| Hotline: 0983.970.780

Khẩn cứu mía ngập lũ

Thứ Hai 31/10/2011 , 09:37 (GMT+7)

Tính đến nay, nhiều ruộng mía bị ngập sâu 30-60 cm, dầm chân trong nước hơn 1 tháng. Nếu không có biện pháp tháo gỡ thì chỉ trong hơn 10 ngày tới mía sẽ chết...

Thu hoạch mía chạy lũ ở Sóc Trăng
Những ngày qua ở ĐBSCL nước lũ và triều cường dâng cao đã làm vùng hạ lưu ngập lụt trên diện rộng. Tình trạng này đã ảnh hưởng lớn tới nhiều vùng trồng hoa màu, vườn cây ăn trái. Đặc biệt nguy cấp là hơn 5.000 ha mía của hai tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng đang ngập ngủm.

Mía ngập trên đồng

Cuối tuần qua, tại UBND tỉnh Hậu Giang, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo 10 nhà máy đường khu vực ĐBSCL, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng. Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết: “Hiện nông dân trồng mía đang rất hoang mang lo lắng. Vì tính đến nay, nhiều ruộng mía bị ngập sâu 30-60 cm, dầm chân trong nước hơn 1 tháng. Nếu không có biện pháp tháo gỡ thì chỉ trong hơn 10 ngày tới mía sẽ chết, tổn thất khó lường”.

Năm nay tỉnh Hậu Giang có 14.000 ha mía. Đây là vùng mía nguyên liệu lớn nhất so với các tỉnh trong vùng. Trong đó huyện Phụng Hiệp có 8.813 ha mía, tăng 512 ha so cùng kỳ năm trước. Theo ông Thắng, hàng năm từ tháng 9 đến tháng 11, nước lũ từ sông Hậu theo ba tuyến kênh chính là kênh Xáng Nàng Mau, Lái Hiếu và Xáng Búng Tàu đổ vào Phụng Hiệp. Lúc này là thời điểm mía trong huyện vào vụ thu hoạch. Hiện trên địa bàn chỉ có 4.750 ha mía có đê bao khép kín, nhưng cũng bị xuống cấp, không đảm bảo ngăn nước khi lũ tràn về. Còn lại hơn 4.000 ha mía không có đê bao, thường thu hoạch mía xong là xuống giống vụ lúa đông xuân.

 Thế nhưng, điều khác thường so với những năm trước là năm nay ghe mua mía từ các tỉnh khác trong vùng về thu mua mía rất thưa vắng. Mỗi ngày chỉ có 120-150 ha mía thu hoạch. Tính ra từ đầu vụ đến nay, huyện Phụng Hiệp chỉ mới thu được 4.600 ha, còn 4.200 ha mía cần phải thu hoạch gấp. Trong đó có hơn 600 ha mía bị ngập nặng sắp chết và 2.100 ha mía lá đã úa vàng.

Còn tại một vựa mía khác-huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), đợt triều cường dâng cao mấy ngày qua đã làm vỡ đê, gây ngập 2.050 ha mía 6 tháng tuổi. Ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) hiện có 3.560 ha mía nhưng có tới 2/3 diện tích mía trong vùng sâu nội đồng bị ngập. Nông dân đang thu mía chạy lũ. Một cán bộ Cty CP Mía đường Sóc Trăng, cho biết: Hiện lượng mía nguyên liệu dồn về nhà máy rất nhiều, bình quân 2.000 tấn mỗi ngày. Trong đó 60% tiêu thụ mía từ Mỹ Tú và hơn 30% mía Hậu Giang chở về.

Giải cứu trong 15 ngày

Kể từ khi vào vụ đến nay, 3 nhà máy đường lớn ở Hậu Giang là Phụng Hiệp, Vị Thanh (Casuco) và Long Mỹ Phát đã mở hết công suất, chạy cật lực ngày đêm nhưng vẫn không xuể so với nhu cầu bán mía chạy lũ. Điều đáng nói, cùng với việc mía ngập nặng, người trồng mía ở Phung Hiệp đang bị tư thương chèn ép. Được biết, các nhà máy đường hiện thu mua 1.070-1.090 đồng/kg mía 10 chữ đường (CCS). Nhưng tư thương chỉ mua những đám mía tốt với giá 920-940 đồng/kg, còn mía chạy lũ, ở những ruộng bắt đầu có mía chết chỉ 800 đồng/kg.

Từ nay đến ngày 15/11/2011, các nhà máy đường khu vực ĐBSCL đăng ký tiêu thụ 604.00 tấn mía, vượt hơn  4.200 ha mía (tính theo năng suất bình quân hơn 130 tấn/ha) gồm:

2 nhà máy đường Phụng Hiệp và Vị Thanh (Casuco) mua 290.000 tấn; Cty CP NIVL (Long An) mua 20.000 tấn; Cty CP Mía đường Hiệp Hòa (Long An) mua 20.000 tấn; Cty CP Mía đường Bến Tre mua 36.000 tấn; Cty CP Mía đường Long Mỹ Phát (Hậu Giang) mua 85.000 tấn, trong đó có 5.000 tấn mía ở Mỹ Tú (Sóc Trăng); Cty CP Mía đường Tây Nam mua 19.000 tấn mía, trong đó có 4.000 tấn ở Mỹ Tú; Cty CP Mía đường Trà Vinh mua 20.000 tấn; Cty CP Mía đường Sóc Trăng mua 85.000 tấn, trong đó 20.000 tấn ở Mỹ Tú.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, dù đã lên kế hoạch cụ thể cho vụ mía mới, nhưng do năm nay nước lũ lớn bất ngờ, ngoài dự liệu nên các nhà máy đường trong vùng đã bị bể kế hoạch. Tuy nhiên, để khẩn cấp cứu nguy vùng mía ngập lũ, Hiệp hội yêu cầu các nhà máy đăng ký số lượng mía tiêu thụ tập trung ở Hậu Giang trong vòng 15 ngày (từ nay đến 15/11) và báo cáo nhanh tiến độ đạt được trong tuần về Trưởng ban Tiểu vùng mía nguyên liệu khu vực ĐBSCL.

Về trở ngại phẩm chất mía ngập lũ, nhân công đốn mía, phương tiện và chi phí vận chuyển, Hiệp hội đề nghị chính quyền địa phương cùng phối hợp hỗ trợ các nhà máy, nhất là lúc cao điểm đốn mía.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng kêu gọi các nhà máy đường vận hành hết công suất nhằm nhanh chóng tiêu thụ mía ngập lũ giúp nông dân. "Việc tiêu thụ mía cho bà con đang gặp lũ thể hiện đạo lý trong làm ăn với nông dân. Chúng ta không thể đứng nhìn mía của bà con chết ngoài đồng" - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.