Ban Tổ chức Lễ hội Xuân Yên Tử 2023 cho biết, lễ khai hội năm nay gồm các hoạt động rước kiệu, dâng lễ, với các nghi lễ tâm linh như: Gióng trống, thỉnh chuông, lễ chúc phúc đầu năm, lễ cầu Quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử...
Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, phần hội năm nay hứa hẹn mang đến cho du khách không khí xuân mới, vui tươi, phấn khởi với nhiều hoạt động văn hóa lễ hội đặc sắc như: Đêm hội hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, múa võ thuật cổ truyền; các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương, Yên Tử; trưng bày tranh, ảnh về vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử; văn hoá Ẩm thực dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử;…
Dự kiến năm nay sẽ có hơn 1 triệu phật tử, nhân dân và khách du lịch về Yên Tử trong thời gian Hội xuân năm 2023.
Chiều 30/1, lãnh đạo TP Uông Bí đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị cho Lễ khai hội Xuân Yên Tử năm 2023. Ông Phạm Tuấn Đạt - Chủ tịch UBND Thành phố đã yêu cầu Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, Công ty Cổ phần phát triển Tùng Lâm và các đơn vị liên quan cần đảm bảo tốt công tác vệ sinh ATTP, công tác y tế, an ninh trật tự, tuyên truyền trực quan.
Đặc biệt, khu vực lễ đài - nơi diễn ra Lễ khai hội Xuân Yên Tử cần trang trí khánh tiết, trang hoàng mang đậm nét văn hóa. Dọc các tuyến đường từ Dốc Đỏ đến khu trung tâm diễn ra Lễ hội cần đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho du khách đi tham dự lễ hội được thuận tiện.
"Trong ngày diễn ra Lễ khai hội, lượng khách hành hương về Yên Tử rất đông do vậy công tác đảm bảo ATGT phải được đặt lên hàng đầu. Các nghi lễ diễn ra trong Lễ khai hội cần gọn nhẹ nhưng vẫn đảm bảo trang trọng và trang nghiêm", Chủ tịch TP Uông Bí nhấn mạnh.
Trao đổi với PV, ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, cho biết vì lượng du khách lớn nên Công an TP Uông Bí sẽ huy động rất đông công an chuyên nghiệp tăng cường đảm bảo an toàn cho Lễ hội xuân Yên Tử. Trong số những chiến sỹ mặc quân phục còn có nhiều cảnh sát hình sự mặc thường phục "nằm vùng" tại các khu vực của Yên Tử. Do đó, những "phần tử" có ý định trộm cắp, móc túi cũng khó có đất "dụng võ", đảm bảo cho du khách gần như an toàn tuyệt đối khi đến đây
"Ngoài việc đảm bảo an ninh, tại Yên Tử hàng chục năm nay không còn xuất hiện người ăn xin", ông Dũng khẳng định.
Để tránh tình trạng du khách bị "chặt chém" vào mùa lễ hội, UBND TP Uông Bí đã ủy quyền cho Phòng Tài chính Uông Bí kết hợp cùng Ban quản lí, Công ty Tùng Lâm họp với các hộ kinh doanh và niêm yết giá, đặc biệt là các cửa hàng ăn uống lớn nên không có hiện tượng "chặt chém". Ví dụ như của hàng nào đăng ký chuyên về ăn uống thì sẽ được niêm yết giá cụ thể như 1 bát phở là bao nhiêu tiền...
Ông Dũng cho biết thêm, nếu như du khách nào mua hàng bị "chặt chém" ở đây và phản ánh lại với Ban quản lí, cửa hàng đó lập tức sẽ bị rút giấy phép kinh doanh và chấm dứt hợp đồng.
Với sự chuẩn bị chu đáo, lãnh đạo TP Uông Bí hi vọng Lễ hội Xuân Yên Tử năm 2023 sẽ là điểm đến ấn tượng cho mỗi phật tử, du khách thập phương khi về miền văn hóa tâm linh, nơi Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.