| Hotline: 0983.970.780

Khắc nghiệt nghề 'tai đeo tiếng búa'

Thứ Năm 10/08/2017 , 14:30 (GMT+7)

Nhìn vẻ yên bình của làng quê Mỹ Thạnh, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn, Bình Định) bây giờ, ít ai nghĩ rằng nơi đây ngày xưa từng là vùng quê ồn ào nhất xứ với nghề làm chiêng thủ công, cung ứng cho đồng bào dân tộc thiểu số cả vùng Tây Nguyên.

Ấy vậy mà bây giờ làng chiêng Mỹ Thạnh đã “tắt tiếng”, chỉ còn lại những thợ chiêng lão thành mang căn bệnh “nặng tai”, vì cả thời thanh xuân đôi tai luôn phải “đeo tiếng búa”!
 

Hưng thịnh một thời

Nghề làm chiêng có mặt ở làng Mỹ Thạnh từ cuối thế kỷ thứ 19. Làng nghề được hình thành từ lão nghệ nhân Dương Bảy, người xuất thân từ làng nghề Đại Bái, huyện Gia Bình (Bắc Ninh), nguyên là lính thợ của triều đình Huế. Sau khi hết nhiệm vụ ở triều đình, cụ Bảy trôi dạt về đây, đổi tên họ thành Nguyễn Văn Bảy rồi xây dựng gia đình, tạo nên nghề làm chiêng ở làng Mỹ Thạnh.

Theo anh Nguyễn Văn Cư (SN 1964), cháu đời thứ tư của cụ Bảy, những bậc tiền nhân của dòng họ anh kể lại, thuở ấy nghề làm chiêng ở làng Mỹ Thạnh làm ăn rất thịnh vượng. Bởi được làm bằng phương pháp thủ công từ công đoạn đầu đến công đoạn cuối nên chiêng Mỹ Thạnh có được tiếng vang rất xa, âm thanh trong trẻo và sử dụng bền. Nhờ đó đồng bào Tây Nguyên rất ưng bụng, sản phẩm làm ra không kịp bán. Đến đời con của cụ Bảy, nghề làm chiêng mới được nhân rộng, lúc này ở làng Mỹ Thạnh xuất hiện thêm 4 “chủ chiêng” khác. “Chủ chiêng” là cách người ta gọi người chủ những cơ sở sản xuất chiêng lúc bấy giờ.

11-17-32_1
Anh Nguyễn Văn Cư, cháu đời thứ tư của cụ tổ làng chiêng Mỹ Thạnh với những đồ nghề làm chiêng ông cha để lại

“Khi ấy chiêng rất đắt giá, mỗi cặp chiêng bán sỉ có giá đến 1 lượng vàng. Thương lái mua mang lên Tây Nguyên đổi trâu, đổi bò của đồng bào dân tộc thiểu số, có những cặp chiêng đổi lấy đàn trâu, bò có giá trị đến 2 - 3 lượng vàng. Chủ cơ sở làm chiêng có thu nhập đã cao, người buôn bán chiêng kiếm lãi còn nhiều hơn nữa”, anh Cư nói.

Ông Hồ Tấn Minh (SN 1951), con trai của chủ chiêng Hồ Hành ở làng Mỹ Thạnh, kể: “Ba tui và 2 người bác ruột là 3 trong 4 người đầu tiên của làng Mỹ Thạnh học được nghề làm chiêng của dòng họ nhà cụ Bảy. Học xong nghề, ba tui và 2 ông bác kéo nhau lên Gia Lai mở cơ sở làm chiêng. Khi ấy là thời Pháp thuộc. Làm chiêng bán trực tiếp cho đồng bào Tây Nguyên không qua trung gian thương lái nên lãi còn to hơn!”.

Theo trí nhớ của những người thợ làm chiêng cao niên ở làng Mỹ Thạnh, thời cực thịnh của làng chiêng là từ năm 1945 đến năm 1975. Chiêng ở làng Mỹ Thạnh cung cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số cả 5 tỉnh Tây Nguyên, thậm chí chiêng Mỹ Thạnh còn được bán sang Lào.

“Ba tôi kể, vào quãng thập niên 60 của thế kỷ 20, có 1 thương lái từ Kon Tum xuống Mỹ Thạnh đặt mua chiêng với số lượng lớn. Ông ấy dặn làm chiêng cho tốt để mang sang Lào bán. Trước đó ông đã mang chiêng Mỹ Thạnh sang chào hàng bên Lào, các bộ tộc ở Lào rất ưng bụng, bởi chiêng Mỹ Thạnh đánh lên tiếng nghe ngọt và vang xa. Hồi đó dân nghề ở Quảng Nam đã biết đúc chiêng, nhưng đồng bào các nơi không ưng chiêng đúc, vì tiếng dở và nhanh bị nứt. Năm 2009 tôi được mời tham dự Lễ hội cồng chiêng tại Tây Nguyên, qua khảo sát, tôi thấy hiện nay đồng bào Tây Nguyên còn sử dụng chiêng của làng Mỹ Thạnh rất nhiều”, anh Cư cho biết.

11-17-32_2
Những chiếc chiêng, sản phẩm của dòng họ anh Cư còn giữ được

Ông Hồ Tấn Minh góp thêm chuyện: “Hồi ấy, đồng bào dân tộc muốn mua chiêng loại gì, kích cỡ nào là các thương lái về đặt hàng các chủ chiêng. Bộ chiêng các dân tộc sống ở Đăk Lăk sử dụng ít hơn, chỉ 3 hoặc 5 chiếc, bộ chiêng của các dân tộc ở Gia Lai sử dụng nhiều hơn, đến hàng chục chiếc. Mỗi khi được đặt hàng là ba tui giục thợ làm ngày làm đêm mới có chiêng để giao đúng hẹn. Ngày xưa, đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên xem cồng chiêng là của cải trong nhà, nên họ sẵn sàng đổi trâu đổi bò để được sở hữu bộ chiêng hay”.

11-17-32_3
Ông Hồ Tấn Minh, con trai của chủ chiêng Hồ Hành kể chuyện với PV


Khắc nghiệt nghề “tai đeo tiếng búa”

Theo anh Nguyễn Văn Cư, ở làng này đang còn khoảng 60 thợ chiêng cao niên, có độ tuổi từ 60 trở lên. Hầu hết những thợ chiêng cao niên ở đây ai cũng bị “nặng tai”. Bởi trong thời gian làm nghề, đôi tai thường xuyên nghe tiếng búa gõ lên đe, nên ngày càng trở nên khiếm thính nặng.

Quả thật, khi tiếp xúc với cụ Hồ Đức Thanh (74 tuổi) và cụ Hồ Đức Tại (69 tuổi), 2 người con của chủ chiêng Hồ Hành, tôi mới nhận ra chuyện nặng tai của những người thợ làng chiêng là không ngoa. Có nhiều câu hỏi của tôi 2 thợ chiêng lão luyện của làng nghề không nghe được, nên phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần.

“Chú nói to lên, anh em tui nghe khó lắm. Suốt mấy chục năm, ngày nào cũng như ngày nào, từ sáng đến tối, tiếng búa vỗ lên đe chan chát thường trực bên 2 lỗ tai thì làm gì mà tai không điếc cho được. Biết là vậy nhưng hồi đó làm chiêng có tiền lắm, ai nấy đều ham làm”, cụ Hồ Đức Thanh bộc bạch.

Theo cụ Thanh, nghề làm chiêng khá khắc nghiệt, cơ cực nhất là cả ngày đôi tai phải “đeo tiếng búa”. Nguyên liệu làm chiêng khi ấy là những tút đạn đại bác chứ chưa có đồng thỏi, đồng tấm như bây giờ. Để biến 1 phế phẩm chiến tranh thành 1 vật dụng phục vụ văn hóa thật chẳng dễ dàng gì, phải qua nhiều công đoạn, mà công đoạn nào cũng phải dùng búa để gò, nắn tấm đồng trên cục đe sắt. Mỗi thợ làm chiêng sở hữu hàng chục loại búa lớn, nhỏ khác nhau. Búa đánh giác, búa vỗ, búa gò lớn, búa gò nhỏ, búa đánh sườn, búa gò mép, búa làm hoàn thiện…

11-17-32_4
Chiêng là nhạc cụ không thể thiếu trong những lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số

“Công đoạn đầu tiên để làm chiếc chiêng là đánh giác, nghĩa là dùng búa xử lý miếng đồng tút đạn thành hình tròn theo kích cỡ đường kính của chiếc chiêng. Sau đó là lên thành (vành chiêng), rồi dùng búa vỗ cho miếng đồng thật bằng, thật láng… Mọi công đoạn, miếng đồng đều được đặt lên cục đe bằng sắt và dùng búa để đập, để gõ, nên từ sáng đến tối đôi tai của thợ chiêng liên tục nghe tiếng chan chát. Hồi còn trẻ, các thợ chiêng đã bị nặng tai, đi làm về vợ con mời ăn cơm có khi không nghe. Càng về già những thợ chiêng nặng tai càng dữ”, cụ Thanh chia sẻ.

Nghề làm chiêng truyền thống hiện đã mai một, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên không còn sẵn sàng đổi trâu đổi bò để được sở hữu 1 bộ chiêng hay như trước kia, mà bây giờ họ chỉ lo sắm xe, cất nhà đẹp. Do đó, từ năm 1985 đến nay, làng chiêng Mỹ Thạnh phải ngưng hoạt động vì sản phẩm không còn tiêu thụ được.

“Bây giờ, nếu ai có nhu cầu mua chiêng thì họ mua chiêng đúc cho tiện. Chiêng đúc bây giờ được bán giá 150.000 đ/kg. Nếu chiêng làm bằng phương pháp thủ công thì giá tăng đến 500.000 đ/kg do tốn nhiều công, vì vậy không thu hút người mua, mặc dù chiêng làm bằng phương pháp thủ công thì hay và bền hơn chiêng đúc bội phần”, anh Cư buồn buồn cho hay.

“Tuy làm chiêng bây giờ không còn có thu nhập cao như ngày xưa, và mặc dù nghề này nhiều khắc nghiệt, nhưng nếu bây giờ các cấp ngành tạo điều kiện, ví như liên kết với các đơn vị ở Tây Nguyên để tạo đầu ra thì người làng Mỹ Thạnh chúng tôi sẵn sàng khôi phục làng nghề để gìn giữ một nét đẹp truyền thống”, anh Nguyễn Văn Cư bày tỏ.

 

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.