gồm Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam”.

Báo cáo do công ty nghiên cứu và tư vấn quốc tế Eyes on Earth tiến hành cho biết,  căn cứ vào dữ liệu vệ tinh thì tại các vị trí mà Trung Quốc xây dựng 11 đập thủy điện ở phía thượng nguồn ở cùng một thời điểm vẫn cao hơn mức trung bình, trong khi mức nước ở vùng hạ lưu lại xuống thấp nhất trong hơn 50 năm.

Mặc dù hiện Ủy hội sông Mekong (MRC), cơ quan liên chính phủ bao gồm bốn quốc gia hạ lưu là Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam cho biết, nghiên cứu này chưa làm rõ được việc giữ nước phía thượng nguồn gây ra hạn hán. Tuy nhiên Ban thư ký MRC cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm thông tin từ Trung Quốc cũng như đề nghị có các cuộc làm việc chính thức để làm rõ vấn đề.

"Hiện Trung Quốc, quốc gia với tư cách là đối tác đối thoại của MRC mới chỉ cung cấp số liệu về mực nước và lượng mưa trong mùa lũ và mới chỉ có những thông tin này từ hai đập ở phía thượng nguồn. Mặc dù thời gian qua, chúng tôi đã rất nỗ lực để thu thập thêm các dữ liệu trong mùa khô ở phía đầu nguồn Mekong nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi hợp tác từ Trung Quốc", đại diện MRC nói với hãng tin Reuters.

Tại Thái Lan, trong nhiều ngày qua mật độ xuất hiện hashtag #StopMekongDam trong cộng đồng đang là xu hướng trên các mạng xã hội nhằm bày tỏ thái độ phản đối việc xây dựng đập thủy điện trên sông Mekong.

Niwat Roykaew, một nhà hoạt động môi trường ở miền bắc Thái Lan lên tiếng: "Chúng ta không thể chỉ ngồi một chỗ và chờ Trung Quốc nói khi nào thì họ xả nước từ các đập của họ; các quốc gia trong khu vực cũng cần phải có tiếng nói về vấn đề này".

Đến nay, Trung Quốc vẫn không ký bất kỳ một hiệp ước chính thức nào với các nước ở hạ lưu sông Mekong liên quan đến vấn đề nguồn nước và nước này chỉ chia sẻ các thông tin liên quan một cách rất hạn chế.

"Các hành động của Trung Quốc đều đã được tính toán một cách kỹ lưỡng, vượt ra ngoài các đợt xả nước định kỳ. Chính vì vậy cần phải có sự thay đổi dài hạn để ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái quan trọng đối với sinh kế của các cộng đồng ở hạ lưu", ông Pianyh Deetes, một nhà hoạt động môi trường Thái Lan thuộc liên minh Sông ngòi quốc tế nói.

Xem thêm
Thủ tướng đặt mục tiêu tăng trưởng cao, bền vững liên tục từ nay tới 2045

Sáng 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế.

Trước đợt xâm nhập mặn sâu nhất trong năm: Đã thu hoạch 274.000ha lúa đông xuân

ĐBSCL Nhờ chủ động gieo cấy sớm vụ đông xuân 2024-2025 để né hạn mặn, đến nay toàn vùng ĐBSCL đã có thu hoạch được 274.664ha lúa.

Từ 1/3, ô tô điện không còn được miễn 100% lệ phí trước bạ

Bắt đầu từ ngày 1/3/2025, ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu tại Việt Nam sẽ không còn được hưởng mức lệ phí trước bạ 0% như trước.

Năm 2024, phát triển kinh tế Bình Phước đứng thứ 11 cả nước

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9,32%, đứng thứ 11 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 108,40 triệu đồng, tăng hơn 13% so với năm 2023.

Bình luận mới nhất