| Hotline: 0983.970.780

Hơn 300 ha lúa bị ngập úng do mưa lớn

Thứ Hai 19/06/2023 , 06:14 (GMT+7)

Trà Vinh Hàng trăm hecta lúa và hoa màu của nông dân tỉnh Trà Vinh bị thiệt hại do ảnh hưởng của những đợt mưa sớm kéo dài, gây ngập úng cục bộ.

311 hecta lúa của nông dân Trà Vinh bị ngập úng do những trận mưa kéo dài nhiều ngày. Ảnh: Hồ Thảo.

311 hecta lúa của nông dân Trà Vinh bị ngập úng do những trận mưa kéo dài nhiều ngày. Ảnh: Hồ Thảo.

Trong những ngày đầu tháng 6, tỉnh Trà Vinh đón nhận những cơn mưa lớn kéo dài liên tục, gây ra nhiều thiệt hại cho đời sống sản xuất nông nghiệp của người dân tại địa phương này.
Vừa qua, tại huyện Duyên Hải, cơn mưa lớn kèm giông lốc đã làm sập 2 căn nhà, thiệt hại ước tính 370 triệu đồng. Đặc biệt, nước mưa đã làm ngập úng 311 hecta lúa đang trong giai đoạn mạ non, khiến nông dân thiệt hại từ 50% đến 100%.

Theo ghi nhận của chúng tôi, xã Ngũ Lạc là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 221 hecta lúa và hơn 80 hecta hoa màu bị ảnh hưởng do thời tiết xấu.

Anh Thạch Đa Ra, ngụ ấp Sóc Ruộng, cho biết anh vừa trải qua giai đoạn khó khăn nhất của nghề trồng lúa khi nước mưa nhấn chìm toàn bộ 3 hecta cánh đồng nhà mình. Dù đã nỗ lực dùng máy bơm, đánh rãnh thoát nước nhưng lượng mưa quá lớn khiến hệ thống kênh nội đồng không thể tiêu thoát được.

Ước tính ban đầu, ông thiệt hại gần 30 triệu đồng, bao gồm chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đáng kể nhất là chi phí thuê nhân công cấy lại số lúa đã chết. Ông phải trả từ 180-200 nghìn đồng/người/ngày. 

Ông Thạch Đa Ra buồn rầu, bất lực nhìn cánh đồng xanh dần trở thành một màu nước đục ngầu do mưa lớn. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Thạch Đa Ra buồn rầu, bất lực nhìn cánh đồng xanh dần trở thành một màu nước đục ngầu do mưa lớn. Ảnh: Hồ Thảo.

Tương tự, 2 hecta đậu bắp của anh Thạch Sô Pha (cùng địa phương) đang tươi tốt, chuẩn bị cho thu hoạch thì rễ bắt đầu thối và chết, thiệt hại ước tính khoảng 20 triệu đồng. Theo ông Pha, khu vực sản xuất là vùng trũng, không đủ hệ thống kênh, mương nội đồng để thoát nước hiệu quả. Ông mong chính quyền địa phương tiếp tục nạo vét, đầu tư các tuyến kênh nội đồng mới, mỗi tuyến kênh cách nhau khoảng 500 - 1.000m để giảm nguy cơ ngập úng khi mưa lớn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực ĐBSCL, mùa mưa năm 2023 đến sớm hơn thường lệ, khoảng đầu tháng 5, khả năng xuất hiện mưa to, giông, sét, sạt lở đất và gió giật mạnh. Đối với bà con nông dân, những thiệt hại này đang trở thành một áp lực vô cùng lớn, đặc biệt là mùa thu hoạch đến gần.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Thanh Cảnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp hữu cơ xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải cho hay, người trồng hoa màu trong HTX đang gặp khó khăn không nhỏ. Gần 70% đến 100% trong tổng số 8 hecta đất của họ bị thiệt hại nặng nề, bình quân mỗi hộ nông dân thiệt hại 30 triệu đồng/hecta do ảnh hưởng của mưa kéo dài.

Hiện tại, chỉ còn 20 ngày nữa là thu hoạch hoa màu để cung cấp nguyên liệu cho đối tác. Tuy nhiên, với những khó khăn lúc này, đó dường như là một nhiệm vụ bất khả thi. Ông mong chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ cho các hộ dân chịu thiệt hại do thời tiết xấu.

Nông dân tăng cường máy bơm thoát nước ra ruộng sau đợt mưa kéo dài. Ảnh: Hồ Thảo.

Nông dân tăng cường máy bơm thoát nước ra ruộng sau đợt mưa kéo dài. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Duyên Hải, việc khắc phục thiệt hại do mưa lớn và giông lốc vẫn còn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với bà con nông dân, hy vọng tình hình sẽ được kiểm soát và trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất.

Ông Trần Quốc Đoàn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Duyên Hải thông tin, Phòng đã phối hợp với Công ty Xí nghiệp Thủy nông điều tiết hệ thống cống thoát nước ra các cửa sông 24/24.
Vận động người dân trục vớt lục bình, cỏ, vật cản để khơi thông dòng chảy trên các kênh nội đồng. Đồng thời, còn hỗ trợ lúa giống theo quy định hiện hành và khuyến khích nông dân gieo sạ lại khu vực bị thiệt hại để khắc phục tình hình sớm nhất có thể.
Bên cạnh đó, Phòng NN-PTNT huyện Duyên Hải cũng tăng cường công tác dự báo, tập huấn kỹ thuật trồng lúa cho bà con, từ đó giúp họ cải thiện năng suất và giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp mưa lớn.
Đồng thời, cũng tăng cường công tác nạo vét hệ thống kênh nội đồng, đặt thêm cống thoát nước trên địa bàn các xã có nguy cơ ngập cục bộ...

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.