2 vùng trồng hoa lan chủ lực
Hơn 20 năm trước, hoa lan còn là một loại cây trồng khá xa lạ đối với nông dân TP.HCM. Thống kê của ngành nông nghiệp thành phố cho thấy, năm 2003, toàn thành phố chỉ có vỏn vẹn 20 ha hoa lan.
Dù diện tích hoa lan khi ấy còn rất nhỏ bé, nhưng TP.HCM đã thấy được tiềm năng lớn của loại cây trồng này. Tháng 2/2004, UBND TP.HCM ban hành Chương trình mục tiêu phát triển hoa, cây kiểng, cá cảnh trên địa bàn thành phố. Trong đó, hoa lan được xác định là một trong những sản phẩm hoa chủ lực, bên cạnh nhóm hoa cao cấp và nhóm hoa nền.
Đây là một chủ trương đúng đắn vì nhu cầu tiêu thụ hoa lan ở TP.HCM những năm đầu thế kỷ 21 liên tục tăng lên, mà khi ấy, nguồn cung tại chỗ còn khá ít. Vì vậy, hoa lan tiêu thụ tại thành phố chủ yếu đến từ Đà Lạt cộng với một phần nhập khẩu từ nước ngoài.
Trong khi đó, vùng nông thôn của thành phố lại có điều kiện phù hợp để phát triển loại cây trồng này, nhất là với những giống lan có nhu cầu lớn trên thị trường là Mokara và Dendrobium.
Đã có chủ trương của thành phố, nhưng để nông dân vốn chưa có tập quán trồng lan mạnh dạn chuyển những ruộng lúa và cây trồng kém hiệu quả sang trồng hoa lan, không phải là chuyện dễ dàng.
Hiểu rõ điều đó, ngay sau khi TP.HCM ban hành Chương trình mục tiêu phát triển hoa, cây kiểng, cá cảnh, ngành nông nghiệp và hệ thống khuyến nông thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, xây dựng các mô hình trình diễn ... Nhờ đó, nhiều nông dân thành phố đã nắm vững kỹ thuật và áp dụng thành công trong việc chuyển đổi từ lúa hay các cây trồng khác sang hoa lan.
Ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết, đặc biệt, trong khoảng hơn 5 năm qua, Trung tâm đã chuyển giao thành công 200 mô hình trồng lan cho nông dân trên địa bàn, nhờ đó giúp phát triển thêm gần 100 ha để nâng tổng diện tích hoa lan toàn thành phố lên 375 ha.
Hiện nay, ở TP.HCM đã hình thành 2 vùng trồng hoa lan chủ lực là Củ Chi (tập trung vào giống Mokara) và Bình Chánh (giống lan chính là Dendrobium). Hoa lan được sản xuất ở vùng nông thôn TP.HCM … hiện không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố mà còn được đưa đi tiêu thụ trên khắp cả nước.
Ông Lưu Cẩm Hùng, chủ vườn lan Sơn Hà ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, cho biết, ông thường xuyên đóng thùng các chậu lan Dendrobium và gửi các nhà xe chở đi giao cho bạn hàng ở nhiều tỉnh, thành phố. Nhằm đáp ứng được các đơn hàng lớn, đòi hỏi màu sắc hoa phải đa dạng, ông Hùng đã liên kết với nhiều vườn lan nhỏ hơn tạo thành một hệ thống vườn lan vệ tinh, qua đó chia sẻ kỹ thuật canh tác và thu mua sản phẩm để cung ứng cho khách hàng.
Chủ động nguồn giống hoa lan
Song song với sự phát triển của cây hoa lan ở TP.HCM trong những năm qua, công tác nghiên cứu, lai tạo và nhân giống cũng đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.
Thạc sỹ Hà Thị Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, cho biết, trước đây, lượng giống lan nhập khẩu từ nước ngoài rất nhiều và cây giống từ nhân giống trong nước rất ít. Tuy nhiên, trong những năm gần đây các cơ sở nuôi cấy mô trong nước đã đẩy mạnh nhân giống, cung cấp ra thị trường.
Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM là một trong những cơ sở sản xuất giống hoa lan hàng đầu ở thành phố. Trung tâm đã nghiên cứu, nhân giống hoa lan từ 2006. Để phục vụ chương trình hoa lan, cây kiểng của thành phố, bắt đầu từ năm 2010, Trung tâm phát triển mạnh về công tác lai tạo giống hoa lan. Đến nay, Trung tâm đã đưa nhiều cặp lai vào nhân giống in vitro rồi đưa ra thị trường. Điển hình như với giống Dendrobrium đã có 17 cặp lai được nhân giống in vitro.
Ngoài các giống lan lai, hiện Trung tâm Công nghệ Sinh học đã nhân giống một số loài hoa lan đẹp, có tính thich nghi cao cũng như một số giống lan bản địa để cung cấp ra thị trường.
Các giống lan mà Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM lai tạo để đưa ra nhà vườn, được đánh giá là có khả năng thích nghi cao, sinh trưởng nhanh, cây khỏe, cho nhiều hoa …, nên đã được thị trường chấp nhận.
Ngay cả các nhà vườn cũng tích cực nhân giống hoa lan, vừa phục vụ cho nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất của trang trại, vừa để bán cây giống cho các vườn lan khác. Cây giống mà các vườn tự sản xuất và cung ứng ra thị trường có giá rẻ hơn nhiều so với cây giống nhập khẩu từ Thái Lan, qua đó góp phần giúp cho người trồng hoa lan thành phố giảm chi phí sản xuất và chủ động được nguồn cây giống.