| Hotline: 0983.970.780

Khắc phục ngay các điểm sạt lở tại Mù Cang Chải

Thứ Tư 30/08/2023 , 19:25 (GMT+7)

Chú trọng việc vẽ bản đồ sạt trượt, quy hoạch dân cư gắn với phát triển kinh tế sẽ đóng vai trò quyết định cho tỉnh Yên Bái trong phòng, chống sạt lở, lũ quét.

Ngày 30/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đến thăm, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Thiệt hại lớn trong thời gian ngắn

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiểm tra, khảo sát công tác xây dựng kè dọc suối Nậm Kim đoạn bắt đầu từ Trạm y tế xã Hồ Bốn đến trường mầm non xã. Đây là khu vực bị mưa lũ gây sạt lở và hư hại nhiều công trình công cộng như trường học, trạm y tế, đường giao thông và nhà ở dân cư. Tại đây, đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà và động viên cán bộ, nhân viên, giáo viên của trạm y tế xã và Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hồ Bốn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Ông Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải báo cáo với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT về tình hình thiệt hại trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua. Theo đó, tổng giá trị thiệt hại ước tính gần 400 tỷ đồng, trong đó về nhà ở thiệt hại hơn 32 tỷ đồng; sản xuất nông nghiệp thiệt hại trên 20 tỷ đồng; về cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, nước sạch, giáo dục, y tế, công nghiệp, thông tin liên lạc... thiệt hại trên 325 tỷ đồng.

Lũ quét đã làm chết 3 người, thiệt hại 250 nhà, trong đó: 57 ngôi nhà bị sập, lũ cuốn trôi hoàn toàn, 87 ngôi nhà thiệt hại nặng và 65 nhà phải di dời khẩn cấp. Trong lĩnh vực nông nghiệp, thiên tai đã làm thiệt hại 165ha lúa, ngô, cây màu; làm chết hơn 4.200 con gia súc, gia cầm. Ngoài ra, nhiều cột điện bị đổ gãy, sạt lở tuyến Quốc lộ 32 với khối lượng gần 60.000m3; nhiều công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn bị sạt lở gây đứt gãy.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp tặng quà cho Trạm y tế xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp tặng quà cho Trạm y tế xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.

Với phương châm “4 tại chỗ”, huyện Mù Cang Chải đã huy động tối đa lực lượng để cứu trợ và khắc phục hậu quả. Đến nay, 24 hộ dân bị mất nhà đã dựng lại nhà ở mới, các hộ khác đang san nền và chờ đất tái định cư, các ngôi nhà bị hư hỏng đã khắc phục xong.

Đặc biệt, việc khắc phục, sửa chữa các hạng mục công trình thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở, Trạm Y tế xã Hồ Bốn được thực hiện nhanh và hiệu quả.

Trường học dự kiến sẽ khôi phục hoàn toàn trước ngày khai giảng, Trạm y tế đã trở lại hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân từ ngày 14/8. Các công trình giao thông, điện, thủy lợi, nước sạch đang tiếp tục được khắc phục với quyết tâm sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.

Thứ trưởng chỉ đạo tỉnh Yên Bái cần tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ để đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất. Ảnh: Thanh Tiến.

Thứ trưởng chỉ đạo tỉnh Yên Bái cần tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ để đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Nỗ lực phi thường

Sau đợt mưa rất lớn ở miền núi phía Bắc vào đầu tháng 8, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, trong đó thường trực là Bộ NN-PTNT phải thành lập ngay các đoàn công tác đi khảo sát, kiểm tra đánh giá thiệt hại thực tế. Đồng thời, Thủ tướng đã chỉ đạo dành một nguồn kinh phí đủ để có thể khắc phục ngay các điểm sạt lở, đứt gãy hạ tầng và đảm bảo sinh hoạt bình thường cho bà con miền núi.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Yên Bái là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Đợt mưa lớn từ ngày 5 - 15/8 đã gây ra 2 đợt lũ lớn, tổng thiệt hại khoảng trên 400 tỷ đồng. Vấn đề đặt ra là đối với các tỉnh miền núi phía Bắc thì đây mới là đầu mùa mưa, nên còn rất nhiều câu chuyện cần phải quan tâm trong mùa mưa bão này.

Thứ trưởng đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm cũng như cách thức chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải trong việc huy động lực lượng tại chỗ. Điển hình là ngay sau khi đứt gãy đường giao thông, nhà cửa của các hộ dân bị sập đổ, huyện đã huy động ngay lập tức khoảng 300 cán bộ, chiến sỹ, thanh niên tình nguyện để hỗ trợ bà con nhanh chóng đưa cuộc sống quay trở lại bình thường.

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hồ Bốn, nơi chỉ hơn 20 ngày trước còn tan hoang, hư hại thì đến nay đã có thể đón học sinh trở lại trường học tập và sinh hoạt bình thường. Trạm y tế tưởng như đã bị xóa xổ nhưng đến ngày hôm nay quay trở lại hoạt động khám chữa bệnh cho người dân được thì có thể nói là nỗ lực phi thường.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thăm các em học sinh của Trường Phổ thông bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hồ Bốn. Ảnh: Thanh Tiến.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thăm các em học sinh của Trường Phổ thông bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hồ Bốn. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, để đảm bảo khắc phục lâu dài, thời gian tới Bộ NN-PTNT sẽ tham mưu với Chính phủ và phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục có giải pháp khắc phục, ứng phó mưa lũ đối với tỉnh Yên Bái nói riêng và các tỉnh nói chung. Giải pháp trước mắt là khắc phục nhanh các điểm sạt lở lớn, xây dựng kè bờ sông, bờ suối. Trích từ quỹ dự phòng ngân sách Trung ương để các tỉnh khắc phục ngay, đặc biệt là hệ thống công trình thủy lợi để người dân có thể sản xuất ổn định cuộc sống.  

Về lâu dài, với những vùng như Yên Bái thì phải có các giải pháp rất căn cơ. Trong đó, cần chú trọng việc đánh giá, vẽ bản đồ sạt trượt, quy hoạch dân cư, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế sẽ đóng vai trò quyết định trong phòng, chống sạt lở phòng, chống thiên tai, lũ quét.

Khu vực tại xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải bị thiệt hại sạt lở cần được xây dựng kè bờ suối để đảm bảo an toàn lâu dài. Ảnh: Thanh Tiến.

Khu vực tại xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải bị thiệt hại sạt lở cần được xây dựng kè bờ suối để đảm bảo an toàn lâu dài. Ảnh: Thanh Tiến.

Thứ hai, để phát triển kinh tế vừa nhanh vừa bền vững, trong quy hoạch chung phát triển của địa phương cần tính toán những vùng đảm bảo an toàn thì quy hoạch khu vực đó có khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp, những vùng có nguy cơ thì tuyệt đối không quy hoạch khu dân cư vào đó.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, cùng với đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, các địa phương phải tập trung đảm bảo chất lượng rừng, số lượng rừng, đảm bảo độ che phủ, đảm bảo tính phân bố của rừng một cách hợp lý. Đối với những chỗ xung yếu thì rừng ở đấy phải chất lượng tốt hơn những chỗ khác, có như thế chúng ta mới có thể đảm bảo cho câu chuyện ổn định lâu dài.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

PHÚ THỌ Diễn đàn phổ biến bộ giống chè chất lượng cao và yêu cầu của thị trường trọng điểm, hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.