| Hotline: 0983.970.780

Bao giờ ngư dân trả được nợ vay đóng tàu 67?

Thứ Năm 13/08/2020 , 06:35 (GMT+7)

Biển vắng cá, sản phẩm mất giá, tàu không có bảo hiểm không dám vươn khơi. Đó là nguyên nhân khiến ngư dân Bình Định chậm trả nợ vay đóng tàu 67.

2 năm nay biển vắng cá nên những chuyến biển của ngư dân Bình Định đều đánh bắt kém hiệu quả. Ảnh: Vũ Đình Thung.

2 năm nay biển vắng cá nên những chuyến biển của ngư dân Bình Định đều đánh bắt kém hiệu quả. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, tính đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn tỉnh Bình Định đã ký hợp đồng tín dụng cho 62 chủ tàu vay tổng cộng 921 tỷ đồng để đóng mới hoặc nâng cấp 48 tàu cá vỏ thép, 6 tàu vỏ gỗ, 8 tàu vỏ composite.

Tính đến hết tháng 3/2020, tổng dư nợ các ngân hàng cho vay là 865 tỷ đồng, trong đó có 48 chủ tàu cá đóng theo Nghị định 67 nợ quá hạn 266 tỷ đồng, 126 tỷ đồng là tiền gốc và 140 tỷ đồng là tiền lãi.

Đứng trước khoản nợ quá hạn này, các ngân hàng thương mại ở Bình Định đã phải nhờ đến UBND tỉnh can thiệp.

Để gỡ vướng, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt và ban hành kế hoạch thu hồi nợ vay đóng tàu 67; chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền các địa phương ven biển cùng các ngân hàng triển khai đồng bộ các biện pháp đánh giá tình hình khai thác thủy sản của ngư dân để phân loại và thu nợ, hạn chế nợ xấu gia tăng.

Trước thực trạng trên, chúng tôi đã có những cuộc gặp gỡ ngư dân để tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ lại chậm trả khoản nợ vay đóng mới tàu cá 67.

Nghe họ tâm sự, chúng tôi hiểu là đa số các chủ tàu vay tiền đóng tàu 67 đều đau đáu món nợ vay của các ngân hàng, thế nhưng thực tế tình hình đánh bắt trong 2 năm nay quá kém nên họ đành trở thành con nợ xấu.

Suốt 2 năm nay biển rất vắng cá, đến khi đánh bắt đạt sản lượng thì sản phẩm bị mất một nửa giá, chuyến biển nào may mắn lắm là hòa vốn, còn lại hầu hết đều lỗ.

Thêm vào đó, nhiều tàu đã hết hạn bảo hiểm nhưng đơn vị bán bảo hiểm không bán trở lại, do đó các chủ tàu không thể cho tàu ra khơi đánh bắt nên không có thu nhập. Đó là những nguyên nhân khiến ngư dân chậm trả nợ vay đóng tàu 67.

Ví như trường hợp của ngư dân Nguyễn Ngọc Châu (42 tuổi) ở thôn An Đông, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), chủ tàu cá vỏ thép mang số hiệu BĐ 99169 TS (880CV). Tàu cá của anh Châu xuất xưởng vào cuối tháng Chạp âm lịch năm 2016.

Trong 2 năm đầu, tàu hoạt động hiệu quả, chuyến biển nào cũng kiếm được 200 - 300 triệu đồng tiền lãi, trong 2 năm đó anh Châu trả nợ ngân hàng được hơn 1 tỷ đồng. Năm ngoái, dù đánh bắt thất bát, nhưng cũng đã trả thêm được gần 600 triệu đồng nữa. Tính đến nay anh Châu đã trả được cho ngân hàng tổng cộng 1,7 tỷ đồng.

Ngư dân Nguyễn Ngọc Châu kiểm tra mực khơi đánh bắt được. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngư dân Nguyễn Ngọc Châu kiểm tra mực khơi đánh bắt được. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Từ đầu năm 2020 đến nay tàu của tôi đi chuyến này nữa là chuyến thứ 5. Vừa liên tục bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, biển lại vắng cá, mực nên chẳng có chuyến biển nào đánh bắt đạt hiệu quả. Riêng chuyến biển vừa cập bờ tàu của tôi đánh bắt đạt sản lượng, nhưng thu nhập chẳng ra sao”, ngư dân Nguyễn Ngọc Châu chia sẻ.

Theo ngư dân Châu, chuyến biển vừa rồi tàu của anh đánh bắt được khoảng trên 50 tấn hải sản gồm mực khơi và cá ồ. Thế nhưng cả 2 loại hải sản nói trên đều đồng loạt mất một nửa giá, nên đánh bắt được nhiều mà tiền thu vào chẳng bao nhiêu.

“Trước đây mực khơi có giá đến 32.000 đồng/kg, nhưng chuyến vừa rồi tàu của tôi vào bán được chỉ 16.000 đồng; còn cá ồ trước đây 20.000 đồng/kg chuyến rồi cũng hạ còn 10.000 đồng, thứ gì cũng mất một nửa giá.

Đánh bắt được trên 50 tấn cá, mực mà bán chỉ được có gần 400 triệu đồng, trong khi tiền tổn đã 300 triệu, thêm 100 triệu chi phí cho bạn thuyền nữa, tính ra chuyến biển đánh bắt trúng nhất trong năm của tôi chỉ… hòa vốn”, ngư dân Châu bộc bạch.

Ngư dân Nguyễn Văn Lý ở xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99004 TS, người vừa bị Ngân hàng BIDV khởi kiện, yêu cầu trả khoản nợ hơn 16,4 tỉ đồng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngư dân Nguyễn Văn Lý ở xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99004 TS, người vừa bị Ngân hàng BIDV khởi kiện, yêu cầu trả khoản nợ hơn 16,4 tỉ đồng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Không chỉ ngư dân Châu, nhiều ngư dân khác vay tiền đóng tàu 67 khi làm ăn được cũng rất có trách nhiệm với việc trả nợ ngân hàng.

Ví như ngư dân Trương Hoài Đức ở xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ, Bình Định), trong thời điểm tàu cá vỏ thép BĐ 99992 TS của anh đánh bắt hiệu quả anh Đức đã trả cho ngân hàng được 2 tỷ đồng. Hoặc như ngư dân Lê Văn Thãi, chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99016 TS.

Rủi cho anh Thãi là tàu vừa đóng xong đã hư hỏng, phải nằm bờ chờ đơn vị đóng tàu sửa chữa. Tàu của anh Thãi vừa sửa xong, đi đánh bắt đạt hiệu quả thế là anh trả ngay cho ngân hàng hơn 700 triệu đồng.

Mối lo lớn nhất của những chủ tàu cá 67 ở Bình Định hiện nay là đơn vị bán bảo hiểm sau thời gian ngắn triển khai bảo hiểm trở lại thì nay đột ngột ngừng bán. Tàu cá mà không được bảo hiểm đồng nghĩa phải nằm bờ, mà nằm bờ thì không lấy đâu ra tiền trả nợ cho ngân hàng.

“Tàu của tôi đã hết hạn bảo hiểm, vừa rồi tôi đi mua thì đơn vị bán bảo hiểm bảo tôi phải làm nước tàu rồi mới bán trở lại. Tôi đã ra Tam Quan hợp đồng làm nước tàu với giá 540 triệu đồng, định vài tháng nữa sẽ cho tàu lên đà. Bỗng dưng bây giờ đơn vị bán bảo hiểm ngừng bán, không mua được bảo hiểm thì tôi cũng không làm nước lại cho con tàu làm gì.

Bởi có bảo hiểm tàu mới được ra khơi, đánh bắt nếu bị thua lỗ thì còn nhắn tin về bờ để nhận tiền hỗ trợ nhiên liệu, gom góp khoản tiền hỗ trợ này trả bớt cho ngân hàng cũng được. Bây giờ không mua được bảo hiểm thì tôi đành neo tàu thôi”, ngư dân Nguyễn Ngọc Châu bộc bạch.

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.