Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã triển khai các giải pháp gì để khắc phục cảnh báo của EU và hướng tới gỡ bỏ “thẻ vàng”, thưa ông?
Ngành thủy sản và các địa phương ven biển của tỉnh BR-VT đang thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, không chỉ với mục tiêu gỡ bỏ “thẻ vàng” mà còn phát triển bền vững ngành đánh bắt, chế biến thủy sản của tỉnh. Cụ thể, cơ quan chức năng đã tổ chức hàng trăm lớp tuyên truyền, phổ biến, tập huấn và hội thảo về chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU) cho cán bộ thủy sản, doanh nghiệp và bà con ngư dân.
Về công tác kiểm tra, xử lý tàu cá vi phạm, tỉnh đã thành lập 6 Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá và thường xuyên thành lập các Đoàn kiểm tra việc chấp hành thực hiện IUU tại các cảng cá. Đồng thời, chúng tôi cũng tập trung kiểm tra 100% tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển, phát hiện xử lý các phương tiện tàu cá vi phạm Luật Thủy sản.
Với những giải pháp trên, đến nay thực trạng quản lý tàu cá, chống đánh bắt bất hợp pháp IUU đã có những chuyển biến như thế nào?
Tình hình chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức của cán bộ quản lý địa phương, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp đã được nâng cao. Các cảng cá bước đầu đã chấp hành thực hiện các quy định về công tác kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng, việc treo cờ Tổ quốc, ghi chép sổ sách, biểu mẫu, hồ sơ giấy tờ liên quan, thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy hải sản theo quy định. Việc ghi, nộp nhật ký khai thác, thu mua/chuyển tải của chủ tàu, thuyền trưởng có chuyển biến tốt.
Trong năm 2020, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT và Tổng Cục Thủy sản đã kiểm tra và đánh giá tỉnh BR-VT có nhiều tiến triển trong thực hiện IUU, đặc biệt là nhận thức của ngư dân ngày càng được nâng cao. Thực tế, trước đây ngư dân chưa biết gì về IUU, nhưng đến nay hàng loạt vấn đề về thiết bị giám sát hành trình, sổ nhật ký, sơn sửa tàu cá, giấy an toàn vệ sinh thực phẩm,… ngư dân đã hiểu rất rõ.
Dù vậy, trên thực tế vẫn còn những tồn tại, khó khăn gì khi thực hiện các giải pháp khắc phục “thẻ vàng”, thưa ông?
Theo Luật Thủy sản vừa có hiệu lực, cảng cá có vai trò quan trọng trong việc giám sát đánh bắt. Tuy nhiên, việc kiểm soát tàu cá, thống kê và giám sát sản lượng thủy sản khai thác còn nhiều khó khăn như việc phân cấp quản lý cảng cá, bến cá chưa có sự thống nhất, dẫn đến những khó khăn trong công tác điều hành, kiểm tra xác nhận nguồn gốc thủy sản. Nhân lực của Ban quản lý các cảng còn thiếu, yếu nên chưa đáp ứng tốt cho nhiệm vụ được giao.
Công tác tuần tra, kiểm soát các hoạt động khai thác hải sản trên biển cũng còn nhiều khó khăn vì lực lượng Thanh tra thủy sản thiếu phương tiện và nhân lực. Về vĩ mô, Bộ NN-PTNT vẫn chưa hoàn thành Trung tâm giám sát tàu cá để phân cấp cho địa phương quản lý, khai thác, sử dụng; chưa công bố danh mục thiết bị giám sát hành trình đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để địa phương triển khai hướng dẫn cho ngư dân lắp đặt.
Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản đã được Tổng cục Thủy sản phân quyền sử dụng, cập nhật cho tỉnh, nhưng quá trình truy cập, truy xuất dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn, số liệu chưa chuẩn xác, một số cảng cá chưa truy cập được để đối chiếu thông tin tàu cá…
Từ thực trạng trên, trong thời gian tới ngành thủy sản tỉnh BR-VT cần có những giải pháp gì để sớm khắc phục, thưa ông?
Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh. Trước hết, hoàn tất việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá xa bờ theo quy định; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cảng cá việc thực hiện công tác ghi chép sổ sách theo dõi tàu ra, vào cập cảng, thu sổ nhật ký khai thác, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu khai thác.
Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin vào chống IUU, cụ thể như triển khai thí điểm phần mềm xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; sắp xếp lại hồ sơ về quản lý, theo dõi đăng ký, đăng kiểm tàu cá, hoàn tất việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tàu cá; bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý tàu cá giữa Chi cục Thủy sản với tất cả các cảng cá trên địa bàn tỉnh và cả nước.
Được biết, để việc đánh bắt hiệu quả và hướng đến một ngư trường bền vững, tỉnh BR-VT đã chủ động chỉ đạo giảm lượng tàu thuyền và thực hiện chuyển đổi ngành nghề lưới kéo. Cụ thể việc này diễn ra thế nào, thưa ông?
Thực trạng này về mặt lý thuyết rất tuyệt vời nhưng thực tế còn nhiều vấn đề bất cập vì ngư dân thường quen đánh bắt theo truyền thống dân gian. Hiện nay đang hướng đến một nghề cá có trách nhiệm, hội nhập quốc tế, cần phải hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ, khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép, composite thay cho tàu vỏ gỗ, dần hình thành đội tàu hiện đại, giúp ngư dân vươn ra vùng biển xa đánh bắt có kiểm soát tốt, góp phần bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.
Tỉnh BR-VT cũng đang cho xây dựng dự án chuyển đổi nghề lưới kéo và nghề giã cào ven bờ chuyển sang nghề khác thân thiện với môi trường và phát triển thủy sản bền vững hơn. Đồng thời, tiến hành đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản để căn cứ vào đó cấp giấy phép khai thác. Có như vậy mới hướng đến một ngư trường bền vững được…
Xin cảm ơn ông!