| Hotline: 0983.970.780

Khai thác hải sản khó khăn, ngư dân bán tàu trả nợ ngân hàng

Thứ Năm 25/03/2021 , 09:01 (GMT+7)

Vay ngân hàng tiền tỷ để đóng tàu theo Nghị định 67, đến nay không ít ngư dân rơi vào tình cảnh khó khăn buộc phải bán tàu để trả nợ ngân hàng...

“Gán nợ” tàu 67

Vay ngân hàng tiền tỷ để đóng tàu theo Nghị định 67 (tàu 67) nhưng không ít ngư dân rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười. Ngư trường khai thác khó khăn, nhiều con tàu thu không bù chi; chủ tàu nợ nần năm này qua năm khác đành bán tàu trả nợ.

Tàu vỏ gỗ 67 của ông Hoàng Văn Sơn tại phường Hải Thanh hiện đang bị ngân hàng làm thủ tục phát mại. Ảnh: Võ Dũng.

Tàu vỏ gỗ 67 của ông Hoàng Văn Sơn tại phường Hải Thanh hiện đang bị ngân hàng làm thủ tục phát mại. Ảnh: Võ Dũng.

Phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) có 5 tàu 67 thì 2 chủ tàu đã bán trả nợ, 1 tàu hiện cũng đang bị ngân hàng làm thủ tục phát mại. Đa phần những tàu 67 này được đóng trị giá 7 - 9 tỷ đồng nhưng qua 3 - 4 năm sử dụng hiện chỉ bán được từ 1,2 - 3,8 tỷ đồng.

Con tàu 67 vỏ gỗ thu mua hải sản của ông Hoàng Văn Sơn tại phường Hải Thanh hiện đang bị ngân hàng làm thủ tục phát mại. Để đóng được con tàu trị giá 8,6 tỷ đồng, công suất 829 CV, năm 2017, gia đình ông đã vay ngân hàng 6 tỷ đồng. Tàu hạ thủy trong niềm vui vô bờ bến, năm đầu tiên, dù không mấy thuận lợi nhưng gia đình ông vẫn trả được 800 triệu đồng cả gốc lẫn lãi ngân hàng.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang, việc đánh bắt hải sản của các tàu bạn khó khăn, sản lượng thu mua giảm dần, gia đình ông phải bỏ tiền đầu tư cho các tàu khai thác nhưng vẫn không thu mua đủ sản lượng, nguồn vốn làm nghề cụt dần. Năm 2019, gia đình ông lỗ 1 tỷ đồng và đến năm 2020 thì lỗ 2 tỷ đồng. Vì thế, trong 2 năm 2019 và 2020, gần như gia đình ông không trả được đồng nào cho ngân hàng. Đến tháng 7/2020, ngân hàng đã thông báo “siết nợ” con tàu 67 số hiệu T.H 93683 TS của gia đình ông Sơn.

Theo ông Sơn, ngân hàng hiện đã làm xong thủ tục phát mại nhưng cùng lắm con tàu của ông cũng chỉ bán được vài tỷ đồng. Do chưa có khách hỏi mua, mấy tháng nay, ông được ngân hàng giao trông coi tàu không làm được việc gì kiếm ra tiền.

“Hiện tôi đang nợ ngân hàng trên 5 tỷ đồng, chưa kể các khoản nợ vay ngoài. Gần năm nay rồi không làm gì ra tiền, cuộc sống nhờ vào người vợ chạy hàng vặt ngoài chợ. Không chỉ tôi mà nhiều chủ tàu 67 ở địa phương, đặc biệt là tàu thu mua, dịch vụ hậu cần đang gặp nhiều khó khăn do nguồn hàng khan hiếm”, ông Sơn than vãn.

Tại phường Hải Bình 1/11 tàu 67 đã bị phát mại. Số còn lại, đa số nằm bờ hoặc vẫn cố hoạt động để giữ bạn thuyền nhưng ngày càng thua lỗ. Ảnh: Võ Dũng.

Tại phường Hải Bình 1/11 tàu 67 đã bị phát mại. Số còn lại, đa số nằm bờ hoặc vẫn cố hoạt động để giữ bạn thuyền nhưng ngày càng thua lỗ. Ảnh: Võ Dũng.

Theo bà Lê Thị Hồng Quyên, cán bộ khuyến nông - khuyến ngư phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn), số phận những chủ tàu ở đây cũng không lấy gì làm sáng sủa. Phường Hải Bình có 11 tàu 67, hiện đã có 1 tàu bị phát mại, chỉ 30% số tàu hoạt động hiệu quả, còn đa số nằm bờ hoặc vẫn cố hoạt động để giữ bạn thuyền nhưng thua lỗ.

“Ông Nguyễn Văn Lương, chủ tàu 67 lúc đó đầu tư đóng tàu 825 CV với trị giá 7 tỷ đồng nhưng lúc bán phát mại chỉ được 2,5 tỷ đồng. Nhiều chủ tàu 67 khác cũng lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần do đánh bắt, thu mua không hiệu quả”, bà Quyên cho hay.

Ông Nguyễn Văn Lệ, chủ tàu 67 tại tổ dân phố Liêm Thịnh, phường Hải Bình cho biết, tàu của ông trị giá 10,4 tỷ đồng, hạ thủy năm 2018. Trừ năm đầu còn lãi, hai năm liên tiếp 2019 - 2020 ông đều lỗ 1 - 1,2 tỷ đồng/năm do không có hàng để thu mua. Với tình trạng không thể trả cả lãi lẫn gốc, gia đình ông cũng sắp rơi vào tình cảnh phải bán tàu trả nợ cho ngân hàng.

Số lượng tàu thuyền đánh bắt, khai thác, thu mua hải sản ở phường cũng có xu hướng giảm. Số lượng tàu giảm là lẽ tất yếu vì gần nửa tàu thuyền của ngư dân trong phường hiện phải nằm bờ. “Tàu nằm bờ ngày càng nhiều vì đánh bắt không hiệu quả, 90% chủ tàu lâm vào cảnh nợ nần. Còn chuyện chủ tàu ở đây bị siết nợ vì không đảm bảo trả gốc, lãi ngân hàng thì không hiếm. Cách đây mấy ngày cũng có 2 - 3 tàu của ngư dân bị siết nợ”, bà Lê Thị Hồng Quyên, cán bộ khuyến nông khuyến ngư phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn) cho biết.

Ngư dân đua nhau bán tàu trả nợ

Theo thống kê, năm 2017, phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) có 517 chiếc tàu khai thác và thu mua hải sản. Nhưng đến đầu năm 2021, số tàu thuyền toàn phường chỉ còn 343 chiếc. Số lượng tàu thuyền khai thác, thu mua hải sản của phường vẫn không ngừng giảm.

Ông Hoàng Hữu Nội, trưởng khu phố Thanh Nam, phường Hải Thanh cho biết, nghề biển từ cuối năm 2017 đến nay kém hẳn nên hầu như 100% chủ tàu đều lâm vào cảnh nợ nần. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hoàng Hữu Nội, trưởng khu phố Thanh Nam, phường Hải Thanh cho biết, nghề biển từ cuối năm 2017 đến nay kém hẳn nên hầu như 100% chủ tàu đều lâm vào cảnh nợ nần. Ảnh: Võ Dũng.

Bài liên quan

Lý giải về điều này, ông Hồ Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Thanh cho rằng, nguồn hải sản cạn kiệt khiến nhiều thuyền đánh bắt thất thu. Từ đó, các tàu thu mua cũng rơi vào cảnh thất bát, nợ nần. Nhiều ngư dân vì nợ ngân hàng đã phải bán những con tàu với giá vài trăm triệu đồng dù cách đó không lâu vay ngân hàng hàng tỷ đồng để đóng tàu.

Ông Hoàng Hữu Nội, trưởng khu phố Thanh Nam, phường Hải Thanh lắc đầu ngán ngẩm: “Năm 2018, khu phố có 65 tàu đánh bắt thì nay chỉ còn 55 cái. Nghề biển từ cuối năm 2017 đến nay kém hẳn nên hầu như 100% chủ tàu đều lâm vào cảnh nợ nần. Họ bán tàu rồi trở thành thuyền viên của các tàu khác nhưng công việc không ổn định nên đi làm ăn xa hoặc làm công nhân gần nhà. Còn những người vẫn giữ tàu thì tiến thoái lưỡng nan”.

Cũng theo ông Nội, hiện khu phố Thanh Nam có rất nhiều người rao bán tàu nhưng không có người mua. Có hộ như ông Hồ Văn Tùng, đầu tư đóng tàu gần 1 tỷ đồng nhưng chỉ bán được 150 triệu đồng. Một số hộ đóng tàu trên 1 tỷ đồng nhưng đến khi khách trả 2-3 trăm triệu cũng đành bán. Đa phần tàu thuyền sau một vài năm hoạt động chỉ bán lại được 1/7-1/8 giá trị lúc đóng nhưng bán còn hơn không vì để càng lâu càng lỗ.

Phân nửa tàu thuyền tại phường Hải Bình phải nằm bờ. Ảnh: Võ Dũng.

Phân nửa tàu thuyền tại phường Hải Bình phải nằm bờ. Ảnh: Võ Dũng.

Không chỉ ngư dân vùng biển Nghi Sơn, theo tìm hiểu của PV, không ít ngư dân tại TP Sầm Sơn, Hậu Lộc cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đa phần chủ tàu đều cho rằng, bên cạnh việc đánh bắt, thu mua hải sản ngày càng khó khăn do nguồn hải sản cạn kiệt thì dịch covid-19 cũng tác động không nhỏ đến hoạt động của ngư dân. Nhiều chủ tàu tại TP Sầm Sơn hiện đang thông báo bán tàu nhưng rất ít người hỏi mua.

Theo số liệu thống kê từ Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, địa phương hiện có 7.096 tàu đánh bắt, khai thác và thu mua hải sản, giảm 356 tàu so với năm 2017. Đại diện Chi cục Thủy sản Thanh Hóa cho rằng, số lượng tàu có giảm nhưng chủ yếu là giảm tàu công suất nhỏ còn các tàu công suất lớn vẫn tăng; số lượng tàu thuyền biến động cũng là chuyện bình thường.

“Toàn tỉnh có 58 tàu 67 thì hiện có 4 tàu đã bán ra tỉnh ngoài do không trả được nợ ngân hàng. Bên cạnh đó cũng không ít chủ tàu 67 làm ăn được nhưng chây ỳ trả nợ cho ngân hàng”, ông Lê Văn Sáng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa cho biết.

Theo tìm hiểu của PV tại một số vùng biển của Thanh Hóa, đa phần ngư dân phải bán tàu là do rơi vào tình cảnh nợ nần. Nhiều ngư dân sau khi bán tàu vẫn không trả đủ nợ ngân hàng đành phải bán xới đi làm ăn xa.

Xem thêm
Hơn 220 đại biểu dự Đại hội các dân tộc tỉnh Yên Bái

YÊN BÁI Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong muốn các dân tộc tỉnh Yên Bái đoàn kết giữ gìn bản sắc văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Vùng hoang vu Quảng Trị: [Bài 5]: Tuyên truyền, vận động: Chưa đủ!

Chưa thể ngăn chặn triệt để, nạn tảo hôn vẫn diễn biến phức tạp trong sự bất lực của các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Trị.