| Hotline: 0983.970.780

'Sự vào cuộc vì miền Trung, chúng ta thật sự ấm lòng'

Thứ Sáu 27/11/2020 , 07:48 (GMT+7)

Sáng 27/11, tại Quảng Trị, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng 3 thứ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tại hội nghị. Ảnh: Định Nguyễn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng 3 thứ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tại hội nghị. Ảnh: Định Nguyễn.

Thay mặt lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường xin được chia sẻ với đồng bào các tỉnh miền Trung, đặc biệt là 6 tỉnh bị thiệt hại nặng nề.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng xin gửi lời cảm ơn đến nhân dân, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp đã chung tay với Bộ để vượt qua thời điểm khó khăn.

"Ngay trong lúc thiên tai, hoạn nạn, các doanh nghiệp đã vào cuộc tận tâm. Đó là sự trưởng thành của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ quản trị kinh tế mà tư tưởng, nhận thức, văn hóa.

Không chỉ chia sẻ mà còn hiến kế với Bộ NN-PTNT. Nói như chỗ Thái Bình Seed, CP, Việt Úc, họ sẵn sàng 'lao vào chia sẻ'. Tôi nghĩ đó còn là chiến thắng, thắng vì phát triển được thị trường.

Tôi tin rằng với sự trưởng thành đó, cùng với hợp tác xã, cùng với người dân, chúng ta sẽ chiến thắng khi hội nhập.

Tôi cũng muốn cảm ơn các cơ quan truyền thông, lăn lộn từ công tác dự báo, ứng phó, cho đến phục hồi. Đặc biệt đại diện các cơ quan truyền thông thường trú tại miền Trung, không chỉ báo hình mà cả báo nói, báo viết, báo mạng. Có đồng chí đã hy sinh ở Rào Trăng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu kết luận tại Hội nghị. Ảnh: Định Nguyễn.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu kết luận tại Hội nghị. Ảnh: Định Nguyễn.

Sự vào cuộc đồng bộ như thế, với trụ cột là lực lượng quân đội, công an, chúng ta thực sự thấy ấm lòng. Hội nghị này rất quan trọng, gần như toàn bộ lãnh đạo Bộ NN-PTNT tham gia. Từng khối, mảng, các Thứ trưởng đã kết luận.

Về tổng thể, ở đây có Tổng Cục Phòng chống thiên tai, cần tiếp thu những ý kiến xác đáng của 6 tỉnh, của các Thứ trưởng. Phải nhanh chóng tổng hợp, chắt lọc để gửi cho các tỉnh làm tài liệu tham khảo.

Tôi cũng đề nghị các địa phương không được chủ quan, tuyệt đối không để dân đói. 16.000 tấn gạo vừa rồi chưa giải quyết hết vấn đề, vì còn nhiều vùng chia cắt ở sườn Tây. Mặt khác, không chỉ có gạo mà người dân còn cần lương thực, thực phẩm khác.

Các chuyến hàng cứu trợ liên tục đổ về miền Trung ruột thịt.

Các chuyến hàng cứu trợ liên tục đổ về miền Trung ruột thịt.

Về môi trường, phải tiếp tục đẩy mạnh việc vệ sinh chuồng trại, ao nuôi. Chính quyền, doanh nghiệp, người dân cần huy động tổng lực, không chỉ đợi công ty môi trường. Năm nay dự báo mùa đông đến sớm, rét đậm, mưa phùn, gió bấc, chúng ta phải hết sức thận trọng. Ví dụ như dịch tả lợn châu Phi rất dễ lây lan trong điều kiện như thế.

Trong trung hạn và dài hạn, cần đánh giá lại toàn bộ để tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan.

Chúng ta cần xác định sống chung với các hiện tượng lũ lụt, mưa bão, biến đổi khi hậu là bình thường. Từ đó có sự thích ứng, đưa ra được đối tượng, quy trình sản xuất, giải pháp tổng thể phù hợp với điều kiện này", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết luận Hội nghị.

Ứng trước giống cho dân kịp thời sản xuất

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Sau khi bão lũ, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo hỗ trợ giống rau, xây dựng các mô hình điểm tái thiết sản xuất ở các địa phương miền Trung như bưởi Thanh Trà ở Thừa Thiên - Huế, hồ tiêu ở Quảng Trị…

Đây là các mô hình tập trung cả kỹ thuật, khuyến nông với sự tham gia trực tiếp của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia…

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Bộ NN-PTNT sẽ xin Thủ tướng cho các tỉnh ứng trước giống, kịp thời sản xuất. Ảnh: Định Nguyễn.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Bộ NN-PTNT sẽ xin Thủ tướng cho các tỉnh ứng trước giống, kịp thời sản xuất. Ảnh: Định Nguyễn.

Qua kiểm tra thực tế, thấy nhiều diện tích bị bồi lấp cần thiết phải chuyển đổi cây trồng. Hiện các tỉnh đều có đề nghị hỗ trợ giống phục vụ tái thiết sản xuất. Bộ NN-PTNT sẽ xin Thủ tướng cho các tỉnh ứng trước giống, kịp thời sản xuất.

Sẽ có những ngôi nhà chịu được lũ

Chia sẻ về thực trạng hạ tầng sau đợt thiên tai dị thường, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin: Hiện có 745 km kênh mương đang bị vùi lấp, ảnh hưởng đến vụ đông xuân tới. Ngoài ra, có hơn 300 trạm bơm bị ngâm nước, bồi lắng cửa vào, cửa ra. Máy móc ngâm nước lâu ngày rất có thể hỏng hóc nặng. Thủy lợi nội đồng dù đã kiên cố hóa vẫn bị sạt lở nặng, bồi lắng.

"Đây là vấn đề cần xử lý ngay, các địa phương cần khẩn trương vào cuộc. Tôi thấy cần có chiến dịch toàn dân ra quân làm thủy lợi nội đồng, như cách Quảng Trị đã và đang làm", Thứ trưởng Hiệp đề nghị.

Liên quan tới khắc phục hạ tầng sản xuất lâu dài, Thứ trưởng Hiệp phân tích một số vấn đề nổi lên.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phân tích các giải pháp khắc phục hạ tầng sản xuất lâu dài. Ảnh: Định Nguyễn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phân tích các giải pháp khắc phục hạ tầng sản xuất lâu dài. Ảnh: Định Nguyễn.

Cụ thể, về lũ, cắt lũ ở thượng lưu và xả lũ ở hạ du. Bộ NN-PTNT sẽ bàn cụ thể với từng địa phương về cắt lũ. Ở các vùng hạ du úng trũng lớn như gần hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để xử lý.

Về sạt lở, có những nơi ở Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế, tổng chiều dài hơn 160km với 800 điểm sạt lở. Quan điểm của Thứ trưởng Hiệp là cần có nghiên cứu chi tiết, vì còn liên quan đến khu dân cư, cần làm trọng điểm.

Liên quan đến an toàn hồ đập, có 1.200 hồ chứa, đập ở 6 tỉnh miền Trung vừa bị bão lũ. Thứ trưởng Hiệp cho rằng cần sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương để giải quyết.

Về nhà tránh lũ, đó là câu chuyện lớn. Đầu tuần sau Bộ NN-PTNT sẽ có hội thảo với Bộ Xây dựng và một số địa phương để có được những ngôi nhà chịu được lũ.

Mô hình nhà chống lũ ở Quảng Bình.

Mô hình nhà chống lũ ở Quảng Bình.

Cuối cùng là về bản đồ ngập lụt hạ du và sạt lở, Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm chính. Về cơ bản, ở các lưu vực lớn đã làm được 7/9 vùng. Kịch bản cho các vùng này vừa qua có những nơi xảy ra sạt lở, ngập lụt vượt trần. Do đó cần nghiên cứu lại.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng để có quy hoạch, thì cần có bản đồ 1/500 để chi tiết, từ đó sẽ dễ chỉ đạo, điều hành.

Lựa chọn đối tượng nuôi

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Trong tái sản xuất, ưu tiên nuôi 3 đối tượng tôm, gia cầm, cá. Chọn 3 đối tượng này vì chỉ cần 3 tháng nuôi là thu hoạch. Đề nghị các tỉnh tập trung vệ sinh chuồng trại, ao nuôi, lồng bè.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nêu 3 đối tượng ưu tiên chăn nuôi để phục hồi sản xuất sau thiên tai. Ảnh: Định Nguyễn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nêu 3 đối tượng ưu tiên chăn nuôi để phục hồi sản xuất sau thiên tai. Ảnh: Định Nguyễn.

Trong thời điểm bão, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã điện cho các Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách về vấn đề vệ sinh chuồng trại. "Sau bão lũ, xác động vật chết nhiều, nên phải hết sức tập trung", Thứ trưởng nói.

Đồng thời, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Tổng cục Thủy sản, Chăn nuôi, Thú y, phối hợp với Khuyến nông tập huấn ngay theo cách cầm tay chỉ việc, tránh lý thuyết suông.

"Sự hỗ trợ là lớn, với 140 triệu tôm post, 300 tấn thức ăn chăn nuôi, 500 triệu tiền thuốc thú y, hàng chục nghìn đơn vị vacxin, cần có người chịu trách nhiệm cụ thể. Rà soát diện tích nuôi, vùng nuôi để chủ động về trước mắt, lâu dài.

Đề nghị Tổng cục Thủy sản bàn với các địa phương, doanh nghiệp để mang lại hiệu quả cao, sớm thu hoạch. Sau khi triển khai, phải đánh giá, tổng kết, rút ra bài học, giải pháp cho 2021 và những năm tiếp theo", Thứ trưởng phân tích.

Sát cánh với bà con ngư dân

Trao đổi với PV Nông nghiệp Việt Nam, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Ngay giữa tháng 10, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu Bộ NN-PTNT để bổ sung kinh phí cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 và 3 tổ chức quan trắc cảnh báo môi trường tại các địa phương bị thiệt hại; đồng thời hướng dẫn các địa phương thống kê thiệt hại.

Tổng cục Thủy sản cũng kêu gọi doanh nghiệp và các đơn vị liên quan để có kế hoạch hỗ trợ giống, thức ăn, chất xử lý cải tạo môi trường…

Tổng cục Thủy sản hỗ trợ tôm giống cho người dân Quảng Nam.

Tổng cục Thủy sản hỗ trợ tôm giống cho người dân Quảng Nam.

"Hiện đã chuyển về các địa phương 140 triệu tôm post, 150 tấn thức ăn, trên 30 tấn chất xử lý cải tạo môi trường, xây dựng kế hoạch ương và phối hợp thả giống khi điều kiện môi trường phù hợp (phương châm ổn định đến đâu thả giống đến đó).

Tổ chức hỗ trợ khoảng 15.000 cá bố mẹ (trắm, chép, rô phi), sẵn sàng tham gia sinh sản, giúp Quảng Trị và Quảng Bình…", ông Luân thông tin.

Kế hoạch của Tổng cục Thủy sản trong thời gian tới sẽ tiếp tục cùng các tỉnh rà soát kế hoạch mùa vụ phù hợp, quan trắc cảnh báo môi trường để tổ chức hướng dẫn bà con thả giống, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn cá bố mẹ cho sinh sản và tổ chức thả giống nuôi theo khung lịch thời vụ…

Khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp và địa phương hỗ trợ người thiệt hại ít nhất 1 vụ sản xuất để có nguồn thu và tái sản xuất bền vững. Về lâu dài, kiến nghị Nhà nước đầu tư hạ tầng, đảm bảo sản xuất thủy sản an toàn.

'Cục sắt bay trên trời phải có điều kiện, không phải muốn bay là bay'

Tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho biết, "thiệt hại trong đợt bão lũ này khác các đợt trước, thiệt hại về người chủ yếu do sạt lở đất. Tuy nhiên, do kịp thời di dời dân, di dời một số đơn vị vũ trang, nên về tổng thể, thiệt hại thế có thể coi là thấp".

Đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của Chính phủ, Thiếu tướng Tiến dẫn chứng, "bão vào buổi chiều, 10h đêm chúng tôi nhận được tin sạt lở ở Trà Leng. Vừa bước chân vào đến nơi đã thấy Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có mặt".

"Mặt khác, lần này khi di dời dân, chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, của người dân. Lần này sự tự giác của người dân là rất cao. Như ở Đà Nẵng, khi có lệnh giới nghiêm, người dân rất tự giác tham gia", Phó Tư lệnh Quân khu 5 bổ sung. "Ở Trà Leng, người dân cũng hỗ trợ nhiệt tình cho lực lượng vũ trang. Sau khi bão lũ qua đi, Bộ NN-PTNT tổ chức ngay hội nghị này, đó là điều rất cần thiết. Bộ đội chúng tôi phải tăng gia sản xuất, vì thế, rất cần các chương trình của Bộ NN-PTNT".

Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 5 đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của Chính phủ. Ảnh: Định Nguyễn.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 5 đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của Chính phủ. Ảnh: Định Nguyễn.

Chia sẻ về vấn đề "tế nhị" khi các địa phương hay gọi trực thăng cứu hộ thời điểm có bão lũ, ông Tiến cho biết, "cục sắt bay trên trời phải có điều kiện, chứ không phải như mọi người nghĩ muốn bay là bay".

"Sức gió từ cánh quạt rất lớn, ví dụ như ở Tuy Phước, nhà đang mục vì nước ngấm, khi trực thăng bay vào, nhà sập luôn. Đó là vì các đồng chí bỏ qua cấp quân khu, gọi thẳng ra Bộ Quốc phòng. Chưa đánh giá hết tình hình mà vội vã quyết định là điều nguy hiểm.

Bản đồ các khu vực dễ bị thiên tai cũng cần tính tới. Bãi đỗ trực thăng cho các khu vực này cũng cần nghiên cứu xây dựng. Binh đoàn 18 vừa rồi suýt mất 1 trực thăng do lực lượng mặt đất dọn dẹp không kỹ, khiến bụi hút hết vào buồng đốt động cơ. Phương tiện tại chỗ còn thiếu thốn, đặc biệt là phương tiện tìm người bị vùi lấp.

Vừa rồi, chúng tôi phải nhờ đến thiết bị tầm nhiệt của đơn vị tư nhân ở TP.HCM. Chó nghiệp vụ cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của Bộ Quốc phòng.

Ở các đầm, phá, cũng cần nghiên cứu phương tiện nạo vét hiệu quả, còn hiện tại vẫn đang chủ yếu khôi phục bằng sức người là chính.

Chúng tôi gửi lời cảm ơn người dân, chính quyền 6 tỉnh miền Trung vừa qua đã giúp đỡ, phối hợp bộ đội chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ", Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến nói.

“Xin hứa với Bộ trưởng, chúng tôi sẽ tiếp tục tặng giống đến bà con”

Cũng tại Hội nghị, ông Trần Mạnh Báo, Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Seed thay mặt cho các doanh nghiệp trong Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam gửi lời chia sẻ với đồng bào 6 tỉnh miền Trung vừa bị thiệt hại do bão lũ.

"Đây là hội nghị rất cần thiết, sát thực tình hình hiện nay. Ngay ngày 19/10, tại buổi chào cờ sáng thứ 2 tại Tập đoàn Thái Bình Seed, tôi đã quyết định phát động ủng hộ đồng bào miền Trung", ông Báo phát biểu.

Ông Trần Mạnh Báo cho biết đã bỏ tiền túi ra mua thêm 10 tấn giống hỗ trợ bà con.

Ông Trần Mạnh Báo cho biết đã bỏ tiền túi ra mua thêm 10 tấn giống hỗ trợ bà con.

Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Seed cho biết ông cũng trực tiếp đến 2 tỉnh là Quảng Bình, Quảng Trị, đến 4 huyện có thể đến được thời điểm đó: Triệu Phong, Vĩnh Linh, Lệ Thủy, Quảng Ninh và tận mắt chứng kiến những cánh đồng trù phú nay bị ngập trong nửa mét bùn.

"Hơn nửa thế kỷ trước, tôi từng chiến đấu ở Lệ Thủy, Vĩnh Linh, từng được bà con cưu mang trong địa đạo. Tôi và đồng đội nợ bà con nhiều lắm. Tôi từng chiến đấu, từng suýt hy sinh ở Cha Lo. Tôi muốn đến tận nơi để xem bà con cần gì để khôi phục sản xuất, cần giống gì", ông Báo khẳng định.

Theo lời ông Báo, ngay từ đầu tháng 10, Thái Bình Seed đã hỗ trợ miễn phí 30 tấn giống cho bà con. Bản thân ông cũng bỏ tiền túi ra mua thêm 10 tấn hỗ trợ bà con.

"Xin hứa với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và các tỉnh là tôi sẽ tặng tiếp 10 tấn giống nữa. Dù tôi biết, có 500 tấn giống vẫn là thiếu. Tôi sẽ vận động các doanh nghiệp giống ở Việt Nam tiếp tục hỗ trợ bà con an sinh lâu dài, chứ không chỉ để thoát khỏi khó khăn trước mắt. Ngoài cung cấp giống, chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm về kỹ thuật", ông Trần Mạnh Báo nói.

'Ban đầu chúng tôi cứ nghĩ được trời thương, nhưng không phải!'

Đó là phát biểu của ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tại Hội nghị. Ông Phiên chia sẻ, "Chúng tôi là 1 trong 6 tỉnh miền Trung bị thiệt hại lớn do mưa bão vừa qua. Khi bão số 9 vào, chúng tôi vừa bị bão, vừa bị lũ, dù trước đó cứ nghĩ tránh được mấy cơn bão là do 'trời thương'. Công tác phòng chống bão lũ, di dân đã được thực hiện tốt. Thiệt hại nhân mạng không xảy ra ở tỉnh".

Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi: Tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ 1.625 tỷ đồng để ổn định lại sản xuất lúa, cây trồng, thủy sản… Ảnh: Văn Việt.

Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi: Tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ 1.625 tỷ đồng để ổn định lại sản xuất lúa, cây trồng, thủy sản… Ảnh: Văn Việt.

"Nhiều cụ già 90 tuổi nói họ chưa từng thấy bão nào lớn như bão số 9, cây tre xoắn lại như bện dây, may mắn là không có thiệt hại về người. Cây cau đang được giá, 36.000/kg, nhưng chúng tôi nói vui là người già không cần trèo, vì cau ngã gục hết. Một loại cây vốn dẻo dai mà nay ngã rạp", ông Phiên miêu tả sự khủng khiếp của thời tiết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đưa con số thống kê bước đầu cho thấy, có khoảng 311 ha bị vùi lấp, ở các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây và Trà Bồng.

"Nhiều đoàn đến làm thiện nguyện, người dân Quảng Ngãi cảm thấy rất ấm lòng. Tuy nhiên, thiệt hại là quá lớn, nhiều nơi trường học vẫn còn ngổn ngang, tốc mái, các cháu chưa thể quay lại học tập bình thường. Quảng Ngãi đề xuất Trung ương hỗ trợ 1.625 tỷ đồng để ổn định lại sản xuất lúa, cây trồng, thủy sản…", ông Phiên nói.

Hồ Kẻ Gỗ chịu lượng mưa 1.000 năm mới có một lần

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết rất chia sẻ với các tỉnh bạn đợt thiên tai này. Bởi lẽ Hà Tĩnh cũng là tỉnh thường xuyên hứng chịu rất nhiều thiên tai.

"Đợt mưa bão từ 15-21/10, Hà Tĩnh bị nhiều thiệt hại", ông Sơn nói. "Hồ Kẻ Gỗ vừa rồi chịu lượng mưa 1.000 năm có một lần. Hơn 160 xã ở Hà Tĩnh bị ngập, nhiều nơi mất trắng. Thiệt hại ước tính 5.500 tỷ đồng, trong đó nông nghiệp bị nặng nề nhất".

Cũng theo ông Sơn, Hà Tĩnh đã đón hơn 3.600 tổ chức, cá nhân về hỗ trợ, tổng số hỗ trợ trị giá 242 tỷ đồng, riêng tiền mặt vào khoảng 160 tỷ đồng.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Về chăn nuôi, thủy sản, Hà Tĩnh đang khắc phục từng bước. Ảnh: Định Nguyễn.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Về chăn nuôi, thủy sản, Hà Tĩnh đang khắc phục từng bước. Ảnh: Định Nguyễn.

"Chúng tôi cực kỳ xúc động khi thấy các đoàn về hỗ trợ liên tục. Hà Tĩnh chủ trương sẽ hỗ trợ 100% giống vụ đông và vụ xuân tới đây cho nông dân. Bà con đang từng bước nhận được tiền hỗ trợ và giống", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nói.

Vị lãnh đạo cho biết thêm, về chăn nuôi, thủy sản, Hà Tĩnh đang khắc phục từng bước. Trừ một số doanh nghiệp sản xuất lớn đang tiếp tục khắc phục, cơ bản các hộ cá thể đã đi vào sản xuất trở lại.

"Hà Tĩnh xin báo cáo thêm về tình huống xung quanh hồ Kẻ Gỗ, cần nghiên cứu lại tổng thể vì chỉ cách thành phố có 15km", ông Sơn phát biểu. "Trước đây, hồ này phục vụ nông nghiệp, đề nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu thêm, không để túi nước đặt trên đầu 3 cơ quan lớn của tỉnh".

Hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) xả lũ sau đợt mưa lớn hồi tháng 10/2020. Ảnh: Thanh Nga.

Hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) xả lũ sau đợt mưa lớn hồi tháng 10/2020. Ảnh: Thanh Nga.

Đáp lời ông Sơn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết Bộ đang tích cực cùng nghiên cứu với Hà Tĩnh, điều chỉnh chức năng nhiệm vụ, tìm biện pháp đảm bảo hồ Kẻ Gỗ an toàn.

Kinh nghiệm để Quảng Bình không thiệt hại về người

Nêu ý kiến tại Hội nghị, ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nói: Quảng Bình hạn chế được thiệt hại trong đợt mưa bão vừa qua do tỉnh xây dựng tốt phương án "4 tại chỗ". Chính điều này đã giúp tỉnh không bị thiệt hại về người.

Theo đó, toàn bộ lương thực, thực phẩm, phương tiện và con người đều được cơ động về nơi an toàn trước khi mưa lũ. Chính vì sự chủ động đó hạn chế rất nhiều về thiệt hại.

Ông Phong dẫn chứng, Đồn Biên phòng quốc tế Cha Lo, một số khu dân cư đã được di dời kịp thời nên không có thiệt hại. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện huy động tốt phương tiện vũ trang, huy động phương tiện, nhân lực các xã không bị ảnh hưởng giúp các xã bị ảnh hưởng mưa lũ.

Để khôi phục sản xuất sau mưa lũ, tỉnh Quảng Bình thành lập 6 tổ bám sát từng địa bàn để thực hiện rà soát thiệt hại liên quan đến nông nghiệp kịp thời báo cáo Trung ương. Tỉnh đã thực hiện phân phối nguồn giống được Bộ NN-PTNT cấp về cho người dân sản xuất ngay sau khi nước rút. Dự kiến trong 15-20 ngày nữa sẽ có đợt thu hoạch rau màu từ nguồn hỗ trợ giống của Bộ.

Ông Phong cũng đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí để xây dựng phương án di dời dân khẩn cấp khỏi các điểm có nguy cơ sạt lở (dự kiến có 6 điểm cần di dời).

Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ 2.000 tấn giống lúa; hỗ trợ xây dựng mô hình chuồng vượt lũ; chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu…

Dự báo mưa phải tốt mới đảm bảo an toàn hồ đập

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nêu ý kiến tại Hội nghị: Đợt bão lũ lịch sử vừa qua chúng ta đã có sự xử lý bài bản, công tác dự báo, chuẩn bị từ Trung ương đến địa phương tốt, giảm thiểu được thiệt hại. Tính khốc liệt của mưa lũ vừa qua kinh khủng hơn cơn lũ lịch sử 1999 nhưng mức thiệt hại không bằng.

Ngoại trừ vụ Rào Trăng thì các thiệt hại chủ yếu có thể coi như tai nạn bình thường. Có được điều đó một phần nhờ cơ sở hạ tầng hiện nay ở địa phương đã được cải thiện.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế: Công tác dự báo bão khá tốt nhưng về dự báo mưa cần phải làm tốt hơn nữa. Ảnh: Định Nguyễn.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế: Công tác dự báo bão khá tốt nhưng về dự báo mưa cần phải làm tốt hơn nữa. Ảnh: Định Nguyễn.

Ông Phương nêu một số kinh nghiệm, đó là cần nâng cao khả năng vận hành công tác dự báo một cách chuyên nghiệp, bài bản. Đặc biệt cần nâng cao khả năng dự báo mưa.

Hiện nay công tác dự báo bão khá tốt nhưng về dự báo mưa cần phải làm tốt hơn nữa vì hệ thống hồ đập cần dự báo mưa tốt mới có thể giảm thiểu thiệt hại.

Tỉnh cũng khẳng định sự chỉ đạo các cấp Trung ương là kịp thời, sâu sát. Ngoài ra, theo ông Phương, Bộ NN-PTNT đã nhanh chóng vào cuộc, sát cánh cùng tỉnh khôi phục sản xuất.

Quảng Nam: Còn 19 người mất tích chưa tìm thấy

Tại Hội nghị, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Khi chúng tôi đi thực tế địa hình, có những nơi có thể nói là "trở về thời kỳ đồ đá". Tổng thiệt hại về người là 42 người chết, 19 người mất tích. Quảng Nam đang quyết tâm tìm người mất tích nhưng chưa được.

Hơn 1.500 ngôi nhà thiệt hại 100%. Về lúa, hoa màu, cây lâu năm, cây ăn quả, thủy sản v.v, mất gần 2.000 tỷ đồng. Về giao thông, 73 km không thể đi được bằng ô tô, chỉ có thể đi bằng xe máy, không biết bao giờ mới khắc phục được. Di sản Hội An bị xâm thực cực mạnh, tới hơn 160m bờ biển. Tổng thiệt hại kinh tế gần 10.000 tỷ đồng.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Hiện vẫn còn 19 người mất tích ở tỉnh chưa được tìm thấy. Ảnh: Định Nguyễn.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Hiện vẫn còn 19 người mất tích ở tỉnh chưa được tìm thấy. Ảnh: Định Nguyễn.

Quảng Nam đang cố gắng hỗ trợ 2.000 tấn gạo, đưa con giống, cây giống của Bộ NN-PTNT đến với người dân. Kinh nghiệm của Quảng Nam là cứ tới mùa mưa lũ, lập tức đưa gạo lên các thôn bản. Chúng tôi cũng đang khẩn trương chuẩn bị rau màu cho vụ đông xuân, phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới.

Về kiến nghị, Quảng Nam mong muốn được quan tâm tái đầu tư cho người dân. Năm ngoái, Quảng Nam đã dành hơn 400 tỷ hỗ trợ xây dựng nhà cho hàng nghìn hộ, hàng trăm khu dân cư. Chúng tôi ứng tiền bằng cách khi người dân làm xong nhà thì hỗ trợ 80 triệu đồng cho mỗi hộ. Quảng Nam đang phấn đấu trong vài năm tới sẽ giải quyết cho 8.000 - 10.000 hộ nữa.

Đối với nhà tránh lũ, Bộ Xây dựng đã hỗ trợ tốt nên chúng tôi mong muốn được tiếp tục giúp đỡ. Chúng tôi cho rằng gói hỗ trợ mấy trăm tỷ đồng không thực sự giải quyết vấn đề, cần mức lớn hơn.

Về giải pháp lâu dài, chúng tôi xin nhắc tới bản đồ sạt lở cần phải chi tiết hơn. Hạ tầng thông tin vùng sâu vùng xa còn quá hạn chế, khi có bão lũ lập tức gần như bị "cô lập". Nên chăng Bộ Thông tin Truyền thông nên tính đến việc này, để người vùng sâu vùng xa cũng có thể "bán hàng online".

Điểm sạt lở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam hồi cuối tháng 10/2020.

Điểm sạt lở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam hồi cuối tháng 10/2020.

Quảng Nam cũng xin có gói hỗ trợ về phát triển kinh tế trung và dài hạn sau thiên tai. Đề nghị Bộ NN-PTNT tham mưu Chính phủ thành lập lực lượng tìm kiếm cứu nạn phản ứng nhanh với trang bị tốt, khả năng phản ứng cao hơn.

Bộ NN-PTNT đề xuất các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, tình trạng ngập lụt, úng xảy ra ở nhiều địa phương đã gây ảnh hưởng nặng đến các công trình thủy lợi, đặc biệt là hệ thống kênh mương dẫn nước và công trình thủy lợi nội đồng, cụ thể tại 9 địa phương bị ảnh hưởng nặng (từ Nghệ An đến Bình Định) như sau: khoảng 745 km kênh mương các loại bị sạt, trôi, bồi lấp; hơn 300 trạm bơm, 800 cống và 340 công trình thủy lợi khác (cầu máng, công trình tạm, đê bao nội đồng...) bị hư hỏng.

Một trong các giải pháp mà Bộ NN-PTNT đang gấp rút thực hiện, đề xuất Chính phủ về các nội dung:

Tập trung, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; rà soát quy hoạch thủy lợi các lưu vực sông  và quy hoạch hệ thống thủy lợi khu vực miền Trung thích ứng với điều kiện mưa lũ, hạn hán cực đoan và biến đổi khí hậu.

Ưu tiên bố trí kinh phí trong giai đoạn đầu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và dự phòng ngân sách hàng năm của địa phương và Trung ương cho công tác phòng chống thiên tai.

Bố trí nguồn vốn vay ODA để tập trung khắc phục hậu quả thiên tai; đầu tư nâng cao năng lực ứng phó thiên tai và hạ tầng phục vụ sản xuất bền vững.

Lũ lớn trên sông Hiếu gây ngập diện rộng tại khu vực xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị trong đợt thiên tai dị thường 2020. Ảnh: TTXVN.

Lũ lớn trên sông Hiếu gây ngập diện rộng tại khu vực xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị trong đợt thiên tai dị thường 2020. Ảnh: TTXVN.

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ:

- Chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ mua bù, mua tăng hàng dự trữ quốc gia theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại công văn số 7419/BNN-KH ngày 27/10/2020 và công văn số 7769/BNN-KH ngày 09/11/2020. Trường hợp không kịp, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ứng trước để cấp cho các địa phương khôi phục sản xuất theo đúng lịch thời vụ.

- Sớm cấp kinh phí hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-TTg để khôi phục sản xuất cho các tỉnh miền Trung bị thiệt hại bởi thiên tai.

- Ban hành Nghị quyết của Chính phủ về công tác khắc phục hậu quả thiên tai để giải quyết một số vấn đề trước mắt cũng như lâu dài đã bộc lộ sau đợt thiên tai vừa qua.

- Bổ sung nguồn lực đầu tư hạ tầng cho vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đáp ứng quy định về điều kiện nuôi trồng thủy sản và phòng chống thiên tai. Đầu tư xây dựng hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đảm bảo an toàn, đủ công suất tránh trú bão cho tàu cá; hạ tầng hệ thống giám sát, thông tin tàu cá.

- Chỉ đạo các Ngân hàng Nhà nước có cơ chế chính sách về vay vốn ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ, giảm nợ cho người dân bị thiệt hại để có thể sớm khôi phục sản xuất.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trao tặng đàn cá bố mẹ cho Trung tâm giống thủy sản tỉnh Quảng Trị.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trao tặng đàn cá bố mẹ cho Trung tâm giống thủy sản tỉnh Quảng Trị.

- Xem xét xây dựng chính sách dự trữ đối với giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và cấp phát cho người dân nuôi trồng thủy sản khi bị thiệt hại trên 70% do thiên tai.

- Sớm hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh để khắc phục cấp bách cơ sở bị thiệt hại, nhất là các công trình đê điều, thủy lợi, chống sạt lở bờ biển (Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã có Tờ trình số 175/TTr-TWPCTT ngày 05/11/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ).

- Bố trí kinh phí: (1) để triển khai thực hiện 05 dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo tại văn bản số 8130/BNN-PCTT ngày 24/11/2020;

(2) Ưu tiên nguồn lực xây dựng các công trình thủy lợi cấp nước, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh;

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị hỗ trợ di dời người dân đến nơi an toàn đợt mưa lũ vừa qua.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị hỗ trợ di dời người dân đến nơi an toàn đợt mưa lũ vừa qua.

(3) Sửa chữa khẩn cấp các hồ chứa đang bị hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn;

(4) Nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, sửa chữa công trình trên kênh; khôi phục công trình ở các địa phương bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ lớn vừa qua; hỗ trợ kinh phí mua hóa chất xử lý nước hộ gia đình; xây dựng, nâng cấp các bể chứa nước hộ gia đình, các công trình cấp nước tập trung nông thôn; đầu tư mới các công trình cấp nước tập trung nông thôn ở những vùng thường xuyên bị xảy ra thiên tai lũ, ngập lụt, úng.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia giao 18 lớp tập huấn có giải pháp khắc phục sản xuất sau bão lũ

Trao đổi với PV báo NNVN tại hội nghị, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nói: Trung tâm đã giao 18 lớp tập huấn cho 5 tỉnh miền Trung gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế có các giải pháp khắc phục sản xuất sau bão lũ.

Hiện nay đã giao cho Trung tâm Khuyến nông các tỉnh xử lý môi trường, thúc đẩy sản xuất các loại rau màu, xử lý các ao nuôi, chăn nuôi gia súc gia cầm. Kêu gọi các doanh nghiệp vào cuộc.

Trung tâm đã kêu gọi được 12 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn Bồ Đề, Tập đoàn Việt Đức, một số doanh nghiệp về chăn nuôi đã hỗ trợ các chế phẩm xử lý môi trường...

Trung tâm cũng đã phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam khảo sát ở các tỉnh miền Trung. Trước mắt đã thực hiện khắc phục vườn cam, bưởi, đặc biệt là thanh trà ở tỉnh Thừa Thiên - Huế; khắc phục vườn hồ tiêu; cải tạo diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp…

Sắp tới Trung tâm sẽ in khoảng 5.000 tờ tài liệu cấp cho Trung tâm Khuyến nông các tỉnh. Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục đề xuất kinh phí, nhân lực để giúp các tỉnh khôi phục sản xuất sau bão lũ.

Quảng Trị: Thiên tai gây thiệt hại nông nghiệp hơn 3.000 tỷ đồng

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Quảng Trị gánh 4 đợt lũ chồng lũ, 3 cơn bão, khiến 3 người chết, 56 người mất tích, hàng chục người bị thương. Thiệt hại về nông nghiệp là khoảng 3.000 tỷ đồng. Hơn 1.600ha đất bị bồi lấp, trong đó 1.500ha bị thay đổi hiện trạng cần khôi phục để sản xuất vụ đông. Nguồn giống cây trồng, vật nuôi bị thiếu hụt nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường khiến nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị: Tỉnh phải gánh 4 đợt lũ chồng lũ, 3 cơn bão chỉ trong một thời gian ngắn.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị: Tỉnh phải gánh 4 đợt lũ chồng lũ, 3 cơn bão chỉ trong một thời gian ngắn.

Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, UBND tỉnh đã đôn đốc từng vùng, từng địa phương khẩn trương khắc phục. Vụ sạt lở vùi lấp hàng chục cán bộ, chiến sỹ tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Hướng Hóa (Quảng Trị) là sự kiện rất đau xót, song tỉnh đã phối hợp với quân đội mau chóng khắc phục.

Tỉnh cũng thành lập đoàn công tác phối hợp với các địa phương để đánh giá tình hình, ổn định lại sản xuất nông nghiệp.

Đối với những vùng đất bị vùi lấp bởi lớp mặt chủ yếu là cát mịn như đất trồng lúa nước (tại xã Triệu Giang - Triệu Phong - Quảng Trị), cần phân loại để tiếp tục trồng lúa hoặc chuyển sang cây trồng cạn. Trường hợp lớp cát vùi lấp có độ sâu dưới 20cm: có thể cày vùi cát, san phẳng sau đó tiếp tục cày, bừa kỹ đất để trồng lúa nước.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói về thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng do bão, lũ gây ra. Ảnh: Định Nguyễn.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói về thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng do bão, lũ gây ra. Ảnh: Định Nguyễn.

Trường hợp lớp cát vùi lấp có độ sâu 20 - 50cm, địa hình trũng, không thể chuyển sang trồng cây trồng cạn cần cải tạo để tiếp tục trồng lúa nước sau khi thu gom và chuyển lớp cát mịn ra khỏi ruộng; cày lật đất, kết hợp khử độc và cải tạo đất.

Trường hợp lớp cát vùi lấp sâu >50cm, cần cải tạo để chuyển sang trồng cây trồng cạn sau khi đã dọn vệ sinh bề mặt; cày sâu (> 30 cm), kết hợp khử độc và cải tạo đất.

Miền Trung gánh chịu đợt thiên tai chưa từng thấy trong lịch sử

Khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Kể từ trung tuần tháng 9 đến trung tuần tháng 11, miền Trung của chúng ta chịu đợt thiên tai chưa từng thấy trong lịch sử. Chỉ gần 2 tháng mà phải hứng chịu 9 cơn bão, xen vào đó là 2 đợt áp thấp. Đây là hiện tượng dị thường.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Định Nguyễn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Định Nguyễn.

Chưa năm nào trong nhiều đợt quan trắc gần đây lại có số cơn bão dồn dập, dị thường như vậy. Mưa lớn cũng ở mức chưa từng thấy trong lịch sử. Ở Quảng Trị, ở Thừa Thiên - Huế có những điểm đo được hơn 4.000mm. Đây là điều vô cùng bất thường.

Bão, mưa, gió lớn, thủy triều, hướng gió thay đổi, gây thiệt hại vô cùng lớn về người và vật chất. Sơ bộ đánh giá 249 người gồm nhân dân và chiến sĩ đã thiệt mạng, thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ đồng.

Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt. Chưa bao giờ trong các kỳ họp Quốc hội, vấn đề biến đổi khí hậu được đề cập liên tục. Thủ tướng cũng chỉ đạo quyết liệt công tác khắc phục hậu quả sau bão.

Thủ tướng đã thành lập đoàn chỉ đạo tiền phương ngay từ khi bão mới vào Biển Đông. 6 tỉnh miền Trung cùng quân khu 5, quân khu 4, các thành phần kinh tế cũng tích cực ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ". Kết thúc từng cơn bão, áp thấp, mưa lớn, Thủ tướng đã chỉ đạo cụ thể đến các Bộ, ngành, địa phương bằng các biện pháp cụ thể.

Đánh giá thiệt hại, thì nông nghiệp là lĩnh vực bị tổn thương lớn, lâu dài. Thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp đều bị thiệt hại và cần biện pháp khôi phục.

***

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra tuyến đê kè biển Nhân Trạch, ngày 14/11/2020. Ảnh: N.Tâm.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra tuyến đê kè biển Nhân Trạch, ngày 14/11/2020. ẢnhN.Tâm.

Từ giữa tháng 9/2020, bão, lũ đã xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung với quy mô rộng lớn, cường độ rất mạnh, gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” chưa từng có trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn.

Theo báo cáo của các địa phương, các cơn bão, lũ từ cuối tháng 9/2020 đến giữa tháng 11/2020 đã làm 1.531 ngôi nhà bị sập đổ; 239.341 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 30.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề.

Tổng diện tích đất nông nghiệp bị vùi lấp khoảng 2.624 ha. Độ sâu vùi lấp, đặc điểm lớp phủ bề mặt tại các điểm bị vùi lấp rất khác nhau và phần lớn lớp đất vùi lấp được phân thành tầng rõ rệt, do đó phải căn cứ vào hiện trạng của từng điểm cụ thể để có giải pháp khôi phục phù hợp.

Gần 43.000 con gia súc, trên 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là tỉnh Quảng Bình: 18.755 con gia súc, 897.994 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỷ đồng cho 09 tỉnh gồm: Hà Tĩnh: 150 tỷ đồng, Quảng Bình: 150 tỷ đồng, Quảng Trị: 210 tỷ đồng, Thừa Thiên - Huế: 170 tỷ đồng, Quảng Nam: 250 tỷ đồng, Nghệ An: 50 tỷ đồng, Quảng Ngãi: 150 tỷ đồng, Bình Định: 70 tỷ đồng và Kon Tum: 50 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và Bộ Nông nghiệp và PTNT kêu gọi các tổ chức quốc tế (ADB, WB, JICA, AHA, UNDP...) và một số nước (Hoa Kỳ, Hàn Quốc...), đã hỗ trợ tiền và một số hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 21,53 triệu USD (tương đương 500 tỷ đồng).

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.