| Hotline: 0983.970.780

Hoa lan TP.HCM chinh phục thị trường nội địa, hướng ra thế giới

Bài 3: Hoa lan hướng tới thị trường thế giới

Thứ Tư 12/04/2023 , 15:54 (GMT+7)

Với tiềm năng lớn, hoa lan ở TP.HCM không chỉ đang đáp ứng ngày càng tốt hơn cho thị trường nội địa mà còn hướng ra thị trường thế giới.

Cán bộ khuyến nông trao đổi kỹ thuật trồng lan với bà Nguyễn Thị Bé (áo nâu), chủ vườn lan Minh Dũng, huyện Củ Chi. Ảnh: Thanh Sơn.

Cán bộ khuyến nông trao đổi kỹ thuật trồng lan với bà Nguyễn Thị Bé (áo nâu), chủ vườn lan Minh Dũng, huyện Củ Chi. Ảnh: Thanh Sơn.

Cung chưa đủ cầu

Tiềm năng phát triển của hoa lan ở TP.HCM được đánh giá là vẫn còn rất lớn, nhất là khi sản lượng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường thành phố cũng như cả nước.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, chủ vườn lan Dendro (Dendrobium) ở xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, cho biết, thị trường hiện đang rất ưa chuộng lan Dendro vì hoa đẹp, đa dạng màu sắc mà giá cả tương đối phù hợp với khả năng chi tiêu của người dân.

Vừa qua, do ảnh hưởng khó khăn kinh tế, việc tiêu thụ lan Dendro và các loại lan khác có chậm lại so với trước dịch nhưng các nhà vườn vẫn bán được hết. Trên cơ sở đó, ông Hoàng nhận định, trong thời gian tới, khi kinh tế ổn định trở lại, chắc chắc tiêu thụ hoa lan sẽ trở lại bình thường vì trên thực tế nguồn cung hoa lan hiện nay chưa đủ so với nhu cầu của người dân thành phố.

Ông Lưu Cẩm Hùng, chủ vườn lan Sơn Hà ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh cũng cho rằng việc tiêu thụ hoa lan đang chậm lại trong những tháng quả chỉ là vấn đề nhất thời do ảnh hưởng của khó khăn kinh tế. Khi nhu cầu phục hồi trở lại và tăng lên thì nghề trồng hoa lan ở thành phố sẽ phát triển mạnh hơn những năm trước, bởi hoa lan chơi được lâu, đa dạng màu sắc mà giá lại không đắt.

Hoa lan chơi được lâu, đa dạng màu sắc. Ảnh: Thanh Sơn.

Hoa lan chơi được lâu, đa dạng màu sắc. Ảnh: Thanh Sơn.

Ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, chia sẻ “Tôi cho rằng tiềm năng của cây hoa lan rất là lớn bởi vì hiện nay, việc sản xuất lan ở TP.HCM còn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường nội địa trong điều kiện bình thường. Ví dụ như vào những dịp Tết, các vườn lan không đủ hàng để cung cấp cho các đầu mối để người ta đưa về các tỉnh”.

Không chỉ thị trường nội địa, nhu cầu tiêu thụ hoa lan trên thị trường thế giới cũng đang rất lớn. Chính vì vậy, ngành hoa lan thành phố cũng đang hướng tới việc tiếp cận với thị trường hoa lan thế giới.

500 ha hoa lan vào năm 2030

Với hiệu quả kinh tế cao và tiềm năng lớn về thị trường, TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây hoa lan trong thời gian tới.

Ông Phạm Lâm Chính Văn cho rằng, để ngành hoa lan thành phố phát triển mạnh hơn nữa, trước hết, phải phải đẩy mạnh nghiên cứu, lai tạo ra những giống mới đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và có thể tiếp cận thị trường thế giới.

Một số tổ hợp giống lan lai tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM. Ảnh: Thanh Sơn.

Một số tổ hợp giống lan lai tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM. Ảnh: Thanh Sơn.

Theo đó, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, đặc biệt là Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, tiến hành nghiên cứu, lai tạo những giống hoa lan mới, mang bản sắc hoa lan Việt Nam.

Khảo sát ý kiến của nhiều chủ vườn lan ở Củ Chi, Bình Chánh, cho thấy, để mở rộng diện tích sản xuất hoa lan của thành phố, cái thiếu nhất của nông dân hiện nay là vốn, vì đầu tư để sản xuất hoa lan là khá lớn. Bên cạnh đó, nguồn giống chất lượng tốt, giống lan mới cũng đang là mối quan tâm của các nhà vườn.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, ngành nông nghiệp thành phố đang tập trung cho những nhóm vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của hoa lan. Về giống, ngành nông nghiệp thành phố đã đặt ra yêu cầu đối với hoạt động của các đơn vị nhà nước cũng như hỗ trợ cho các phòng thí nghiệm liên quan đến nuôi cấy mô nhằm tập trung vào sản xuất giống hoa lan để đáp ứng được 50-60% nhu cầu cây giống tại thành phố.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp thành phố cũng đưa ra những giải pháp liên quan đến hỗ trợ về mặt công nghệ, với mục tiêu 70% diện tích hoa lan ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Ngành nông nghiệp thành phố đang đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất hoa lan quy mô lớn, tập trung vào việc tham mưu để thành phố ban hành những chính sách liên quan tới kích cầu đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có hỗ trợ lãi vay đối với các hoạt động liên quan tới sản xuất hoa lan. Đồng thời, đẩy mạnh việc hình thành các chuỗi giá trị hoa lan, từ sản xuất tới tiêu thụ, và gắn nghề trồng hoa lan với các hoạt động du lịch nông thôn ở TP.HCM.

Vườn lan Mokara của ông Trần Hồng Phúc ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. Ảnh: Thanh Sơn.

Vườn lan Mokara của ông Trần Hồng Phúc ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. Ảnh: Thanh Sơn.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM

Hoa lan là một trong những sản phẩm chủ lực và thể hiện rõ tính đặc thù của nông nghiệp đô thị của TP.HCM. Hiện nay, ngành hoa lan đang đóng góp từ 10-12% tỉ lệ tăng trưởng của nông nghiệp thành phố.

Ngành nông nghiệp TP.HCM đã định hướng đến năm 2030, diện tích hoa lan của thành phố là 500 ha. Qua đó, mỗi năm có thể cung ứng khoảng 100 triệu cành lan và khoảng 800 nghìn chậu lan cho thị trường trong nước và xuất khẩu tới một số thị trường nước ngoài.

Xem thêm
Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn Việt Nam

Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Lào và Campuchia.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.