Trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) có tổng cộng 64 giấy phép khai thác khoáng sản (tương ứng 64 mỏ) còn thời hạn. Nhu cầu quản lý nhà nước về hoạt động khai khoáng và bảo vệ môi trường rất lớn....
Quỳ Hợp từng là “thủ phủ” khai thác khoáng sản của tỉnh Nghệ An |
Trong năm 2018, UBND huyện Quỳ Hợp đã kiểm tra, giám sát các điểm mỏ thường diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và gây ô nhiễm môi trường thuộc các xã Châu Lộc, Thọ Hợp, Châu Tiến, Châu Hồng, Liên Hợp, Châu Thành, Châu Quang, Châu Cường, Tam Hợp, Nghĩa Xuân, Minh Hợp, Châu Đình và Đồng Hợp. Mặc dầu đã có những chuyển biến nhất định nhưng tình hình chung rất đáng quan ngại.
Những con số thống kê đã nói lên tất cả, riêng năm nay các đơn vị chuyên ngành đã xử lý vi phạm 34 trường hợp (chiếm trên 50%) cùng số tiền phạt 575 triệu đồng. Tìm hiểu sâu hơn, huyện Quỳ Hợp đã phối hợp cùng Đoàn liên ngành số 1 theo Quyết định số 1342/QĐ-UBND ngày 11/4 của UBND tỉnh Nghệ An kiểm tra thực địa đối với 63 điểm mỏ của 50 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Kết quả 25 tổ bị xử phạt với 39 lỗi vi phạm.
Bên cạnh đó, Đoàn liên ngành đã phối hợp cùng chính quyền các xã xử phạt vi phạm hành chính 3 trường hợp liên quan đến hành vi khai thác trái phép và tác động đến môi trường, bao gồm ông Hồ Sỹ Nga tại Châu Lộc, ông Lê Văn Dũng tại Nghĩa Xuân và Cty CP Khai thác chế biến đá Thanh Xuân. Ngoài kinh phí nộp phạt, các trường hợp nêu trên phải thực hiện giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành, phía Công an huyện Quỳ Hợp đã phát hiện 8 vụ việc sai phạm, trong số này 5 đối tượng tham gia vận chuyển khoáng sản không rõ nguồn gốc, 3 đối tượng còn lại khai thác cát sỏi trái phép. Điều đáng nói tất cả chỉ bị xử phạt hành chính với tổng số tiền khoảng 26 triệu đồng.
Qua ghi nhận thực tế, các mỏ có giấy phép khai thác nhưng chưa hoàn thành đầy đủ các thủ tục hồ sơ (thuê đất, giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường…) vẫn đang ngang nhiên hoạt động. Một số DN khác chưa cho thấy sự nghiêm túc trong việc khắc phục các vấn đề tồn tại (khai thác chưa đúng theo thiết kế mỏ được phê duyệt, tai nạn lao động vẫn xảy ra).
Lúc này tình trạng ô nhiễm môi trường do khai thác, chế biến khoáng sản đang tiếp diễn. Điển hình có xưởng chế biến đá Thọ Sơn, khu chế biến đá tập trung vùng Đồng Cạn (xã Đồng Hợp), 2 cụm công nghiệp Thung Khuộc (thị trấn Quỳ Hợp), Cụm công nghiệp xã Châu Quang. Trong khi đó tại địa bàn các xã Minh Hợp, Châu Lộc, Châu Tiến, Châu Hồng, Liên Hợp và Châu Cường việc hoạt động trái phép vẫn xảy ra.
Quá trình hoạt động của các DN đang tồn tại không ít vấn đề |
Trao đổi với NNVN, ông Lê Sỹ Hào, Trưởng phòng TN-MT huyện Quỳ Hợp nhấn mạnh: “Bộ Tài chính ban hành Thông tư 44 về cấp quyền khai thác, nâng mức thuế cao gấp 3 lần so với trước đây thực sự là trở ngại không nhỏ với các DN hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản.
Lâu nay đá xẻ và đá trắng là những mặt hàng chủ lực, tuy nhiên trong 2 năm trở lại đây quá trình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn khiến không ít đơn vị phải tạm ngừng hoạt động, điển hình như Cty CP An Sơn. Nhằm giải quyết tình hình trước mắt một số mỏ phải thay đổi cách thức, chuyển sang khai thác đá hộc để duy trì nguồn thu”.
Khi PV đề cập đến việc tuân thủ các quy định hiện hành, ông Lê Sỹ Hào khẳng định: “Các mỏ khai thác phải có trạm cân, đặc biệt là lắp đặt hệ thống camera theo dõi, giám sát. Tuy nhiên do nhiều yếu tố nên chỉ một vài doanh nghiệp (Cty CP Đá Phủ Quỳ, DNTN Long Anh) đáp ứng được”.
Hành vi vi phạm của các DN trong khai thác khoáng sản tại địa bàn huyện Qùy Hợp “muôn hình vạn trạng”: không bổ sung, chỉnh lý phương án chữa cháy; không có phương án bảo vệ an ninh trật tự kho vật liệu nổ công nghiệp được phê duyệt; không phân loại lao động theo danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; không khai báo các loại máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt trước khi sử dụng; không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo định kỳ… Động đến đâu thiếu sót đến đó, tình trạng bất ổn trong lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm khiến dư luận thật sự ái ngại. |