| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 24/07/2021 , 07:16 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 07:16 - 24/07/2021

Khắc nhập rồi liệu có khắc xuất

Bộ Nội vụ vừa đề xuất sáp nhập 10 tỉnh có dân số ít, diện tích nhỏ vào thành tỉnh lớn, theo lộ trình thì từ năm 2021 đến năm 2030 sẽ hoàn thành.

Các tỉnh đó đều có đặc điểm: hoặc là đất rộng nhưng dân số ít, như Bắc Cạn chỉ có trên 300 ngàn dân, Điện Biên, Lai Châu, Đắc Nông… cũng vậy; hoặc là diện tích rất nhỏ, chỉ chưa đầy 1000 km2 như Bắc Ninh, Hà Nam…nhưng dân số lại đông, trên 1 triệu người, không gian chật hẹp khiến điều kiện phát triển kinh tế bị hạn chế. Đề xuất này đã khiến dư luận xã hội xôn xao suốt mấy ngày qua.

Đề xuất này không mới. Từ năm 1975 đến nay, chúng ta đã 3 lần tiến hành nhập tỉnh. Không ít tỉnh đã được sáp nhập như vậy, như Khánh Hòa và Phú Yên thành Phú Khánh; Hải Dương và Hưng Yên thành Hải Hưng; Bắc Ninh và Bắc Giang thành Bắc Thái; Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành Vĩnh Phú; Hà Nam-Nam Định- Ninh Bình thành Hà Nam Ninh; Hà Tây và Hòa Bình thành Hà Sơn Binh…nhưng chỉ sau một thời gian “khắc nhập”, chúng ta lại phải “khắc xuất”, tách các tỉnh ra để trở về đúng như cũ.

Mỗi lần “nhập, tách” như vậy, tốn kém không biết bao nhiêu là tiền bạc. Việc nhập- tách này đã làm xuất hiện một câu ca dao mà rất nhiều người thuộc, là “con kiến mà leo cành đào/nó nhìn các tỉnh nhập vào, tách ra/ con kiến mà leo cành đa/ nó nhìn các tỉnh tách ra, nhập vào”

Vì sao như vậy ?

Rất nhiều nhà khoa học đã có chung một nhận định, rằng hoàn toàn không thể sáp nhập các tỉnh với nhau một cách cơ học, tức là cộng vào để cho dân số đông hơn, diện tích lớn hơn.

Muốn sáp nhập một cách bền vững thì phải tính đến yếu tố văn hóa và phong tục tập quán vùng miền. Mỗi địa phương, từ hàng ngàn năm nay, đã hình thành một vùng văn hóa riêng, có một phong tục tập quán riêng.

Văn hóa và phong tục tập quán xứ Đoài (Sơn Tây cũ) khác hoàn toàn với văn hóa và phong tục tập quán của Bi-Vang-Thàng- Động (Hòa Bình); Văn hóa và phong tục tập quán Kinh Bắc (Bắc Ninh) khác hoàn toàn với văn hóa và phong tục tập quán Bắc Giang.

Các tỉnh khác đã nhập vào cũng có tình trạng ấy. Văn hóa nào thì có con người ấy. Việc sáp nhập một cách cơ học, gượng ép như vậy đã khiến các vùng văn hóa không thể hòa nhập vào nhau, thậm chí nẩy sinh mâu thuẫn đến mức không thể điều hòa nổi và cuối cùng thì đành “khắc xuất”.

Nếu đề xuất nói trên của Bộ Nội vụ trở thành hiện thực, thì đây là lần thứ tư chúng ta tiến hành nhập tỉnh. Nhưng, câu hỏi được đặt ra là liệu lần nhập này có ổn không hay chỉ sau một thời gian ngắn lại phải tách?