Đến dự lễ khai mạc có ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM; ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM; bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cùng nhiều lãnh đạo các sở ban ngành TP.HCM và các tỉnh thành khu vực phía Nam.
Đây là sự kiện trong chuỗi hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng năm 2023 của TP.HCM nhân dịp ngày hội "Non sông thống nhất" kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) và 137 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2023).
Hoa lan, cây kiểng là những cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nền nông nghiệp hiện đại, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của người dân. Những năm qua, TP.HCM tập trung phát triển hoa lan và cây kiểng theo hướng giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Festival Hoa lan đã chính thức trở lại sau 4 năm tạm hoãn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
"Festival Hoa lan phải là điểm nhấn, món ăn tinh thần của người dân TP.HCM trong năm nay và những năm tiếp theo. Đây không chỉ là nơi giao thương hoa lan cho các HTX, nhà vườn mà còn là sân chơi, thưởng lãm cho người dân trên địa bàn Thành phố. Tôi giao Sở NN-PTNT, Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố... cùng nghiên cứu đề án xây dựng và phát triển Công viên Tao Đàn thành công viên hoa của Thành phố", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo.
Cũng theo ông Võ Văn Hoan, Festival sẽ là cầu nối giữa nhà nước với nhà nông và người tiêu dùng trong lĩnh vực nông nghiệp để hướng đến mục tiêu xây dựng “nông dân văn minh - nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại”.
Festival giúp nông dân và doanh nghiệp kết nối cung cầu các sản phẩm hoa kiểng, mô hình hoa lan, cây kiểng gắn với du lịch Thành phố ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, đáp ứng nhu cầu, lòng tin của khách tham quan. Công viên Tao Đàn sẽ hướng đến công viên làng hoa để trở thành một điểm đến tham quan du lịch cho người dân và du khách.
Festival Hoa lan lần II năm nay có khu giới thiệu quy trình sản xuất và chăm sóc lan, khu giới thiệu các giống lan rừng, lan lai tạo và cây kiểng; khu trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp của TP.HCM. Festival là sự kiện không chỉ tôn vinh thương hiệu hoa lan - hoa cây kiểng TP.HCM mà còn góp phần quảng bá thương hiệu, tạo đầu ra bền vững, tăng thu nhập cho các nhà vườn, tạo cảnh quan cho không chỉ vùng ven mà cả trung tâm TP.HCM.
Trong khuôn khổ Festival Hoa lan TP.HCM lần II năm 2023, Ban tổ chức đã lồng ghép tổ chức Hội thi hoa lan với chủ đề “Nâng cao năng lực sản xuất các giống lan, cây kiểng phục vụ thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu”.
Hội thi diễn ra từ ngày 25 - 27/4/2023 đã thu hút gần 300 mẫu lan tham gia dự thi theo 5 nhóm lan do Ban tổ chức quy định, gồm lan Dendrobium; lan Cattleya; lan đơn thân (Vanda, Mokara, Acocenda…); lan khác (Hài, Kiếm, Vũ nữ,…) và lan rừng với 70 nhà vườn đến từ các tỉnh thành như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre…
Hội thi nhằm giới thiệu các giống lan bản địa, các giống lan mới lai tạo được trồng tại thành phố và các tỉnh, thành có thế mạnh về sản xuất, kinh doanh hoa lan. Qua đó, tạo cơ hội cho các nhà vườn, tổ hợp tác, hợp tác xã, nghệ nhân… gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc lan, đặc biệt là những loài lan có giá trị kinh tế cao, góp phần tôn vinh thương hiệu hoa lan và các loại hoa kiểng là sản phẩm chủ lực nông nghiệp thành phố.
Ban tổ chức và Ban giám khảo là những nghệ nhân có nhiều năm kinh nghiệm “cầm cân nảy mực” đã cùng nhau bàn bạc, thống nhất một cách công tâm và chọn ra 55 mẫu lan đặc sắc, tiêu biểu nhất để trao giải thưởng cho những nghệ nhân tham gia hội thi. Các mẫu lan đạt giải thưởng sẽ được trưng bày triển lãm tại Festival từ ngày 28/4 - 2/5 để phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn của người dân Thành phố cũng như khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Festival Hoa lan TP.HCM lần thứ II năm 2023.
Kết quả Hội thi hoa lan trong khuôn khổ Festival Hoa lan TP.HCM, lần II năm 2023
Giải nhất (05 giải)
+ Nghệ nhân Lâm Khương Quyền (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ)
+ Nghệ nhân Trần Hoài Ẩn (Câu lạc bộ Hoa lan Vườn Hoa, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)
+ Nghệ nhân Trần Thanh Đam (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng)
+ Nghệ nhân Trần Dũng (Vườn lan Hiền Trước, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)
+ Nghệ nhân Trịnh Văn Sĩ (Vườn lan Văn Sĩ, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).
Giải Nhì (10 giải)
+ Nghệ nhân Đoàn Ngọc Long (quận 10, TP.HCM)
+ Nghệ nhân Đinh Vĩnh Khang (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng)
+ Nghệ nhân Nguyễn Hoàng Bảo (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai)
+ Nghệ nhân Trần Hoài Ẩn (Câu lạc bộ Hoa lan Vườn Hoa, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)
+ Nghệ nhân Trần Ngọc Bưu (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)
+ Nghệ nhân Nguyễn Thanh Hải (quận Bình Thạnh, TP. HCM)
+ Nghệ nhân Đoàn Ngọc Long (quận 10, TP.HCM)
+ Nghệ nhân Nguyễn Văn Chung (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương)
+ Nghệ nhân Vũ Đức Nghi (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng)
+ Nghệ nhân Trịnh Châu Cường (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng)
Giải Ba (15 giải)
+ Nghệ nhân Nguyễn Phúc Hưng (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế)
+ Nghệ nhân Đoàn Ngọc Long (Quận 10, TP.HCM)
+ Nghệ nhân Nguyễn Trung Quốc (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang)
+ Nghệ nhân Trần Hoài Ẩn (Câu lạc bộ Hoa lan Vườn Hoa ,TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)
+ Nghệ nhân Huỳnh Minh Đức (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)
+ Nghệ nhân Phạm Thị Yến Nhi (Vườn lan Cô Ba Hoa, xã Phú Khương, tỉnh Bến Tre)
+ Nghệ nhân Lê Trọng Châu, (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)
+ Nghệ nhân Lê Văn Dum (huyện Củ Chi, TP.HCM)
+ Nghệ nhân Lê Văn Dũng (TP Thủ Đức, TP.HCM)
+ Nghệ nhân Trần Hoài Ẩn (Câu lạc bộ Hoa lan Vườn Hoa, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)
+ Nghệ nhân Nguyễn Hoài Nam (quận 7, TP.HCM)
+ Nghệ nhân Nguyễn Minh Trang (huyện Phú Tân, tỉnh Bến Tre)
+ Nghệ nhân Đặng Tri (huyện Hóc Môn, TP.HCM)
+ Nghệ nhân Trần Hoài Ẩn (Câu lạc bộ Hoa lan Vườn Hoa, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)
+ Nghệ nhân Trịnh Văn Sĩ (Vườn lan Văn Sĩ, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng)